Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật?

Touka, Theo Trí Thức Trẻ 14:50 11/06/2019

2019, câu chuyện về lượt view trên YouTube lại càng "đau đầu" hơn bao giờ hết.

"BTS là ông hoàng Youtube nhưng Billboard chỉ xách dép cho Taylor Swift", "BLACKPINK kỷ lục youtube cỡ nào cũng không thể là nhóm nhạc quốc dân như TWICE", "Nhiều lượt xem trên YouTube chẳng có ý nghĩa gì vì view toàn là ảo" - đó là nhận định mà fan KPOP đang nghe mỗi ngày, nhưng sự thật có phải như vậy?

Lượt view YouTube từ những năm gần đây đã trở thành niềm tự hào của nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nhóm nhạc K-Pop. Các fan của những thần tượng thường xuyên so kè nhau về các thành tích, từ MV được xem nhiều nhất trong 24h đầu, MV đạt 100, 200, 300... triệu view nhanh nhất. Trong những chàng trai, cô gái vàng của làng "triệu view", không thể không kể đến BTS và BLACKPINK.

Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật? - Ảnh 1.

BTS, nhóm nhạc Kpop nổi tiếng nhất thế giới trong thời điểm hiện tại.

Tính đến tháng 6/ 2019, nhóm nhạc này đã có đến 6 MV ca nhạc nhóm đạt 300 triệu view và rất nhiều MV vượt 100 triệu view. "Boy With Luv" – bản hit gần đây nhất của nhóm là MV ca nhạc được xem nhiều nhất trong 24h đầu với 74,6 triệu view. Trong khi đó, những nghệ sĩ trẻ đình đám như Ariana Grande có thành tích tốt nhất là 55,4 triệu view ("Thank U, Next"), Taylor Swift với ca khúc mới nhất "ME!" cũng chỉ đạt 65,2 triệu view, chưa thể phá kỷ lục của BTS.

Tuy nhiên, "Boy With Luv" chỉ lọt được vào Top 10 Billboard Hot 100 và nhanh chóng tụt hạng. Vì lý do này, sản phẩm âm nhạc của BTS bị nhận xét là toàn view ảo, hay ngôi vương ông vua Youtube hoàn toàn vô giá trị vì trong BXH âm nhạc "thực thụ" như Billboard, BTS chỉ dừng chân ở Top 10. Trong khi đó, Ariana Grande có đến 2 ca khúc được debut vị trí Quán quân là "Thank U, Next" và "7 Rings" và Taylor Swift là một trong những ca sĩ có nhiều ca khúc lọt Top 10 Billboard Hot 100 nhất.

Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật? - Ảnh 2.

Thứ hạng hiện tại của Boy With Luv.

Những lý lẽ này thực chất khá ngô nghê khi quên mất 1 điều: Billboard là một BXH nội địa của Mỹ, còn thành tích Youtube của BTS được tính trong phạm vi toàn cầu, bản thân họ là nghệ sĩ Hàn Quốc. Công thức tính điểm của BXH Billboard bao hàm rất nhiều yếu tố: lượng sale album và digital, lượt phát trên radio và online streaming, nhưng hoàn toàn tính trong nội địa Mỹ. Với cách tính điểm như vậy, BTS lọt vào Top 10 đã là kỳ tích. Mặt trận chính phủ sóng của BTS là phạm vi châu Á, doanh số sale của họ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, lượng stream nhạc hay phát audio tại châu Á hoàn toàn chẳng được tính vào thành tích Billboard.

Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật? - Ảnh 3.

Bad Guy (Billie Eilish) là ca khúc nhạc ngoại có thứ hạng cao nhất trên iChart hiện tại.

Một nhóm nhạc K-Pop cũng bị mang ra chê bai trong trào lưu "anti K-Pop" là BLACKPINK. BLACKPINK sở hữu kênh YouTube Hàn Quốc có nhiều người theo dõi nhất với hơn 26 triệu lượt và số lượt xem tổng là hơn 6 tỷ. "BLACKPINK là nữ vương Youtube nhưng tại chính Hàn thì thua kém TWICE?" là câu nói cửa miệng của đông đảo khán giả khi nhắc về 4 cô gái nhà YG.

Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật? - Ảnh 4.

BlackPink ngày càng nổi tiếng tại đất Mỹ.

Các MV của nhóm đều có lượt view "khủng", trong đó phải kể đến "DDU-DU DDU-DU" đạt 800 triệu lượt xem. BLACKPINK là nhóm nhạc K-Pop đầu tiên và là nghệ sĩ Hàn thứ hai đạt được thành tích này, sau PSY với Gangnam Style và Gentleman. Nhiều cư dân mạng dự đoán MV này sẽ sớm cán mốc 1 tỷ view vào vài tháng tới.

Tuy nhiên, BLACKPINK vẫn bị các anti dèm pha khi thành tích bán đĩa thường xếp sau "đối thủ" từ JYP là TWICE, đặc biệt là tại hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. "Kill This Love' – bản hit mới nhất của BLACKPINK có 56,7 triệu view trên YouTube trong 24h đầu trong khi đó Fancy – bản hit mới nhất của TWICE chỉ có 42,1 triệu view. Nhưng TWICE bán được đến 151.000 bản đĩa Fancy You trong khi BLACKPINK kém hơn – chỉ có 146.000 bản đĩa. 

