Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình

Chan, Theo Helino 00:10 04/11/2019

Đã hơn 2 thập kỉ trôi qua kể từ lúc "vụ bê bối Monica Lewinsky" gây rúng động truyền thông nước Mỹ, giờ đây cô thực tập sinh Nhà Trắng ngày ấy đã vượt qua được quãng thời gian tuyệt vọng vì "bạo lực mạng" bằng chính sự dũng cảm và mạnh mẽ của bản thân.

"Có lẽ cũng như tôi ở độ tuổi 22, một số người trong các bạn sẽ lỡ lầm đường khi yêu nhầm người, ngay cả khi đó là sếp của bạn. Nhưng khác với tôi, sếp của các bạn có thể không phải là Tổng thống Mỹ. Năm 22 tuổi, tôi đã đem lòng yêu sếp của mình và đến tuổi 24, tôi lĩnh hội sâu sắc được những hậu quả tàn khốc từ sai lầm đó".

"Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nhớ về nó và trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn hối tiếc về sự bồng bột năm ấy" - Lewinsky kể về vụ bê bối nổi tiếng lịch sử và cũng là vết nhơ khó quên của cuộc đời mình giữa không gian lặng như tờ trong khán phòng TED.

Sai lầm tuổi trẻ và quãng thời gian vùng vẫy giữa những tháng ngày tối tăm nhất của cuộc đời

Năm 1998, cách đây hơn hai thập kỉ, truyền thông nước Mỹ chấn động vì vụ bê bối tình dục của vị Tổng thống thứ 42 - Bill Clinton. Trải qua nhiều tháng điều tra, ông Clinton đã thừa nhận mình ngoại tình với Monica Lewinsky, cô thực tập sinh trẻ của Nhà Trắng kém ông 27 tuổi.

Mối tình của hai người nảy sinh chỉ một thời gian không lâu sau khi Lewinsky đến Nhà Trắng vào năm 1995. Cuộc tình vụng trộm sau đó đã bị vỡ lở khi một đồng nghiệp của Lewinsky bí mật ghi âm lời tâm sự của cô về những lúc ân ái với Bill Clinton. Đến tháng 1/1998, tin tức về sự việc đã nhanh chóng lan rộng và đổi lại là lời khẳng định chắc nịch của Tổng thống Mỹ: "Tôi không hề có những mối quan hệ tình dục với cô Lewinsky". Nhưng kết quả của cuộc điều tra, một báo cáo dài hàng trăm trang được công bố trên internet sau đó đã thành công phản bác lại lời trần tình của ông Clinton.

Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình - Ảnh 1.

Cô thực tập sinh 25 tuổi của Nhà Trắng năm đó đã từng có mối tình vụng trộm tốn không ít giấy bút của giới truyền thông với vị Tổng thống Mỹ hơn cô 27 tuổi

Cũng từ sau vụ bê bối, cuộc đời Monica Lewinsky rẽ sang một trang mới, tăm tối và khổ sở hơn rất nhiều lần so với những gì cô gái 25 tuổi có thể tưởng tượng được. Lewinsky liên tục hứng chịu búa rìu dư luận, bị người dân Mỹ chế nhạo và lên án không tiếc lời. Tờ Guardian gọi Lewinsky là “một trong những người bị nhục mạ nhiều nhất ở thế kỉ 20”. Còn cô thì tự nhận mình là “bệnh nhân số 0” - người đầu tiên bị công khai làm nhục trên mạng internet.

Kể về quãng thời gian như sống trong địa ngục đó, Lewinsky cho biết: "Đó là một sự nhục nhã đầy đau đớn. Cuộc sống của tôi trở nên không thể chịu đựng nổi". Đối mặt với dư luận cùng những lời chửi rủa ngập internet, cộng thêm sự chối bỏ dứt khoát của người tình là Tổng thống Bill Clinton, đã có những lúc cô gái trẻ nghĩ đến ý định tự tử.

"Mỗi tối mẹ tôi ngồi ở bên cạnh giường chờ cho đến khi tôi ngủ say" hay "Như một đứa trẻ con, cả tháng trời tôi không được đóng cửa phòng khi đi tắm", cô kể.

Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình - Ảnh 2.

Monica Lewinsky bị bủa vây bởi ống kính của các phóng viên khi rời văn phòng luật sư năm 1998

Theo Lewinsky, thời điểm đó, kể cả khi mạng xã hội chưa kịp xuất hiện thì người ta vẫn có thể gửi bình luận và những lời đùa ác ý dưới các tin tức, gửi email về câu chuyện đến các tờ báo hay chương trình truyền hình: "Với sự trợ giúp của công nghệ, câu chuyện được người ta đem ra phán xét mạnh mẽ hơn và dẫn đến hình thành một lực lượng "ném đá" hùng hậu trên mạng internet".

