Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ?

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/08/2018

Dù là về cơ hội thành công, thể loại âm nhạc hay địa bàn hoạt động, Kpop đã dần không còn bị giới hạn trong những “vùng an toàn” vốn tồn tại từ rất lâu.

Dường như mỗi năm một lần, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc lại hân hạnh nhận được lời cảnh báo từ các chuyên gia rằng "đang trong giai đoạn thoái trào". Nhưng cũng như rất nhiều nền âm nhạc khác, Kpop không dậm chân tại chỗ mà luôn tìm những lối đi mới để tránh khỏi kịch bản thoái trào mà các chuyên gia đã cảnh báo. Năm 2018 chứng kiến nhiều thay đổi ngoạn mục của Kpop, trong đó phải kể đến việc lần lượt phá bỏ những định kiến hay những "công thức thành công" được lặp đi lặp lại.

Định kiến thứ nhất: Công ty quản lý lớn mới có thể làm nên một nhóm nhạc nổi tiếng

Ra mắt dưới sự quản lý của một công ty lớn mang lại rất nhiều lợi ích: nhận được sự chú ý trong công chúng ngay từ khi còn là thực tập sinh, được đào tạo bài bản, tiềm lực tài chính mạnh sẽ biến thành âm nhạc hay nhờ thuê được nhà sản xuất chất lượng, MV được đầu tư hoành tráng… Con đường trở thành ngôi sao không mờ nhạt trong thời buổi idol Kpop nhiều như nấm mọc sau mưa sẽ dễ dàng hơn nếu xuất thân từ một công ty lớn, đó không phải là định kiến mà là một sự thật trần trụi của làng giải trí. Thế nhưng chúng ta đang được chứng kiến một sự thật lạ đời trên đường đua Kpop năm 2018: các nhóm nhạc không có hậu thuẫn mạnh cũng có thể trở thành những đối thủ đáng gờm với các nhóm nhạc "con ông cháu cha".

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 1.

BTS được gọi là “điều kì diệu đến từ công ty nhỏ” và cũng là nhóm nhạc đầu tiên đập tan định kiến công ty nhỏ thì sẽ không thành công, nhưng không chỉ có một mình họ làm được điều đó.

SM, YG, JYP – Ba công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc có trong tay những nhóm nhạc mà ai cũng phải dè chừng mỗi lần comeback, trong năm nay dường như chỉ có YG và JYP là tích cực trên con đường tìm kiếm bản hit của năm. Nếu chỉ xét riêng về mặt âm nhạc, đã không còn khoảng cách quá xa về chất lượng giữa sản phẩm được phát hành bởi các nhóm nhạc mới hay các công ty ngoài Big 3 với các nhóm nhạc thuộc Big 3 nữa.

Chỉ tính riêng trên mặt trận nhóm nữ, ngoài ba cái tên quen thuộc Black Pink, Red Velvet và Twice, thì trong tám tháng kể từ đầu năm 2018 đã có quá nhiều ca khúc hay cộp mác các nhóm nhạc hoặc đến từ công ty nhỏ hoặc là tân binh. Đầu tiên phải kể đến (G)I-DLE, nhóm nhạc nữ mới toanh vừa chân ướt chân ráo xuất hiện trên bản đồ Kpop nhưng đã ghi một dấu ấn đậm nét bằng "LATATA" và gần đây nhất là "HANN". Với giai điệu gây nghiện ngay từ lần nghe đầu tiên và phong cách khác biệt so với những nhóm nhạc đi theo hình tượng đáng yêu rồi sau đó mới dần trưởng thành theo thời gian, (G)I-DLE được dự báo là cái tên sẽ làm nên chuyện trên các bảng xếp hạng tân binh xuất sắc nhất 2018.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 2.

(G)I-DLE – tân binh đáng chú ý nhất 2018.

Ngoài (G)I-DLE, chỉ cần ai quan tâm đến Kpop thì sẽ dễ dàng nói ra những cái tên như MAMAMOO – những nữ thần mùa hè mới thay cho tượng đài Sistar, Momoland – chủ nhân của bản hit "Boom Boom" bất ngờ nổi đình nổi đám, mỗi nhóm nhạc nữ đều được "định danh" rõ ràng bằng âm nhạc của mình. Có thể nói khả năng tạo hit, độ phổ biến của ca khúc trong công chúng hay là tính độc đáo trong âm nhạc của các nhóm nữ kể trên so với các nhóm nữ "chiếu trên" là một chín một mười.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 3.

Boom Boom (Momoland) là bản hit có độ nhận diện công chúng khủng bậc nhất 2018 cho đến thời điểm này.

Có thể về lâu dài, những nhóm nữ này sẽ không với tới được đỉnh cao như ba nhóm nữ của Big 3, nhưng những gì họ đã thể hiện trong năm nay đã cho thấy rõ sự sụp đổ dần dần của bức tường thành ngăn cách giữa các nhóm nhạc đến từ ba ông lớn và phần còn lại của Kpop.

Định kiến thứ hai: "Nhạc Hàn Quốc" chỉ là âm nhạc của idol

Nhắc đến "ca sĩ Hàn Quốc", chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những nhóm nhạc thần tượng với ngoại hình và trang phục đẹp, giọng hát thì thượng vàng hạ cám – xuất sắc cũng có, trung bình cũng có, vũ điệu đồng đều. Xa hơn một chút nữa, nhắc đến "nhạc Hàn Quốc", hẳn sẽ nhiều người nghĩ đến những bài hát với phần điệp khúc bắt tai, lời nhạc đơn giản và đôi khi vô nghĩa. Những công thức tạo thành idol đó được coi như một vùng an toàn để thu về lợi nhuận, nhưng cũng chính vùng an toàn đó làm cho một bộ phận những người không thực sự quan tâm đến âm nhạc Hàn Quốc xem Kpop và fan Kpop như một trò giải trí của tuổi teen không hơn không kém.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 4.

Tầm ảnh hưởng quá lớn nên âm nhạc của giới idol được xem như duy nhất khi nhắc đến âm nhạc Hàn Quốc.

Ngoài việc tự sản xuất âm nhạc đang dần trở thành xu hướng của giới idol, dần dần phổ biến những "xu hướng" khác- những dòng nhạc dù không hướng tới đại chúng nhưng lại đang được đại chúng đón nhận nhiệt tình. 2018 không còn là năm của riêng các nghệ sĩ thần tượng nữa, âm nhạc Hàn Quốc được biết đến với nhiều màu sắc và cá tính khác biệt hơn rất nhiều.

Bắt đầu từ những nhóm nhạc idol mang hơi hướng Indie như Akdong Musician hoạt động dưới trướng YG hay bộ đôi quái vật digital Bolbagan4, khái niệm indie dần trở nên bớt "underground". Một khi cảm thấy âm nhạc của giới idol là chưa đủ hoặc quá ồn ào, rất nhiều người đã tìm đến Urban Zakapa, Standing Egg – những cái tên có thể xa lạ nhưng bài hát của họ thì không.

Một nhân tố khác có sức ảnh hưởng lớn trong giới indie là Hyukoh, ban nhạc được đề cử giải thưởng Bài hát của năm và giành chiến thắng trong hạng mục ban nhạc trình diễn xuất sắc tại MAMA 2017. Đứng đằng sau là một công ty con của YG, không có gì lạ khi Hyukoh đi theo phong cách khá "dị", nhưng âm nhạc của nhóm là một viên ngọc quý và thật đáng tiếc cho những ai tìm hiểu về Kpop mà lại bỏ sót Hyukoh.

MV "Gondry" - Hyukoh

MV "I Don't Love You" - Urban Zakapa

Nếu như Indie là ngọn lửa đã âm ỉ từ năm ngoái và phổ biến vào năm nay thì EDM lại trở thành một món ăn ngon và lạ chỉ nhờ một hiện tượng duy nhất: Shaun. Shaun được biết đến qua nghi án gian lận nhạc số vẫn đang được tích cực điều tra, còn âm nhạc của anh thì "hay bất chấp". Trong cái rủi có cái may, nhờ vào nghi án gian lận mà cộng đồng yêu hay không yêu nhạc Hàn Quốc đều biết đến Shaun và một thể loại EDM nhẹ nhàng dễ ngấm, còn "Way Back Home" – ca khúc gây tranh cãi thì vẫn chễm chệ ở những vị trí cao trên các BXH âm nhạc trực tuyến xứ Kim Chi. Thành công ngoài dự liệu của Shaun báo hiệu cho một tương lai EDM không chỉ dành cho những club hay lễ hội EDM mà còn có thể xuất hiện ở những sân khấu khác, và vẫn có những cái tên khác đang chờ được "khai quật" như Shaun đã từng.

