Câu chuyện view YouTube và top trending của 2019: liệu chúng có "thần thánh" như chúng ta vẫn nghĩ?

Koi Koi, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 12/06/2019

Câu chuyện xoay quanh lượt người xem trên YouTube và những con số tuy "ảo" mà "thật" - chưa bao giờ hết hot khi những tranh cãi bất tận vẫn diễn ra.

Câu chuyện về lượt view, về top trending trên Youtube dường như là một đề tài muôn thuở của làng nhạc Việt. Từ vài năm về trước cho đến tận thời điểm hiện tại, chủ đề trên vẫn luôn được liên tục mổ xẻ, giải thích, kéo theo những cuộc tranh luận đến bất tận. Tất cả chỉ để lí giải cho hai câu hỏi: "Liệu lượt view YouTube và thứ hạng trending ảnh hưởng thực sự đến làng nhạc Việt hiện tại như thế nào?" và "Liệu đó có thể xem như một thước đo, một chuẩn mực để đánh giá một nghệ sĩ là thành công hay không?"

Từ "Làn Sóng Xanh" cho đến YouTube: cuộc hành trình ba thập niên

Trở lại những năm 90 của thế kỉ trước, thời đại mạng Internet vẫn còn đang rất manh nha tại Việt Nam và vẫn chưa tạo được sự ảnh hưởng nào đến công chúng - lúc ấy, khán giả có đổ dồn vào chiếc radio, say mê theo từng ca khúc được phát thanh thông qua chiếc máy cát-xét thời ấy – tạo nên một kỉ nguyên âm nhạc gắn liền với đài radio. Đó là một trong những thời đại hoàng kim của làng nhạc Việt Nam mà người lớn sau này, khi hoài niệm nhớ lại đều trìu mến gọi: "Thời kì Làn Sóng Xanh", ứng với tên gọi bảng xếp hạng đình đám, đã đi vào tâm khảm của rất đông thế hệ khán giả. Đó là thế hệ của Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà,… của Tuấn Hưng, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Hồng Ngọc – thế hệ đặt những viên đá đầu tiên của làng nhạc Việt hiện đại.

Câu chuyện view YouTube và top trending của 2019: liệu chúng có thần thánh như chúng ta vẫn nghĩ? - Ảnh 1.

Bộ tứ diva Việt Nam và Mỹ Tâm - những đại diện của thế hệ Làn Sóng Xanh.

Đến tầm những năm 2005, 2006 đổ về sau, khi Internet ngày càng phát triển, kéo theo loạt các blog cá nhân, đặc biệt là sự xuất hiện của Yahoo – nhiều website nghe nhạc trực tuyến cũng ra đời, và cũng theo đó, mỗi website sẽ lại có những bảng xếp hạng âm nhạc của riêng họ. Các BXH trên cũng từng một thời "làm mưa làm gió", có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị hiếu nghe nhạc chung của khán giả, chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ Quang Vinh, Wanbi Tuấn Anh, Bảo Thy, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh,.... Tuy nhiên, dần dà theo thời gian, các BXH trên cũng dần đánh mất vị thế và vai trò của mình, chỉ còn mang tính cục bộ và mất đi sức ảnh hưởng. Có nhiều lí do, cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến kết cục trên.

Câu chuyện view YouTube và top trending của 2019: liệu chúng có thần thánh như chúng ta vẫn nghĩ? - Ảnh 2.

Noo Phước Thịnh và Đông Nhi là các ca sĩ hàng đầu đại diện cho thế hệ thứ hai

Tựu trung lại, đó vẫn là một bài toán đau đầu cho showbiz Việt: một BXH âm nhạc chỉn chu, nghiêm túc, khách quan và đa chiều vẫn mãi chưa xuất hiện. Với đặc thù rất riêng của khán giả và thị trường âm nhạc Việt Nam, khi việc bỏ tiền ra mua một ca khúc, một album nhạc vẫn còn là một điều khá xa xỉ, thì việc mơ ước có một BXH kiểu như Billboard hay GAON Chart tại Việt Nam vẫn còn rất xa vời.

