Áp thấp nhiệt đới kỳ dị gây mưa lũ làm 7 người chết, mất tích

Nam Khánh, Theo Tiền Phong 20:45 04/09/2019

Áp thấp nhiệt đới có đường đi kỳ dị, tương tác với áp thấp nhiệt đới khác đã làm 7 người chết, mất tích. Mưa lũ làm nhiều khu vực ở các tỉnh Bắc Trung bộ bị ngập sâu, chia cắt.

Áp thấp nhiệt đới kỳ dị gây mưa lũ làm 7 người chết, mất tích - Ảnh 1.

Nhiều khu vực ở Quảng Bình bị ngập tới nóc nhà, bị cô lập, chia cắt

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến chiều 4/9, mưa lũ đã làm ông Lê Văn Bân 55 tuổi chết đuối tại hồ Bình Sơn, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Ở Quảng Bình 1 cháu bé 2 tuổi ở phường Quảng Thuận, Thị xã Ba Đồn bị trượt chân nước cuốn trôi trong chiều 3/9 và bà Hồ Thị Chăm xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa bị lũ cuốn trôi khi đi xúc cá dọc khe suối chiều 2/9.

Tại Thừa Thiên-Huế, có một người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, do leo mái chằng chống nhà đã bị trượt chân ngã chết vào trưa 3/9.

Trên biển, tàu cá QNa91928TS, có 44 ngư dân của Quảng Nam khi trên đường di chuyển tránh áp thấp nhiệt đới đã bị chìm ở gần đảo Thuyền Chài (Quần đảo Trường Sa).

Có 41 thuyền viên được tàu cá Quảng Ngãi QNg90817TS cứu vớt, sau đó chuyển lên tàu Kiểm ngư KN420. Tuy nhiên, còn 3 ngư dân mất tích, các lực lượng cứu hộ đã huy động 10 tàu cá ngư dân và tàu KN420 tiếp tục tìm kiếm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 4/9, áp thấp nhiệt đới sau khi “đánh võng” từ đất liền ra biển đã suy yếu thành một vùng áp thấp và sau đó tan dần.

Tuy nhiên, vùng áp thấp này còn gây mưa to đến rất to cho khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế trong đêm 4 và ngày 5/9. Riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế mưa 100-200mm. Từ đêm 5/9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung bộ

Do mưa lớn, nên tình trạng ngập lụt sâu diện rộng, sạt lũ quét, sạt lở tiếp tục diễn ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu.

Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ, có thể chủ động lùi ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập sâu.

Đồng thời, các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày