Cuộc chiến cần sa - ranh giới cái tốt và cái xấu

Tôm, Theo Mask Online 12:00 25/04/2012
Chia sẻ

Toàn cảnh sự phân chia lợi - hại của việc sử dụng cần sa trên thế giới...

Cần sa là một chi thực vật thuộc dạng cây gây nghiện được dùng rất nhiều trên thế giới cho mục đích y tế (giảm đau, điều trị viêm sưng, tăng nhãn áp...) hoặc... giải trí (điều này chỉ hợp pháp ở rất ít quốc gia). Dù ở bất kỳ hình thức nào, về bản chất, cần sa vẫn là một dạng ma túy và mang lại lợi nhuận rất lớn cho người trồng, người bán.

Điểm nóng nhất của cuộc chiến cần sa trên thế giới có lẽ là ở biên giới Mỹ và Mexico, khi những tay buôn ma túy vẫn ngày đêm "chiến đấu" với cảnh sát để làm mọi cách có thể đưa cần sa sang thị trường Mỹ - một thị trường cực kỳ "béo bở". Dưới đây là những hình ảnh ở một số quốc gia sẽ cho ta thấy một cái nhìn toàn cảnh về sự trái ngược trong cách nghĩ "quyền hợp pháp", sự tốt - xấu của cần sa.

Người chủ tiệm cần sa hợp pháp (phục vụ mục đích y tế) này đang kiểm tra nụ của cây cần sa mà ông tự trồng tại Denver, Mỹ.


Brazil là một trong những quốc gia sử dụng cần sa bất hợp pháp nhiều nhất thế giới. Nó được xem như một trò tiêu khiển thường thấy của những thanh niên quốc gia Nam Mỹ này.


Người công nhân này đang thu hoạch những cây cần sa được trồng hợp pháp cho mục đích y tế tại một khu vực ở phía Bắc Israel.


Ở Mỹ, cần sa thường được dùng để làm giảm cơn đau trong những ca bệnh nặng. Tuy nhiên, những trường hợp này cần phải có giấy phép từ các trung tâm y tế, quy định cụ thể liều lượng sử dụng.


Rất nhiều sự tranh cãi đã diễn ra giữa việc nên hay không nên hợp pháp hóa cần sa. Theo nhiều ý kiến, một khi cần sa được hợp pháp hóa và có những quy định rõ ràng về liều lượng thì lúc đó, cây cần sa chẳng khác nào rượu.


Người đàn ông này là một bệnh nhân được cấp phép dùng cần sa y tế. Những người dân Colorado ở Mỹ sẽ có một cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 này để quyết định xem việc có nên hợp pháp hóa cần sa hay không.


Một người đàn ông đang hút thử cần sa trong một cuộc thi chất lượng cần sa diễn ra hàng năm tại Hà Lan. Đất nước này vốn nổi tiếng vì sự tự do về việc sử dụng chất gây nghiện, tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà chức trách đang đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn việc khách du lịch mua cần sa tràn lan tại những tiệm cà phê.


Britt Freitas và giấy phép sử dụng cần sa y tế của mình được cấp tại California. Theo các số liệu thống kê, California có số dân đông gấp 7 lần Colorado, tuy nhiên số người phải dùng cần sa y tế thì thấp hơn đến 9 lần.


James Anderson - một người trồng cần sa y tế thẫn thờ nhìn vườn của mình bị quét sạch bởi một lực lượng phòng chống chất gây nghiện của Mỹ.


Bức ảnh chụp toàn cảnh phát hiện một khu trồng cần sa bí mật lớn nhất tại một sa mạc ở Mexico.


Với những lượng cần sa cực lớn trồng tại Mexico bị phát hiện thì chỉ có một cách giải quyết duy nhất là đốt sạch. Tuy bị săn lùng ráo riết nhưng cần sa ở Mexico vẫn được trồng một cách lén lút với quy mô lớn.


