Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn

Lệ - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 19:13 04/12/2017

Là hai trong số những cái tên được chờ đợi nhất của điện ảnh Việt cuối năm 2017, "Mẹ chồng" hay "Cô Ba Sài Gòn" chiếm được nhiều hơn tình cảm của khán giả?

Là hai trong số những điểm sáng lớn nhất của điện ảnh Việt cuối năm 2017, Cô Ba Sài Gòn và Mẹ chồng vô tình có kha khá những điểm chung về cách xây dựng bối cảnh, chọn phục trang hay khắc họa hình tượng những người phụ nữ. Phát hành ở hai thời điểm khá gần nhau, Mẹ chồng hay Cô Ba Sài Gòn sẽ chiếm được nhiều hơn tình cảm của khán giả? Cùng nhìn lại xem hai bộ phim này đã làm tốt những gì, kém những gì ở những điểm vô tình giống nhau nhé!

Phỏng vấn khán giả về Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn

1. Bối cảnh thu nhỏ trong vỏn vẹn một căn nhà

Đây là một trong số những hạn chế mà cả hai bộ phim đều vấp phải. Với Cô Ba Sài Gòn, bộ phim bắt đầu bằng một đoạn tư liệu lấy cột mốc Sài Gòn năm 1969 và đó cũng là cảnh ngoại ít ỏi trong phim của mốc thời gian này. Trong khi khán giả cần hơn việc ngắm nhìn một Sài Gòn hoa lệ giữa những tháng ngày hoàng kim thì tất cả những gì nhận lại được chỉ là một Sài Gòn thu nhỏ trong một tiệm may Thanh Nữ. Phim xây dựng trên một bối cảnh, thời gian cụ thể nhưng lại không cho khán giả thấy được dấu ấn của khoảng thời gian, không gian đó, điều này dễ khiến cái gọi là thời hoàng kim của áo dài trở thành cột mốc chỉ mang tính chất minh họa.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 2.

Sài Gòn những năm 60 chỉ gói gọn trong một nhà may

Thậm chí cả bối cảnh năm Sài Gòn năm 2017 cũng chỉ quanh quẩn trên chặng đường từ nhà may Thanh Nữ tới nơi làm việc của Helen, ngoài ra chỉ thoáng xuất hiện đôi lần trong những buổi hẹn hò của Như Ý và Tuấn. Đồng ý với việc đây là một bộ phim thiên về thời trang và tình cảm tuy nhiên "đất diễn" cho "nhân vật Sài Gòn" chỉ có vậy thì quả là hơi ít.

Trong khi đó, Mẹ Chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng cũng vấp phải hạn chế tương tự khi cả Đại Điền gần như chỉ quanh quẩn trong căn nhà cổ Huỳnh gia. Dĩ nhiên không thể phủ nhận độ hoành tráng của những cảnh quay rất bắt mắt như hội tranh thóc, hát Hồ Quảng hay cảnh nổi loạn ở kho thóc cùng những cảnh ngoại nên thơ.

Tuy nhiên, so về cách dựng cảnh, Mẹ Chồng vẫn kém hơn Cô Ba Sài Gòn (CBSG) một bậc. Dù bất khả thi trong việc dựng lại một Sài Gòn xưa bên ngoài nhưng các cảnh nội của CBSG tạo cảm giác chân thực, khiến người ta cảm nhận được không khí cổ kính của căn nhà. Còn cái mà Mẹ Chồng làm được chỉ dừng lại ở việc tạo ra một gian nhà cổ với những đạo cụ mới toanh, không mang dấu vết thời gian, khiến cho bộ phim bị "giả" về bối cảnh, tạo cảm giác không thoải mái. Màu phim của Mẹ Chồng cũng tạo cảm giác hiện đại quá.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 3.

Cả Đại Điền thu nhỏ trong căn nhà cổ của họ Huỳnh

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 4.

Cái cột trong nhà mới tinh nên không tạo cảm giác cổ xưa thực sự

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 5.

Những cảnh ngoại quy hoành tráng nhưng cũng không mang không khí ngày xưa nhiều ở màu phim, vật dụng

2. Bài toán khó về thời lượng

Không chỉ bối cảnh mà hạn chế về thời lượng cũng là điều mà cả hai bộ phim vấp phải. Với Cô Ba Sài Gòn, thời lượng ngắn khiến cho quá trình thích ứng với cuộc sống mới cũng như thay đổi của Như Ý diễn ra quá nhanh. Với việc xuyên không từ quá khứ tới hiện đại, gặp chính bản thân của mình gần 50 năm sau – một kẻ nghiện rượu, tối ngày chỉ tìm cách chấm dứt cuộc đời thì việc ngay lập tức lấy lại bình tĩnh tới mức có thể đi đàm phán giữ lại tiệm may Thanh Nữ thì quả là ngoài sức tưởng tượng với Như Ý và cả khán giả. Quá trình trưởng thành của nhân vật diễn ra quá nhanh, nhiều phân đoạn diễn nội tâm cũng không đủ thời lượng để Lan Ngọc có thể tỏa sáng. Nói chung, dù Cô Ba Sài Gòn đạt được ý đồ cốt lõi chung về một bộ phim thời trang, nhưng việc đưa yếu tố xuyên không vào phim mà không đi đến cùng những đặc trưng của thể loại này chính là một điểm trừ.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 6.

Trong phim, quá trình trưởng thành của Như Ý diễn ra quá nhanh

Với Mẹ chồng, ekip làm phim cũng gặp phải rắc rối tương tự khi chính thời lượng đã khiến bộ phim không thực sự "đã" như kì vọng. Lấy cấu tứ của một phim kiểu "cung đấu", cũng như học hỏi khá nhiều chi tiết trong các phim truyền hình Hoa ngữ, lẫn những tuyệt tác điện ảnh như Lồng đèn đỏ treo cao, thế nhưng Mẹ chồng loay hoay trong bài toán thời lượng, khiến nhân vật bị nông, tình tiết bị cũ và nguy hiểm kiểu nửa vời. Trong phim gần như khán giả chỉ hiểu được trọn vẹn nhân vật Ba Trân, cũng như cảm được nhân vật Tuyết Mai vì xuất thân của cả hai được nhắc đến.

Còn nhân vật quan trọng như Tư Thì vì ham muốn giấu diếm gây bất ngờ, thành giấu luôn nhân vật này sau những lớp màn lùng nhùng của tình tiết phim. Người ta chẳng rõ cô này từ đâu ra, tính cách thực sự như thế nào để mà hiểu được nhân vật chứ đừng nói cảm thông. Tương tự, những nhân vật như Bảy Loan hay Hai Phước, Thiện Khiêm cũng thiếu thời lượng để phát triển, khiến cho tổng thể bộ phim bị chen chúc và không đạt hiệu quả.

Giống như Sài Gòn, anh yêu em, lần này Lý Minh Thắng tiếp tục mang khá nhiều câu chuyện vào một bộ phim điện ảnh, dĩ nhiên điều này đáng để hoan nghênh nhưng cái khó vẫn là làm sao để giải quyết bài toán khó về thời lượng.

3. Trang phục truyền thống

Cùng khai thác một cách tối đa trang phục truyền thống là một trong số những điểm giống nhau lớn nhất của hai "bom tấn" cuối năm. Ở Cô Ba Sài Gòn, áo dài đóng vai một nhân vật chủ đạo trong quá trình tìm lại bản thân của Như Ý, với Mẹ chồng, mỗi trang phục lại có một câu chuyện riêng phù hợp với địa vị thậm chí là tính cách của mỗi nhân vật.

Tất cả phục trang trong hai bộ phim đều đến từ nhà thiết kế Thủy Nguyễn, tuy nhiên nếu đặt lên bàn cân hai bộ sưu tập này thì có vẻ Cô Ba Sài Gòn sẽ trội hơn hẳn về tính ứng dụng. Trong Mẹ chồng, hầu hết các bộ áo bà ba được cách điệu quá đà hơn, nên dù có đặt trong một bối cảnh giả tưởng, phim vẫn không mang lại cho người xem cảm giác gần gũi.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 7.

Những bộ trang phục bà ba cách điệu trong Mẹ chồng

Nếu như xem Cô Ba Sài Gòn xong, khán giả vừa choáng ngợp với lượng kiến thức thời trang khổng lồ, vừa có cảm giác muốn yêu quý và gìn giữ giá trị truyền thống từ chiếc áo dài thì xem xong Mẹ Chồng, chẳng ai thấy yêu áo bà ba! Bộ phim không nói về một ngành nghề truyền thống may mặc thế nên phần phục trang chỉ đơn thuần là được chăm chút để diễn viên đẹp hơn. Thế nhưng chăm chút quá thành ra bị... lố. Những chiếc áo bà ba đa chất liệu, tay phồng, màu mè, thêu hoa thêu cườm trong phim không mang lại cảm giác ứng dụng và khiến người ta muốn mặc nó, vô tình đẩy luôn các nhân vật trở thành dở dở ương ương, sang cũng không sang như phim cung đấu Hoa ngữ mà nét mộc mạc của người miền Nam cũng mất luôn.

