3 ngày liên tiếp, từ 15-17/9, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao, chỉ số AQI dao động từ 150-175, thuộc nhóm màu đỏ - nhóm không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người.
Trước đó, theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir, hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8h sáng 17/9 điểm đo có chất lượng không khí tệ nhất là Học viện Tài chính với chỉ số AQI là 179. Các điểm đo ở trung tâm Hà Nội như Bảo Linh (Hoàn Kiếm) là 161, Hàng Trống (Hoàn Kiếm 170), Trần Quang Khải 160. Các điểm đo khác như ngã 6 Ô Chợ Dừa là 164, Thái Hà (Đống Đa) là 155, Ngã Tư Sở là 156.
Hiện tượng này cũng diễn ra ở những ngày cuối tháng 8, đặc biệt 2 ngày 26-27/8, nồng độ bụi PM2.5 tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí ở mức kém tại các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội. Chỉ số AQI cao nhất là 145 tại trạm Hàng Đậu, thấp nhất là 102 tại trạm Tân Mai. Đây được đánh giá là mức xấu, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và phụ nữ có thai) tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
Hà Nội "chìm" trong không khí đặc quánh, mù mịt khắp nơi. Hầu hết các quận trong khu vực nội thành Hà Nội không khí đều bị ô nhiễm nghiêm trọng với hiện tượng mù dày đặc.
Báo động "đỏ" tình trạng ô nhiễm không chỉ trong khu vực nội đô Hà Nội, mà còn lan ra toàn miền Bắc trong sáng 16/9. Ảnh: Facebook.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ô nhiễm liên tiếp 3 ngày vừa qua ở Hà Nội là do hiện tượng nghịch nhiệt làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến.
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện tượng nghịch nhiệt mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa hè tới mùa đông.
"Theo quy luật đầu mùa đông sẽ xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, có tháng xảy ra hiện tượng 5 đến 7 lần, có tháng lên đến hàng chục lần. Khi hiện tượng này xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến cho không khí ô nhiễm nặng nề. Những ngày vừa qua thì hiện tượng nghịch nhiệt lại xảy ra, do đó không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, đặc biệt là bụi" - ông Tùng nói.
Theo Tổng cục Môi trường, đến nay đã có nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra rằng, hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện chất lượng không khí tại một khu vực nhất định cần phải phân tích, đánh giá số liệu quan trắc của nhiều thông số liên tục trong ngày và trong năm. Và để lý giải chính xác điều kiện khí tượng nào gây ra hiện tượng nồng độ bụi tăng cao đột biến cần có các nghiên cứu chuyên sâu đặc biệt là ứng dụng các mô hình chất lượng không khí.
Một lớp bụi mịn mờ ảo lan tỏa toàn thành phố vào sáng sớm.
Bụi mịn hay còn gọi PM2.5 là một trong những chất gây ô nhiễm không khí, có đường kính từ 2.5 micromet trở xuống, vào khoảng 1/30 của sợi tóc. Vì kích thước nhỏ nên bụi PM2.5 có thể xuyên qua những chiếc khẩu trang hàng ngày của chúng ta, đi sâu vào phế nang phổi gây tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Chỉ số bụi mịn PM2.5 ngày 17/9 tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chị Nguyễn Thị Anh Thư, từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cảnh báo, ô nhiễm không khí có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm nội đô: tăng nhanh số lượng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, các hoạt động sinh hoạt của người dân (như sử dụng bếp than, đốt rác thải,…). Ngoài ra, các nguồn thải bên ngoài theo hướng gió đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện than, các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng cũng ảnh hưởng tới miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
"Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra rằng khu vực nội thành đang bị ô nhiễm bụi và thông số bụi mịn PM2.5 có mức độ ô nhiễm cao nhất. Một số vị trí có chất lượng không khí đáng lưu tâm như Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ, Nguyễn Văn Cừ, có nhiều ngày (25-35% tổng số ngày trong năm) nồng độ bụi PM2.5 vượt quá quy chuẩn Quốc gia
Vì vậy, để tự bảo vệ chính mình, chúng ta nên cần lưu ý lựa chọn loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi PM2.5 (như N95, N99 hoặc N100). Thường chỉ nên sử dụng trong vòng 8 tiếng (liên tục hoặc không liên tục), một số loại có thể có thời gian sử dụng lâu hơn (15 ngày với khẩu trang hãng AQBlue) hoặc có thể giặt để dùng lại (khẩu trang airphin) và một số loại khác. Một số thương hiệu phổ biến AQblue, Airphin, 3M,…" - chị nói.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bụi mù mịt trong nội đô Hà Nội là do tình trạng đốt rơm rạ khu vực lân cận Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Liên tiếp trong 2 ngày 15-16/9, tại khu vực đầu đường cất hạ cánh 11, phía Tây sân bay Nội Bài xảy ra 2 vụ người dân đốt rơm rạ, gây nhiều khói ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay và phát tán ra môi trường xung quanh.
Khu vực phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm lúc 15h chiều ngày 28/6.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề sức khỏe thường gặp là những loại bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Cũng theo WHO, năm 2016, Việt Nam có khoảng 34.232 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Trong đó có 11.189 ca đột quỵ; 3.845 ca viêm đường hô hấp dưới; 2.423 ca ung thư phổi, phế quản, khí quản; 10.741 ca thiếu máu tim cục bộ và 5.034 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Liên Hợp Quốc từng công bố 10 sự thật về ô nhiễm không khí, về tác động của con người đối với ô nhiễm không khí và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu. Theo đó, cứ mỗi một giờ đồng hồ là lại có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, hay 13 người mỗi phút, gấp ba lần tổng số người tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.
Trước tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, GreenID khuyến nghị mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ở ngoài đường quá lâu.
Quan trọng hơn, người dân hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của mình như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu phát thải vào môi trường không khí.
Người dân nên hạn chế ở ngoài trời quá lâu, đặc biệt là trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh đường hô hấp. Tình trạng chất lượng không khí ở mức kém ở các tỉnh miền Bắc sẽ tiếp tục duy trì đến cuối tuần và chỉ được cải thiện khi đón một đợt gió từ Đông Bắc, Bắc tràn về.
Các bác sĩ khuyến cáo, không nên đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc, hạn chế hoạt động để tránh thở gấp, nên lựa chọn khẩu trang N95 để bảo vệ bản thân do chúng có đường viền ôm sát mũi và khuôn mặt. Khả năng lọc bụi của N95 khoảng 95%. Ngoài ra, cần uống nhiều nước cũng góp phần làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời góp phần loại bỏ độc tố. Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước, sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi.
PGS. TS. Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hà Nội, bày tỏ sự quan ngại về chất lượng không khí ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự tăng dân số ngoài kế hoạch, hạ tầng xã hội tăng không kịp với nhu cầu cho nên ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành có lúc đã trở nên báo động, làm ảnh hưởng không chỉ sức khỏe người dân mà cả các hoạt động trong thành phố.
Các chuyên gia nhấn mạnh đến giải pháp nên ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí (ví dụ Luật không khí sạch); kiểm soát các nguồn phát thải lớn như xi măng, nhiệt điện, thép..; tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; thúc đẩy các ngành kinh tế phát thải thấp; đồng thời cần nhiều hơn những nghiên cứu ô nhiễm không khí nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách.