Cuộc chiến chống tiền giả

MX, Theo 06:01 11/09/2010

Những tên tội phạm làm ra tiền giả sẽ bị luật pháp xử tội cực kì nặng luôn đấy! <img src='/Images/EmoticonOng/00.png'>

Tiền giả có từ bao giờ?
 
Tiền giả trong thực tế đã có một quá khứ khá lâu đời. Sự lừa lọc và gian dối thì ở đời nào cũng có cả thôi. Nhiều người nói “Tiền là căn nguyên của mọi tội ác” (money is the root of of evil) và tất nhiên là tiền giả không nằm ngoài điều ám chỉ ấy. Và càng ngày thì bọn tội phạm càng biết áp dụng những công nghệ hiện đại để làm ra tiền giả khiến cho chính phủ các nước phải vất vả ngăn chặn. Tiền giả làm giảm sút kinh tế, gây rối loạn thị trường và rất nhiều thiệt hại khác không thể kể hết. Chính vì thế, tội phạm tiền giả thường bị xử rất nặng khi bị bắt quả tang đang lưu hành, lưu trữ, buôn bán tiền giả. Hình phạt nặng nhất là tù chung thân và nếu số lượng tiền giả quá lớn, quá “tinh vi” thì mức án tử hình cũng là điều đương nhiên.
 
 
Tiền giả xuất hiện gần như cùng lúc khi đồng tiền “chính phái” xuất hiện và được lưu hành. “Tuổi” của tiền giả có lẽ là vào khoảng 2.700 năm tuổi.
 
Thủ đoạn và những tên tội phạm khét tiếng
 
Tiền xu được dập bằng khuôn thép cứng, và bằng những cây búa nặng. Vào thời xưa, những kẻ làm tiền giả chẳng gặp mấy khó khăn để chế tạo chiếc máy đơn giản này. Tiền vàng có một đặc điểm là ánh sáng lấp lánh không bao giờ phai. Vàng còn rất mềm nữa, khác hẳn những kim loại khác. Nếu bạn xem kỹ những bộ sưu tập tiền vàng trong viện bảo tàng, bạn sẽ nhận thấy những vết xước sâu và thậm chí cả dấu răng dọc ngang trên mặt đồng tiền. Người ta thường gạch - hoặc cắn - lên đồng tiền để xem chúng có phải hoàn toàn bằng vàng không. Đó là phương pháp để phát hiện tiền giả đầu tiên.
 

Những kẻ làm tiền giả lại nghĩ ra cách cạo những vệt rất nhỏ ở cạnh của đồng tiền để lấy bụi vàng. Vì chỉ có vài mảnh vàng nhỏ, ai có thể nhận ra được. Người châu Âu liền nghĩ ngay ra một cách bảo vệ đồng tiền khỏi mẹo này: họ khắc răng cưa ở cạnh đồng tiền, nghĩa là họ tạo ra những khía dọc rất đều. Như vậy, không thể mài lấy một mảy vàng nào từ những đồng tiền khắc răng cưa mà không để lại dấu vết rất rõ ràng. Nhưng vào lúc đó, những kẻ tội phạm lại nghĩ ra cách khác để làm tiền giả khi đồng tiền giấy ra đời.

Phải là một nghệ sĩ thật sự mới có thể làm giả đồng tiền giấy được trang trí bằng các chân dung, các hoa văn cuộn xoắn, dấu triện và các huy hiệu, và tìm được đúng loại giấy và loại mực. Những kẻ làm tiền giả có thể tài hoa không kém những thợ in giỏi nhất của nhà nước! Chúng học cách chế tạo loại giấy tốt nhất, pha mực in và khắc những bản in chi tiết như thật lên những tấm kẽm.
 
Tiền giả dù tinh vi đến đâu vẫn có những lỗi rất "ẩu" ví dụ như chữ khắc bị méo này.
 
Kẻ giả mạo những đồng bảng Anh đầu tiên, Richard Vaughn, thậm chí không thèm nhọc công vì những việc này. Hắn ta chỉ việc vẽ thêm vài chữ số lên tờ giấy, biến một tờ một bảng Anh thành mười bảng Anh! Hắn bị xử tử năm 1758 - số phận chung của mọi kẻ làm tiền giả thời đó.