4. Sự phát triển trong tâm lý nhân vật

Ở Cô Ba Sài Gòn, tâm lý thậm chí tính cách của nhân vật thay đổi theo chiều hướng tích cực, cả bộ phim là quá trình Như Ý tìm lại, hoàn thiện bản thân cũng như nhận ra những giá trị tốt đẹp của truyền thống để tự cứu lấy mình, cứu lấy thành quả cả đời của mẹ.

Từ một "Đệ nhất thanh lịch Sài Gòn", một quý cô tân thời, ương ngạnh và bốc đồng, Như Ý nhìn thấy chính bản thân của mình 48 năm sau – một bà cô lụi tàn, cô độc, luôn chìm đắm trong men rượu cùng ý nghĩ tự kết liễu cuộc đời. Cả Như Ý lẫn An Khánh đều nhận ra những sai lầm của bản thân trong việc đã tự tay khiến cuộc đời một "Đệ nhất thanh lịch" trượt dài trong sự thất bại đến mức đánh mất nhà may, mất luôn cả bản thân mình.

Là một cô gái thời thượng, căm ghét áo dài hay một bà cô có chết cũng không chịu nhận sự giúp đỡ, rốt cuộc dù là Như Ý của năm 69 hay An Khánh của năm 2017 thì cả hai cũng đã thực sự trưởng thành, thực sự nhận ra những giá trị tốt đẹp từ những điều mà mình từng chối bỏ.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 8.

Như Ý và An Khánh cùng nhau tìm lại những giá trị tốt đẹp từng chối bỏ

Trái lại, ở Mẹ chồng, thay vì mô tả chặng đường đi tìm bản thân thì đạo diễn lại khắc sâu những bi kịch nối tiếp nhau để đẩy các nhân vật vào con đường gần như mất đi hoàn toàn bản chất của mình. Ba Trân (Thanh Hằng) từ một "đóa sen" rạng rỡ, xinh đẹp, khí chất bậc nhất xứ Đại Điền đã bị sự hà khắc, những lời đay nghiến của bà Hai Lịnh đẩy vào một vòng tròn bi kịch đến mức tự khiến bản thân trở thành một con rắn độc nham hiểm, thèm khát quyền lực.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 9.

Ba Trân tự biến bản thân thành một con rắn độc thèm khát quyền lực

Sự thay đổi trong con người Ba Trân được hình thành qua bốn hồi xuân – hạ – thu – đông. Từ những nỗi tủi hờn khi phải bỏ lại ngoài kia gia đình nơi mình được sinh ra để đến phụng sự một ra đình xa lạ, từ gánh nặng trong việc sinh con nối dõi tông đường, niềm đau của kiếp chồng chung đến khi trở thành mẹ chồng và tiếp tục áp đặt những tủi hờn mình từng phải chịu lên người những nàng dâu khác.

Một vòng tròn luẩn quẩn không điểm dừng cùng những uất ức, đau thương mà xã hội cũ đã áp đặt lên người phụ nữ đã khiến con người mợ cả nhà họ Huỳnh thay đổi đáng sợ. Dĩ nhiên, Ba Trân không bị tha hóa hoàn toàn bởi trong con người đó vẫn còn sót lại là tình yêu thiêng liêng của một "xà mẫu" dành cho con, còn khao khát được yêu thương như những người phụ nữ đơn thuần khác. Nhưng, không giống như Như Ý của Cô Ba Sài Gòn, mẹ chồng Ba Trân không còn cơ hội tìm lại bản thân.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 10.

Ba Trân không còn cơ hội để tìm lại bản thân mình

Xét về cảm giác, Cô Ba Sài Gòn mang đến một năng lượng tích cực. Còn Mẹ chồng lại gây ra những bi kịch nặng nề, có phần hiển nhiên trong rất nhiều sách vở, tiểu thuyết ngày xưa, nên nói trắng ra là xem phim xong khán giả không nhận được điều gì mới. Thật đáng tiếc khi những bi kịch về thời cuộc, xã hội, đạo đức của Mẹ chồng lại là thứ quá sách vở, khiến cho nó trở nên màu mè và người ta xem phim ra chỉ nhớ những phân đoạn các nhân vật chửi bới lẫn nhau chứ không thấy yêu phụ nữ hơn.

5. Sự xuất hiện hời hợt của cánh mày râu hay câu chuyện về "Nữ nhi quốc"

Năm nay, khán giả của phim điện ảnh Việt bắt gặp đến hai "Nữ nhi quốc" trong lòng phim Việt, một là ở Cô Ba Sài Gòn, một trong Mẹ chồng.