Ở Nhật Bản thì không cần phải nói, TWICE đã giành danh hiệu đĩa Bạch kim kép (bán được hơn 500.000 bản album) trong khi lượng sale album tiếng Nhật của BLACKPINK còn chưa được đến hạng Vàng (100.000 bản album).

Kỷ lục Youtube toàn cầu của BLACKPINK, BTS bị nói là “ảo” và “rỗng tuếch” – đâu mới là sự thật? - Ảnh 5.

4 cô gái nhà YG trong MV mới nhất của họ - "Kill This Love".

Điều này không quá khó lý giải. TWICE được mệnh danh là nhóm nhạc quốc dân, hình ảnh và dòng nhạc của nhóm theo đuổi rất được lòng khán giả Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó BLACKPINK lại có lượng fan đông đảo ở thị trường Đông Nam Á rộng lớn. Cụ thể, ở Việt Nam BLACKPINK cùng có độ phổ biến nhỉnh hơn TWICE. Vào thời điểm ra mắt MV mới, nếu như BLACKPINK chiếm giữ top 2 trending tại Việt Nam thì MV mới của TWICE cũng chỉ lọt vào top 9 trending Việt Nam – điều này cho thấy sự chênh lệch về độ phổ biến của 2 nhóm nhạc nữ tại Việt Nam.

Ở quê nhà và hàng xóm Nhật Bản, "quyền lực" của TWICE lại rất khác, và dường như rất khó để soán ngôi. Nhưng thành tích tổng lực toàn thế giới của BLACKPINK thì lại càng không cần bàn cãi, nhóm thậm chí đã vượt qua cả những nghệ sĩ USUK nổi tiếng và dễ dàng được công chúng toàn cầu chú ý đón nhận. Rõ ràng, cả 2 nhóm nhạc nữ đều theo đuổi hình ảnh, chiến lược rất riêng của mình.

Giá trị của ngôi vương Youtube – Thật hay ảo, quyền lực đến đâu?

Năm 2018, kết quả khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy ngày càng nhiều bạn trẻ (đặc biệt là từ 13 – 17 tuổi) thích dùng YouTube hơn là Facebook. Đối với thế hệ Z, khái niệm "nghe nhạc" đã dần chuyển sang "xem MV ca nhạc".

Bên cạnh đó, các BXH như Billboard của Mỹ, MelOn của Hàn, Oricon của Nhật... cũng chỉ mang tính "vùng miền" và thể hiện gu âm nhạc của một bộ phận khán giả trong khu vực nào đó.

BTS đương nhiên chưa thể so sánh về độ phổ biến tại Mỹ với các nghệ sĩ nội địa, và ngược lại rất nhiều ca khúc hot Âu Mỹ dù rầm rộ thế nào cũng chỉ đứng được khoảng Top 5 trên BXH Naver, MelOn, Genie... (các BXH nhạc số xứ Hàn không chia khu vực nội địa – quốc tế), xếp dưới các nghệ sĩ Hàn như Twice, BTS, IU. Tất cả chỉ là câu chuyện khẩu vị và sự đón nhận đa dạng của công chúng toàn cầu.

Ưu điểm của Youtube chính là 1 nền tảng mạng xã hội toàn cầu. Mọi người, từ mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi độ tuổi đều có thể tiếp cận. Trong một "thế giới phẳng, "ngôi làng toàn cầu", những nền tảng như YouTube mới thể hiện rõ sở thích, nhu cầu của số đông công chúng rộng rãi toàn thế giới và là cơ hội vàng để những nền âm nhạc mới được biết đến rộng rãi vượt đại dương.

Sức mạnh của BLACKPINK tại Đông Nam Á đã mang đến hàng loạt hợp đồng quảng cáo của họ cho các nhãn hàng giá trị tại khu vực Đông Nam Á, nơi BLACPINK thực sự là những "bà hoàng". Hàng trăm clip dance cover ra đời, độ phủ sóng của nhóm càng thêm rộng khắp. Đó là lý do vì sao một nhóm nhạc "lâu lâu comeback một lần", không có nhiều hoạt động quảng bá vẫn có thể giữ được sức nóng của mình.

Không có doanh số bán đĩa đứng đầu nước Mỹ, thành tích no.10 Billboard của BTS đã là một điều không tưởng, và họ được truyền thông Mỹ nâng niu nhờ địa vị toàn thế giới của mình. Họ chiến thắng Top Social Artist Award tại Billboard Music Awards trong 3 năm liên tiếp, được mời phát biểu ở Liên Hiệp Quốc, được xuất hiện ở hàng loạt talkshow đình đám và mới đây nhất còn được mời làm giám khảo danh dự tại lễ trao giải Grammy. Nhiều tờ báo phương Tây còn ví "hiệu ứng BTS" như cơn sốt The Beatles 50 năm về trước. Tất cả đều nhờ ngai vị ông vua Youtube và quyền lực từ các nền tảng tương lai như Twitter.

MV "Boy With Luv" – BTS (ft. Halsey) vẫn giữ chắc kỉ lục lượng view trong 24h đầu của mình với con số "không tưởng".

Không cần bàn cãi, Youtube đang mở rộng sân chơi âm nhạc toàn cầu và thay đổi luật chơi của nghệ sĩ toàn thế giới. BLACKPINK và BTS, những ông hoàng bà hoàng Youtube đang từng bước nắm bắt cơ hội của mình để mang đến những điều bất ngờ ở tương lai, và họ chỉ là sự bắt đầu của một trật tự âm nhạc mới của tương lai.