Hành trình vực dậy bản thân và giúp đỡ những người khác cùng cảnh ngộ

Kể cả khi Monica Lewinsky cố gắng bước ra khỏi bóng tối cuộc đời sau đó nhiều năm bằng cách bán các phụ kiện thời trang và tham gia vài dự án truyền thông. Hành động của cô vẫn tiếp tục bị chỉ trích là "lợi dụng sự tai tiếng của mình" để xuất hiện trở lại.

Lewinsky sau đó quyết định sang Anh để học và lấy bằng cao học ngành Tâm lý xã hội. Nhưng khi trở về quê nhà để tìm kiếm cơ hội trong trong lĩnh vực quảng cáo thương hiệu, cô nhận ra sự thật phũ phàng rằng năng lực hay bằng cấp của mình vẫn không thể xoá nhoà định kiến xã hội. Cô liên tục nhận những cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng vì lý do "không phù hợp" hoặc thậm chí là vì "quá khứ" của mình.

Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình - Ảnh 3.

Monica Lewinsky giờ đây đã trở thành một người phụ nữ thành đạt, nổi tiếng sau những năm tháng tự mình vượt qua scandal

Đến cuối năm 2010, chỉ sau một cuộc gọi với mẹ đã giúp Monica Lewinsky thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Mẹ cô kể về câu chuyện của cậu bé Clementi Tyler, 18 tuổi đã bị quay lén cảnh đang hôn một người đàn ông và đăng tải lên internet. Sau nhiều ngày liên tục bị chế nhạo và nhục mạ trên mạng xã hội, chàng trai trẻ đã chọn nhảy cầu để kết liễu cuộc đời mình.

Hai mẹ con cô đã bật khóc vì xót thương cho số phận ngắn ngủi của một người xa lạ. Khi nghe mẹ nói: "Cha mẹ cậu bé cũng thật đáng thương", Lewinsky nhận ra mẹ mình đang nhớ lại những ngày cố gắng ngăn cản chính con gái mình khi cô có ý định tự tử.

Sau sự việc, Lewinsky nhận ra rằng nếu cô dũng cảm chia sẻ và lan truyền câu chuyện cuộc đời mình mạnh mẽ hơn, có thể cô sẽ góp phần cứu được những người đang tuyệt vọng khi trải qua những tháng ngày đen tối do bị "bạo lực mạng". Cô bắt đầu bắt tay viết bài tiểu luận "Sống qua tủi nhục" và nó được đăng tải trên tạp chí Vanity Fair vào năm 2014.

Sau bài tiểu luận, cô được mời nói chuyện trong hội thảo của Forbes và tại diễn đàn TED. Cô đã nỗ lực học thuyết trình và nhờ vào sự lan toả của TED để lời nói của mình được nhiều người biết đến hơn. Cố gắng của Lewinsky đã không hề phí hoài khi những chia sẻ còn được đưa vào trường học giảng dạy bên cạnh các tác phẩm văn học kinh điển. Bài phát biểu của cô đã nhận được sự đồng tình từ nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội. Nhà đầu tư nổi tiếng Chris Sacca đã dành lời khen có cánh cho bài phát biểu của Lewinsky và cho rằng đó là “một trong những bài phát biểu tuyệt vời nhất, can đảm nhất tại TED”.

Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình - Ảnh 4.

Lewinsky mạnh mẽ kể lại thời điểm đen tối nhất cuộc đời, hi vọng giúp được những người đang bế tắc như mình ngày trước có thể vượt qua khó khăn

Hiện tại, nhiều nhóm từ thiện như Giải thưởng Diana của Hoàng gia Anh, tổ chức chống bắt nạt học đường Bystander Revolution đã mở lời đề nghị hợp tác với cô. Bên cạnh đó, Lewinsky còn thuyết trình ở Facebook và các hội thảo doanh nghiệp về chủ đề làm cách nào để nhận được nhiều sự cảm thông hơn từ cộng đồng mạng.

"Nếu tôi đã bị mắc kẹt ở quá khứ, thì tôi sẽ làm có điều đó trở nên ý nghĩa hơn", Lewinsky nói.

Lewinsky khẳng định: "Lăng mạ tập thể có thể được xem là một môn thể thao đẫm máu và chúng ta cần chấm dứt nó. Đã đến lúc có một sự can thiệp vào văn hóa của chúng ta và cả mạng internet".

Sau hai thập kỷ kể từ vụ bê bối, người phụ nữ trưởng thành mạnh mẽ đứng trên bục phát biểu, dõng dạc và tự tin nói: "Bạn có thể vượt qua nó, mặc dù tôi biết sẽ rất khó khăn. Nhưng bạn vẫn có thể viết nên một cái kết khác cho câu chuyện của chính mình".

(Tổng hợp)

“Bye Bye Bully - Ngừng buông lời ác” là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù bạn có là nạn nhân hay một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.
Monica Lewinsky - Nạn nhân đầu tiên của cyber bully trong thế kỉ 20 và hành trình viết lại cái kết khác cho cuộc đời mình - Ảnh 6.