Cần phân tích rõ những điểm này trước khi kết luận hit mới của Sơn Tùng có phải là sản phẩm "đạo nhái" hay không!

MockingJay, Theo Trí Thức Trẻ 11:35 04/08/2016

Sự so sánh giữa hai ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng và "We Don't Talk Anymore" của Charlie Puth chính là sự kiện "nóng" của Vpop trong những ngày qua.

Tại thời điểm này, câu chuyện "đạo nhạc" lại trở nên "nóng" hơn bao giờ hết, khi mà ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP - "Chúng ta không thuộc về nhau" bị nhiều người "đặt lên bàn cân" với bản hit "We Don't Talk Anymore" của Charlie Puth, cũng như đoạn rap với phần flow giống với "Fire" của BTS. 

Cần phân tích rõ những điểm này trước khi kết luận hit mới của Sơn Tùng có phải là sản phẩm đạo nhái hay không! - Ảnh 1.

 "Chúng ta không thuộc về nhau" MV - Sơn Tùng M-TP

Để trả lời chính xác cho câu hỏi "Sơn Tùng có đạo nhạc?" cũng không hề đơn giản. Trên thế giới, việc kết luận một ca khúc bị "gắn mác" đạo nhạc cũng không thể dựa trên ý kiến của cá nhân, mà luôn cần đến một hội đồng thẩm định riêng với nhiều tiêu chí xem xét khác nhau.  Tuy nhiên, một vài yếu tố như sau có thể dùng để phân tích, so sánh rõ hơn về những nghi án "vay mượn" này:

- Về bản phối, "Chúng ta không thuộc về nhau" và "We Don't Talk Anymore" đều được phối theo thể loại Tropical House - một nhánh của dòng Deep House với các nhạc cụ đặc trưng như bộ gõ, guitar, piano nên chắc chắn sẽ tạo cho người nghe cảm giác... na ná. Tuy nhiên, cả hai bản phối lại được nhà sản xuất thực hiện phần phối khí (giai điệu của các nhạc cụ) hoàn toàn khác nên bấy nhiêu chưa đủ để kết luận việc đạo bản phối.

- Tempo (nhịp độ) của hai ca khúc cũng khác nhau. "Chúng ta không thuộc về nhau" (103 BPM) có tempo nhanh hơn một chút so với "We Don't Talk Anymore" (101 BPM).

- Vòng hoà âm của hai ca khúc giống nhau. Tuy nhiên đây là vòng hoà âm phổ biến được sử dụng trong rất nhiều ca khúc nên không đủ cơ sở để khẳng định đạo nhạc.

- Hai ca khúc có cấu trúc khác nhau.

- Về giai điệu, phần giống nhất là câu hát ở Pre Chorus của "We Don't Talk Anymore" (Don't wanna know what kind of dress you're wearing tonight) với Verse của "Chúng ta không thuộc về nhau" (Niềm tin đã mất, giọt nước mắt cuốn kí ức anh chìm sâu), phần còn lại được viết và phát triển khác.

Cần phân tích rõ những điểm này trước khi kết luận hit mới của Sơn Tùng có phải là sản phẩm đạo nhái hay không! - Ảnh 3.

Trong khi đó, một nghi án đạo nhạc tại Việt Nam chỉ thật sự thuyết phục khi có sự trùng lặp hầu hết ở phần giai điệu hoặc bản phối. Như trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn với "Tình thôi xót xa" bị kết luận đạo nhạc năm 2004, khi ông thừa nhận ca khúc của mình giống 50% bản nhạc "Frontier" - Nhật Bản và 99% ca khúc "I’ve never been to me" của Charlene, hay nhiều nghệ sĩ Việt cũng bị lên án khi vô tư sử dụng phần beat nước ngoài để viết nhạc và lưu hành ca khúc...

Có thể thấy trong những ngày qua, điểm chủ yếu khiến "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng M-TP vướng phải nghi án đạo nhái lại nằm ở vòng hoà âm tương đồng với ca khúc "We Don't Talk Anymore". Thậm chí, một đoạn clip ghép chồng "ăn rơ" hai ca khúc này với nhau cũng được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc trùng lặp về vòng hoà âm giữa các ca khúc là điều hết sức bình thường, chưa đủ để kết luận "Chúng ta không thuộc về nhau" là một sản phẩm đạo nhạc.

 Clip mix hai ca khúc "We Don't Talk Anymore" và "Chúng ta không thuộc về nhau" được chia sẻ trên mạng trong ngày hôm qua

Về đoạn rap được cho là giống với phần flow ( cách xử lý, nhấn nhá) của ca khúc "Fire" (BTS). Xét về lý, chưa thể kết luận được việc "đạo rap" của Sơn Tùng nếu chỉ giống nhau về phần flow mà hoàn toàn khác biệt về câu chữ ( ở trường hợp này là hai ngôn ngữ khác nhau nên càng không thể so sánh). Flow có thể là nét đặc trưng của mỗi rapper, tuy nhiên lại không thuộc quyền sở hữu của bất kì ai nên việc cho rằng Sơn Tùng "đánh cắp" phần flow của BTS là thiếu cơ sở, chỉ có thể kết luận nam ca sĩ có thể đã học hỏi hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc tìm cho riêng mình một phong cách riêng là điều rất quan trọng đối với mỗi rapper, và sau những "nghi án" về rap vừa qua, mong rằng Sơn Tùng sẽ còn trau dồi, tìm tòi nhiều hơn nữa để thoát ra được những ảnh hưởng, tìm ra cho mình một phong cách riêng biệt.  

Vậy sau tất cả, "Chúng ta không thuộc về nhau" cũng có những lý lẽ của riêng mình. Như đã nói, việc kết luận một ca khúc "đạo nhạc" hay không cần phải xét đến rất nhiều khía cạnh khác nhau. Hi vọng bài viết sẽ giúp người đọc có thêm những tư liệu để có thể đưa ra kết luận của mình, cũng như không chỉ phán xét vấn đề này chỉ dựa vào sự cảm tính.