Với Cô Ba Sài Gòn, vai trò của những người đàn ông giảm xuống tới mức tối giản. Ban đầu người xem đã chuẩn bị tâm lý cho việc Ngô Thanh Vân sẽ đề cao nữ quyền trong phim nhưng lại không ngờ đến chuyện sẽ được thưởng thức một chick-flick (phim dành cho phụ nữ) với chất nữ quyền lấn át hoàn toàn tính lãng mạn cần thiết cho thể loại này.

Ở thế giới của Cô Ba Sài Gòn, vai trò của những người đàn ông trở nên có phần thừa thãi, không có trọng lượng lẫn tiếng nói. Đến cả Tuấn – vai nam chính cũng chỉ được Như Ý công nhận là một "người bạn đồng trang lứa" với vai trò dẫn cô đi thăm thú Sài Gòn năm 2017 thậm chí Helen còn cảm thấy ngán ngẩm với việc "nuôi cơm" anh chàng này. Với Sài Gòn năm 1969, thậm chí trong nhà may Thanh Nữ hoàn toàn không xuất hiện hình bóng của những người đàn ông. Dù là đề cao tuyệt đối vai trò của những người phụ nữ nhưng có vẻ sự xuất hiện mờ nhạt của cánh mày râu hay sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ tình cảm đã khiến Cô Ba Sài Gòn thiếu đi sự mềm mại.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 11.

Nam chính trong Cô Ba Sài Gòn chỉ có tác dụng làm "phó nháy" và "hướng dẫn viên du lịch"

Quay lại với Mẹ chồng của Lý Minh Thắng, tuy không hoàn toàn là một "Nữ nhi quốc" bởi có sự hiện diện của kha khá cánh mày râu nhưng dường như sự hiện diện ấy cũng không có nghĩa lý nhiều lắm. Dù Ba Khiêm hứa hẹn với bà nội Hai Lịnh là sẽ trở thành trụ cột của gia đình nhưng người xem chỉ thấy chàng trai này tranh đấu cho Tuyết Mai và mẹ chứ chưa từng thấy cậu có ý thức làm chủ của căn nhà.

Lẽ ra Hai Phước và Ba Khiêm nên có những mâu thuẫn cần giải quyết với nhau nhưng người xem còn chẳng thấy hai anh em nhà họ có cơ hội gặp mặt. Người đàn ông duy nhất dám đứng ra phản đối Ba Trân là Chín Tị thì cũng sớm phải chấm dứt cuộc đời trong đau đớn, tức tưởi.

Bắt gặp 5 điểm “na ná nhau” giữa Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn - Ảnh 12.

Người đàn ông duy nhất dám đứng ra phản đối cũng sớm phải kết thúc cuộc đời dưới tay Ba Trân

Cái hơn của Mẹ chồng ở Cô Ba Sài Gòn trong phần này chính là cảm giác tình yêu. Có lẽ sẽ tạo được nhiều đồng cảm hơn ở phái nữ. Cô Ba Sài Gòn quyết tâm chứng minh sứ mệnh nữ quyền bằng một câu chuyện triệt tiêu gần hết tuyến đàn ông. Còn bi kịch trong Mẹ chồng thực chất cũng chỉ xoay quanh đàn ông: sinh con trai, kiếp chồng chung và những mối tình vụng trộm.

Nói nôm na thì ở Mẹ chồng, sự hiện diện hời hợt của kha khá những người đàn ông khiến cho câu chuyện bị giảm bớt sự kịch tính tuy nhiên không ảnh hưởng quá nhiều đến mạch phim. Sang tới Cô Ba Sài Gòn, sự hiện diện hời hợt ấy thực sự khiến một bộ phim về nữ quyền trở nên thiếu nữ tính.

Kết

Về tổng thể cả Cô Ba Sài Gòn và Mẹ chồng đều được đầu tư khá về mặt hình ảnh và cũng như truyền tải được những thông điệp rõ ràng nhưng cũng không lấy làm lạ khi cả hai đều còn một vài những điểm yếu mà lẽ ra ekip có thể làm tốt hơn. Về mặt làm nghề, mỗi phim lại có điểm mạnh và điểm yếu riêng tuy nhiên với những thành quả nổi bật mà các ekip đã làm được thì đây vẫn là hai trong số những bộ phim Việt Nam đáng để thưởng thức nhất của năm.

Nhưng xét về mặt cảm giác của khán giả đại chúng, không khó hiểu khi xem xong cả hai phim, đa số đều thích Cô Ba Sài Gòn hơn vì người ta được thưởng thức một câu chuyện lớp lang, trọn vẹn. Còn Mẹ chồng đưa ra một vấn đề đáng chú ý, một sức hút rất mạnh nhưng lại bị nhào nặn chưa tới, nhiều chỗ còn sượng nên tất nhiên là không thể vui vẻ thưởng thức hoàn toàn.