Như đã
đưa tin, ngày 6/6/2012, vũ trụ sẽ có một sự kiện thú vị - trung bình chỉ xảy ra 1 lần trong 50 năm, cung cấp những dữ liệu vô giá cho các nhà khoa học trên hành trình săn tìm các hành tinh có sự sống trong vũ trụ bao la.
Đó là hiện tượng một chấm đen nhỏ sẽ xuất hiện ở một bên của Mặt trời trong vài tuần và từ từ đi qua đĩa Mặt trời trong một vài giờ. Sự chuyển động của chấm đen nhỏ đó có vẻ không đáng kể, nhưng đây là một trong những cảnh tượng hiếm gặp nhất trong thiên văn học, một sự kiện được gọi tên là sự "quá cảnh" của Sao Kim.
Trong 2 thế kỷ qua có 4 lần Sao Kim "quá cảnh" qua Mặt trời.
Sự kiện Sao Kim "quá cảnh" qua Mặt trời rất hiếm khi xảy ra. Từ khi kính thiên văn được phát minh thì mới chỉ có 7 lần các nhà thiên văn học chứng kiến sự kiện này. Nếu bỏ qua lần này thì họ phải đợi cho đến năm 2117 mới được thấy lại.
Trên phương diện nghiên cứu, sự "quá cảnh" hiếm hoi của Sao Kim sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng giúp các nhà thiên văn học kiểm tra những kỹ thuật mà họ đang phát triển nhằm nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh ngoại – những thế giới quay quanh Mặt trời khác – và phát hiện ra những nơi có yếu tố hỗ trợ sự sống như oxy và hơi nước.
Vào thế kỷ thứ 18, các nhà khoa học phải đi vòng quanh thế giới mới đến được điểm quan sát hiện tượng trên, trong nỗ lực tính toán kích thước của hệ Mặt trời. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 19 giới chuyên gia mới nắm được dữ liệu cần thiết liên quan đến sự kiện đôi này.
Trong lần sắp tới, các nhà thiên văn hy vọng sẽ khám phá thêm nhiều bí ẩn về khí quyển. Họ cũng thử nghiệm phương pháp quan sát mới bằng cách dùng Mặt trăng làm gương phản chiếu cho kính Hubble.
Nếu không có gì thay đổi, toàn bộ quá trình sao Kim đi ngang Mặt trời sẽ có thể quan sát được tại Đông Á, Đông Úc, New Zealand, khu vực Tây Thái Bình Dương, quần đảo Hawaii, Alaska, phía Bắc Canada và phần lớn đảo Greenland.