Ảnh chụp từ trên cao một ngôi nhà ở California. Những tay buôn lậu ở California giờ đã táo tợn đến mức dám trồng cần sa ở ngay sân sau để tiện cho việc… buôn bán bất hợp pháp.


Ông Stephen Young đang xếp những lọ cần sa mới lên kệ làm bằng kính… chống đạn. Ở một quốc gia tự do về sở hữu súng như Mỹ thì những tiệm bán cần sa y tế sẽ chẳng biết trước khi nào mình bị… cướp.


Việc mua bán cần sa có rất nhiều quy định khác nhau về số lượng cũng như sự hợp pháp ở những đất nước khác nhau. Người mặc áo hoa văn nhiều màu là một cậu bé 14 tuổi người Úc bị bắt tại Indonesia và bị kết án 2 tháng tù vì mang trong mình 3,7g cần sa.


Jerry Henry, một người có quyền sử dụng cần sa y tế để giảm đau đang đến một hiệu bán lẻ cần sa trong ngày cuối cùng nơi này được phép kinh doanh. Cửa hàng này là một trong hàng tá cửa hàng bán lẻ cần sa bị chính quyền California đóng cửa trong nỗ lực xóa bỏ việc buôn bán và trồng cần sa.


Cần sa hay bồ đà, tài mà, gai dầu, gai mèo (cannabis) là một chi thực vật có hoa bao gồm ba loài: Cannabis sativa L., Cannabis indica Lam., và Cannabis ruderalis Janisch. Ba loài này là thực vật bản địa ở Trung Á và các khu vực xung quanh. Cần sa đã được sử dụng từ lâu để lấy sợi, dùng như một chất ma túy hay giảm đau, trị bệnh. Nếu xét về tác hại và ứng dụng của cần sa, chúng ta chỉ có thể nói rằng, “công ít tội nhiều”. 

Trong y tế, ngoài tác dụng với bệnh tăng nhãn áp và chiết xuất để trị Alzheimer, cần sa chủ yếu dùng để giảm đau cho người bệnh nhưng cũng chỉ được dùng cực kỳ hạn chế bởi các tác dụng phụ của loại cây này. Trong cần sa có chất THC (tétrahydro-cannabinol), chất này khi đi vào phổi sẽ theo máu đến não rất nhanh chóng và có tác dụng chỉ sau 10 giây. Khi đó, người hút sẽ đi vào ảo giác, cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, bay bổng, vui vẻ cười đùa, thèm ăn và quên hết mọi ưu phiền. Chính vì thế, cần sa cũng bị xếp vào một dạng ma túy vì tính gây nghiện mạnh và đặc biệt là thu hút giới trẻ.


Ngoài những ảnh hưởng “tích cực” rất ít như trên, THC khi bị đưa quá nhiều vào cơ thể sẽ khiến người hút gặp tình trạng tim đập nhanh, lo sợ, hồi hộp, trầm cảm, hoang tưởng, suy nghĩ tiêu cực, thụ động, ít cảm xúc, lười nhác, cáu giận, khó tập trung và làm giảm hệ miễn dịch cơ thể. Chất này còn ảnh hưởng trực tiếp đến đường sinh sản, cụ thể là làm giảm sự rụng trứng ở nữ, suy yếu tinh trùng ở nam. Nếu dùng cần sa khi mang thai, thai phụ rất nhiều khả năng sẽ sinh non hoặc trẻ bị dị tật sau khi chào đời.

Chính vì những tác dụng xấu đó, cần sa bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì lợi nhuận to lớn đến từ loại cây này, người ta vẫn trồng và buôn bán chúng lén lút khắp nơi. Những điểm nóng như Mexico, Tam giác vàng… thường xuyên được biết đến với những vụ nổ súng diễn ra giữa lực lượng phòng chống ma túy và bọn buôn lậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia cấm triệt để việc trồng, chế biến, tiêu thụ và sử dụng cây cần sa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày