Ngay khi biết được
căn bệnh tim hiểm nghèo của của cô bạn Bùi Thị Huế, chúng tớ đã ngay lập tức vào bệnh viện thăm bạn ấy. Bước vào khoa tim mạch của bệnh viện hữu nghị Việt Đức, chúng tớ bắt gặp ngay hình ảnh người phụ nữ tiều tụy, hốc hác với vóc dáng gầy gò và gương mặt đầy thấp thỏm, lo lắng. Bác Ngô Thị Nhiên - mẹ của Huế - đang chờ con gái đang trong phòng mổ để thực hiện ca phẫu thuật tim. Hỏi ra mới biết, sau khi bài báo về Bùi Thị Huế được đăng tải, đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, quyên góp để Huế được thực hiện ca phẫu thuật này.
Theo lời bác Nhiên, Huế đang là sinh viên khoa dựng hình trường Trung cấp truyền hình, đang trong giai đoạn liên thông lên hệ cao đẳng. Trong kỳ thi vừa qua, Huế bị đau chân, khi đi khám ở bệnh viện tỉnh thì bác sỹ cho rằng do dây thần kinh. Điều trị mất 3 tuần thì mới phát hiện ra Huế bị bệnh tim, rồi liên đới qua đủi. Lúc này, bệnh viện tỉnh buộc phải chuyển em lên bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, rồi qua Bệnh viện Việt Đức.
Bác Nhiên rơi nước mắt nói về con gái mình
“Lúc sáng, bác sỹ Nguyễn Hữu Ước có gọi bác vào và nói rằng không thể để lâu hơn được nữa. Căn bệnh rất nguy hiểm, nếu để lâu thì không biết còn ảnh hưởng đến não, phổi, thận hay bất kỳ một cơ quan nào nữa. Gia đình bác nghèo khó, nhưng vẫn nhất quyết vay mượn ở ngân hàng thị xã để chữa trị cho Huế”.
“Lúc sáng, có người từ bên Mỹ gọi điện thoại về và ngỏ ý muốn giúp đỡ Huế chi phí cho ca mổ, bác mừng lắm, không thể cầm được nước mắt. Nhưng vừa mừng, lại vừa tủi hổ, vì mình là bậc cha bậc mẹ mà không lo được cho con, phải trông nhờ vào người khác. Gia đình làm ruộng thì biết lấy đâu ra vài trăm triệu lo chữa trị. Ngay cả bây giờ, bố Huế vẫn phải ở nhà đi làm, chỉ có bác ở đây thôi. Bảy sào ruộng, 6 tháng mới thu hoạch được 4 - 5 triệu nên vợ chồng bác cũng phải làm thêm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Anh trai Huế hiện đang là bộ đội, tuy không phải sống nhờ bố mẹ nhưng cũng không giúp đỡ gia đình được nhiều.” - Bác Nhiên nói trong nước mắt.
Theo lời kể của bác Nhiên, Huế là một người con ngoan, hiếu thảo, chăm chỉ học hành chưa ai chê trách cô bạn được điều gì. Dù biết mình bị bệnh nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố mẹ vất vả nên Huế không dám nói. Nhiều lúc ngồi buồn, Huế thường trêu mẹ: “Mẹ ơi cho con khoác vai mẹ nhé!”.
Ngay cả khi biết mình bị bệnh nặng, Huế vẫn cố tỏ ra can đảm, mạnh mẽ, cố cười để mẹ đỡ lo lắng. Bác Nhiên bộc bạch: “Từ nhỏ, con bé hay nói với bác rằng lớn lên con muốn làm nghề gì kiếm được thật nhiều tiền để bố mẹ đỡ khổ, rồi nhiều tiền tới mức đủ để chia cho mọi ông bà từ đầu làng đến cuối làng mình vì mọi người cũng như bố mẹ, vất vả quá”.
Bình thường ở nhà, người ta thuê gì bác làm đấy, thậm chí cả những công việc nặng nhọc như phụ hồ. Nhưng nửa tháng nay, bác đã bỏ hết mọi công việc để lên Hà Nội chăm sóc Huế. “Gần 20 ngày bác chưa biết giấc ngủ đêm là gì, có những khi 3- 4 ngày không có miếng cơm vào bụng nhưng cũng không thấy đói. Bác cũng không dám thuê phòng trọ vì sợ bác một nơi, con một nơi không yên tâm nên cứ sống vật vờ ở hành lang bệnh viện. Huế thấy vậy cứ an ủi rằng bác phải ăn thì con bé mới ăn, thế là 2 mẹ con lại nước mắt lã nhã nhìn nhau.”
5h chiều, ca phẫu thuật hoàn thành, bác sỹ Ước cho gọi bác Nhiên vào phòng và nói chuyện một hồi lâu. Kết thúc cuộc trò chuyện, bác Nhiên bước ra với vẻ mặt bồn chồn, lo lắng. Bác tâm sự rằng các bác sỹ đã cố gắng hết sức dùng mọi biện pháp, dù đã bớt được đôi chút nguy hiểm rồi nhưng vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Bác đã dùng từ “tan tành” để nói về trái tim của Huế trải qua phẫu thuật.
Điều mà bác Nhiên lo lắng nhất có lẽ là thời gian sau phẫu thuật này. “Theo bác sỹ thì thời gian điều gì còn phải kéo dài, ít nhất là 8 tuần. Dự tính chi phí thuốc thang, kháng sinh có thể lên tới 6 triệu/ ngày chứ không phải vài trăm.”