Cần thay đổi việc dạy và học ra sao khi Hà Nội công bố phương án thi vào lớp 10?

BÍCH HÀ, Theo Lao Động 10:46 06/10/2018

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Theo đó, học sinh sẽ dự thi 4 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn thi khác, thay vì chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán như những năm trước.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, môn thi thứ 4 sẽ là một trong các môn sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thứ 4 sẽ được Sở công bố vào tháng 3 năm 2019.

Như vậy, sau 2 tháng Sở GDĐT Hà Nội trình 3 phương án tuyển sinh để lấy ý kiến rộng rãi, đến thời điểm này phương án 1 (thi 4 môn) đã chính thức được chọn.

Đối với học sinh lớp 9 và các trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội, thay đổi trên vô cùng quan trọng, quyết định việc dạy và học của các trường trong thời gian tới.

Trước những thay đổi về phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội, TS Phạm Ngọc Hưng - giáo viên dạy môn Toán trung học cơ sở tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi - đưa ra những định hướng về cách học hiệu quả cho học sinh.

Cần thay đổi việc dạy và học ra sao khi Hà Nội công bố phương án thi vào lớp 10? - Ảnh 1.

TS Phạm Ngọc Hưng - giáo viên giảng dạy môn Toán trung học cơ sở tại Hà Nội.

Theo TS Phạm Ngọc Hưng, phương án thi 4 môn là lựa chọn tối ưu, tránh tình trạng học sinh học lệch. Đây cũng là một chủ trương phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhưng sẽ gây thêm áp lực học tập cho học sinh.

Để thích ứng với việc thay đổi phương án thi này, TS Hưng đưa ra lời khuyên, ngay từ đầu năm học, học sinh sẽ phải học đều các môn, tránh học lệch, bởi môn thi mới có thể là bất kỳ môn nào trong số Sử, Địa, Giáo dục công dân, Lí, Hóa, Sinh.

Ngoài ra, Toán, Văn và Ngoại Ngữ là các môn đã được xác định ngay từ bây giờ là có thi, học sinh cần phải học chắc ngay từ đầu.

Đây là lần đầu tiên thi Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10 , một môn nhiều học sinh lo ngại, nên càng phải ôn luyện và nắm vững các dạng bài ngay từ đầu năm học, để tránh mất điểm.

Nếu học theo lộ trình này, đến thời điểm tháng 3 năm sau, khi Sở GDĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4, học sinh chỉ cần tập trung vào môn học này, sẽ tránh được phần nào áp lực, căng thẳng.

Cũng theo TS Hưng, học sinh và phụ huynh cần sớm xác định đúng năng lực, mục tiêu (điểm số, trường dự định thi) để có một lộ trình ôn thi không bị áp lực quá lớn.

"Phụ huynh và học sinh cần lên kế hoạch học đều các môn, tập trung ôn luyện thật tốt theo một lộ trình ôn rõ ràng và khoa học. Cho dù thi theo phương án nào thì việc học đều các môn cũng có lợi thế về kiến thức và nền tảng cần thiết cho các năm học về sau" - TS Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.