Chính vì đặc trưng của thị trường âm nhạc Việt Nam như thế, cũng như sự phát triển của thời đại, nó đã tự tạo nên cách xếp hạng và đánh giá riêng biệt cho riêng nó: YouTube.

Sức ảnh hưởng không thể chối cãi!

YouTube không phải là một phát minh gần đây mà đã có tuổi đời hơn 14 năm, nhưng quả thật, chỉ trong tầm 3-4 năm đổ lại đây, thị trường âm nhạc Việt Nam mới thực sự giành vị trí độc tôn cho YouTube. Có một lí giải nào về lựa chọn này cả khán giả Việt Nam?

Rõ ràng, ai cũng có thể thấy, trong vài năm đổ lại đây, việc ca khúc của một nghệ sĩ sau khi ra mắt đạt lượt xem bao nhiêu - "làm ăn" như thế nào trên Top Trending YouTube Việt Nam trở thành một trong những tiêu chí được quan tâm, phản ánh độ thành công của sản phẩm tại thời điểm ra mắt. Thậm chí, rất nhiều nhãn hàng đã và đang nhìn vào những con số trực tiếp ấy để mời các nghệ sĩ cho các chiến dịch – đó là một điều đang diễn ra. Nghệ sĩ dù sao cũng là con người, bên cạnh thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, họ cũng cần phải có tiền để tiếp tục nuôi sống mình và ước mơ. View càng "khủng", lọt top trending càng cao, cơ hội lại càng rộng mở. Rất sòng phẳng và công bằng.

Nó không chỉ là xu thế chung của Việt Nam, mà có sự ảnh hưởng trực tiếp từ trào lưu của thế giới. BTS, BlackPink chính là hai minh chứng rõ ràng nhất khi sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cục diện "cuộc chiến" trên YouTube.

MV "Boy With Luv" – BTS (ft. Halsey) - MV giữ kỉ lục về lượng view 24h trên YouTube.

Trong giai đoạn thị trường Việt Nam vẫn chưa có một BXH âm nhạc chính thức, được công nhận rộng rãi thì Top Trending của YouTube Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chí: khách quan, tương đối công bằng, ít bị chi phối và phản ánh khá đúng thị hiếu âm nhạc của khán giả. Bên cạnh đó, lượt view YouTube là một thông số công bằng, minh bạch, mang tính toàn cầu, rất khó để bị can thiệp bởi một bên thứ ba. Các nghệ sĩ, dù indie hay mainstream, dù pop hay rap/ hip-hop – tất cả đều có một môi trường cạnh tranh gần như nhau, với cơ hội được mở rộng ra cho tất cả.

Cũng cần phải nói thêm, việc MV của mình ra mắt và lọt vào #1 trending YouTube không thể nói là môt việc không quan trọng, vì thành tích trên cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công, phản ánh sự đón nhận của khán giả Việt Nam.

Với việc MV "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng cán mốc kỉ lục 17 triệu lượt xem trong 24h đầu, ngang ngửa với loạt sao đình đám từ Á sang Âu, có lẽ lần đầu tiên, khán giả Việt Nam đã thực sự cảm nhận được "quyền lực" của lượt view YouTube. Kể từ đó, các nghệ sĩ Việt bắt đầu quan tâm thực sự đến trận chiến lượt view YouTube. Giờ đây, họ không chỉ "đấu" với đồng nghiệp trong nước, mà còn cả với những sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới.

Với tất cả những điều trên, YouTube đã xuất hiện, chi phối và có ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Không ai có thể đi ngược lại hay chống cự, vì đó là xu thế chung toàn cầu.

Câu chuyện view YouTube và top trending của 2019: liệu chúng có thần thánh như chúng ta vẫn nghĩ? - Ảnh 4.

Sơn Tùng - người "bật tung" cánh cửa về lượt view YouTube Việt Nam ra thế giới.

Lí giải nhiều, nhưng chúng ta cũng nên nhấn mạnh: đó không phải là thước đo duy nhất để có thể nhận xét về toàn bộ sự thành công của một sản phẩm, hay chất lượng của một ca khúc.