Đầu thế kỷ 18, bộ Ngân khố Anh đã đưa ra một vũ khí mới để chống lại những kẻ làm tiền giả - đó là hình ảnh chìm. Đó là những hình đơn giản mà bạn chỉ thấy được khi soi đồng tiền lên ánh sáng. Những dây kim loại uốn cong được ép lên bột giấy trước khi sấy khô. Những nơi dây kim loại ép lên mặt giấy ướt, chỗ đó mỏng hơn các chỗ khác và khi soi lên, ánh sáng lọt qua nhiều hơn so với phần xung quanh.
 
Đồng bảnh Anh hiện nay có những hình in chìm cực "hóc búa" với bọn làm tiền giả.
 
Năm 1778, chỉ hai mươi năm sau khi hình ảnh chìm được giới thiệu, cảnh sát Anh đã bắt John Mathieson, kẻ đầu tiên giả mạo thành công vương miện chìm trên tất cả các đồng tiền Anh.
 
Charles Price, còn được biết với tên hiệu "Gã Chột", còn hơn Mathieson một bậc. Hắn đã in tiền thật, tự làm giấy và in hình chìm lên đó trước khi bột giấy khô. Cảnh sát đã rất nhọc nhằn mới phát hiện ra tiền giả của Price. Nhưng cảnh sát chưa bao giờ bắt được Price. Price đã tự treo cổ trước khi cảnh sát ập vào nơi lẩn trốn cuối cùng của hắn.

Những biện pháp phòng chống tinh vi
 
Ngân hàng Anh quốc từng phải thuê bảy mươi nhân viên dùng kính lúp để kiểm tra tất cả những tờ bạc trong ngân hàng. Giữa năm 1797 và 1817, có hơn ba trăm kẻ làm tiền giả bị phát hiện và bị bắt. Nhiều phương pháp bảo vệ mới được đặt ra, mỗi phương pháp mới lại là những bài toán cực khó cho những kẻ làm tiền giả: hình chìm in màu, chỉ lụa hoặc một vạch granite nhỏ xíu gắn vào tờ giấy, và những máy khắc bản kẽm có thể khắc những họa tiết vô cùng phức tạp đã dồn chúng vào chân tường. Nhưng những tên tội phạm xuất sắc vẫn chỉ chậm chân hơn cải tiến mới nhất của chính phủ vài bước.
 
 Hình in chìm hình nữ hoàng Elizabeth.

Chính phủ cho in vào mỗi tờ tiền một hàng chữ: "Làm tiền giả là phạm tội tử hình" hoặc "Chính phủ thưởng hậu cho những ai phát giác kẻ làm tiền giả". Nhưng bất chấp lời đe dọa này, hàng triệu đồng tiền giả vẫn được tung ra.

Trận chiến giữa các chính phủ và giới làm tiền giả vẫn tiếp tục cho đến bây giờ. Ở Mỹ, nơi đồng tiền màu xanh quen thuộc đã không thay đổi họa tiết suốt năm mươi năm nay, những tiến bộ khoa học đã buộc người Mỹ phải bảo vệ đồng tiền của họ. Chiếc máy in mới nhất, in màu, có thể giúp đỡ bất kỳ kẻ làm tiền giả nào chỉ cần hắn biết vừa đủ để nhấn nút "Start"!
 
 
Đó là lý do tại sao họ phải gắn một sợi chỉ vật liệu tổng hợp lên mọi tờ tiền thật. Nếu bạn soi một tờ tiền mới lên ánh sáng, bạn sẽ thấy một sợi chỉ mảnh và hàng chữ chỉ giá trị của đồng tiền: 1, 5, 10, v.v…
 
 
Và mặc dù bạn cần kính lúp mới có thể xem được, nhưng hàng chữ “United States Of America” chạy quanh chân dung tổng thống phải nhỏ như vậy để không một máy sao chụp nào có thể sao chụp chính xác được! Đây chính là lý do vì sao tiền giả dù có tinh xảo đến mấy cũng vẫn có thể bị phát hiện ra nhờ vào mắt nhìn, tay sờ (do loại giấy in tiền có cách “pha chế” rất phức tạp và là một trong những bí mật của mỗi quốc gia đấy).