BXH top trending của YouTube hoàn toàn không phải là một BXH âm nhạc, mà nó bao gồm tất cả các đoạn clip thuộc đủ mọi nội dung: từ phim ngắn, clip chế, thời sự, thể thao,... Thế nên khi các MV ca nhạc ra mắt đều buộc phải "đối đầu" không chỉ với các sản phẩm âm nhạc trong và ngoài nước cùng thời điểm, mà còn với hằng hà sa số các clip được đăng tải, phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm ra mắt, mang tính thời điểm.

Ngoài ra, thành tích trên còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình văn hóa - xã hội trong thời điểm đó để quyết định xu hướng xem clip của công chúng trên YouTube là gì. Và cuối cùng, việc đạt #1 trending nên được hiểu là một sự khuyến khích, chứ không phải là một thành tích tuyệt đối để đua tranh gay gắt về chất lượng âm nhạc.

Người trong cuộc nói gì – nghĩ gì?

Đứng trước một thị trường âm nhạc với ngày càng đông khán giả đang chú ý về những con số biểu thị trên video, những "người trong cuộc" cũng đã chia sẻ những suy nghĩ của họ. Họ là những nghệ sĩ đã từng thành công với những MV chục triệu, trăm triệu view – hoặc cũng có thể là những nghệ sĩ chưa bao giờ "nếm mùi" top trending là gì.

Erik trả lời phỏng vấn xoay quanh việc các sản phẩm gần đây nhất của anh liên tiếp không đạt được thành công, anh đã nhấn mạnh: "Thời gian gần đây mọi người mới bắt đầu đánh giá thành công của một sản phẩm thông qua trending của Youtube. Bởi giờ Youtube không thể mua view được vì sẽ bị kiểm duyệt và lọc lại, nên 1 sản phẩm thu về hàng trăm triệu views thì đó cũng là thước đo đánh giá chất lượng và thành công sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ."

Câu chuyện view YouTube và top trending của 2019: liệu chúng có thần thánh như chúng ta vẫn nghĩ? - Ảnh 5.

Erik là người đã từng trải qua cả giai đoạn view "khủng" lẫn view thấp.

Đức Phúc lại là trường hợp ngược lại, sau khi ra mắt "Yêu được không" bùng nổ - đạt thành công vượt ngoài mong đợi, anh vẫn cẩn thận và tương đối dè dặt khi phát biểu: "Tôi làm một sản phẩm âm nhạc với mong muốn khán giả sẽ chú ý cả về phần nghe lẫn phần nhìn. Còn nếu không may mắn, ca khúc rơi vào trường hợp kể trên thì bản thân nghệ sĩ cũng không thể làm gì khác. Ai ra MV cũng đều đặt rất nhiều tâm huyết, hi vọng sẽ truyền tải, lan toả đồng đều, mạnh mẽ cả nghe lẫn nhìn tới khán giả thôi."

Ali Hoàng Dương sau tai nạn "vạ miệng" với đàn chị Tóc Tiên cũng xoay quanh vấn đề lượt view trên YouTube đã tự đúc kết một triết lí cho riêng anh, ngẫm nghĩ lại khi áp dụng lên các trường hợp khác vẫn không sai : "Âm nhạc là con đường lựa chọn của mọi người, đừng lấy view ra mà so sánh."

Và cuối cùng, như một lời tạm kết: Đừng phán xét, đừng chỉ trích. Ai quan tâm về lượt view YouTube vẫn cứ tiếp tục quan tâm, vẫn cứ tiếp tục "chạy đua" một cách lành mạnh, đó vẫn là một động thái tuyệt vời, thể hiện sự ủng hộ hết mình với nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng xin đừng lấy những con số trên YouTube để phán xét và áp đặt những nghệ sĩ kém view là hết thời, là thua kém về mọi mặt. 

Và ngược lại, với những nghệ sĩ vốn không đặt nặng vấn đề lượt xem trên Internet, người hâm mộ cũng không nên vin vào đó để có cớ tự gắn mác "thượng đẳng" cho mình, và đi dè bỉu những nghệ sĩ có lượt view cao ngất ngưởng. Hãy để thị trường âm nhạc vận động một cách tự do, để nó tự sáng tạo, tự đào thải và tự phát triển theo cách tự nhiên nhất.