Định kiến thứ ba: Châu Âu, châu Mĩ là những câu chuyện quá xa vời

Sau thị trường nội địa, Nhật Bản và Trung Quốc là hai mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động của Kpop trong giai đoạn từ 2002 đến khoảng 2016. Sau khi các nhóm nhạc Kpop tại Nhật Bản bị bão hòa và hoạt động của nghệ sĩ Hàn tại Trung Quốc bị dính lệnh cấm vận vì lí do chính trị, Đông Nam Á là mục tiêu tiếp theo được các công ty giải trí để mắt tới nhưng vẫn còn khá dè chừng.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 7.

DBSK – cái tên mở đường và là huyền thoại Kpop tại Nhật.

Nếu các quốc gia châu Á là những địa điểm an toàn vì điều kiện văn hóa có nét tương đồng, châu Âu vẫn luôn là một địa chỉ để các nhóm nhạc Kpop thế hệ trước "cưỡi ngựa xem hoa".

"Gangnam Style" của Psy là cái tên đầu tiên tạo một điểm nhấn của âm nhạc Hàn Quốc trong cộng đồng âm nhạc Âu Mĩ. Nhưng chính bởi cha đẻ Psy cũng không ngờ được rằng Gangnam Style được đón nhận như vậy, Psy không hề định sẵn một kế hoạch nào cho việc phát triển sự nghiệp ở thị trường này. Có thể nói, biết đến Kpop qua Gangnam Style là khán giả Âu Mĩ chỉ biết đến khía cạnh giải trí và hài hước của Kpop, còn những giá trị về âm nhạc không phải là điều đáng để họ quan tâm.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 8.

Gangnam Style – thành công bất ngờ của Psy

Càng ngày càng ít đi những cuộc dấn thân sau thất bại của Wonder Girls hay CL. Tưởng như cánh cổng mang tên US-UK sẽ mãi khép chặt với Kpop thì BTS lại mang theo chiếc chìa khóa để mở cửa cho Kpop ồ ạt "xâm lăng" thị trường âm nhạc lớn nhất toàn cầu.

Thành công của BTS, không giống như Psy, nó là thành công của một quá trình hoạt động dài hơi. BTS không được biết đến bởi cái mác ngoại hình mà bởi âm nhạc và một fandom trung thành. Mang theo những thành công đã được đặt nền móng sẵn, năm 2018 chứng kiến sự đột phá về hoạt động của không chỉ BTS mà còn của các nhóm nhạc Hàn Quốc tại thị trường Âu Mĩ. Theo sau BTS là GOT7, Monstar X… các nhóm nhạc Hàn Quốc dần khiến khán giả Âu Mĩ ngỡ ngàng với âm nhạc, vũ đạo và cả với văn hóa fandom.

BTS khẳng định vị trí tiên phong của mình ở thị trường khó tính bậc nhất này với ba bài hát đạt chứng chỉ vàng của RIAA (hiệp hội công nghiệp ghi âm Mĩ) – chứng chỉ biểu thị lượt tiêu thụ và stream ca khúc đạt đến 500.000 đơn vị. Xuất hiện và biểu diễn ở Billboard Music Award, hạ cánh xuống vị trí thứ 10 của bảng xếp hạng Billboard Hot 100 với "Fake Love", tham gia loạt show giải trí đình đám như "The Ellen Show" và mới đây nhất là kế hoạch tổ chức concert sân vận động với quy mô 40 ngàn khán giả, có thể nói thành công của BTS đã vượt xa khuôn khổ Kpop mà sánh ngang với các nghệ sĩ nhạc pop quốc tế.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 9.

BTS nhận giải Top Social Artist lần thứ hai liên tiếp tại BBMAs 2018

Đi sau một bước nhưng không hề kém cỏi, GOT7 đã bỏ túi 8 buổi concert vòng quanh châu Âu và châu Mĩ trong khuôn khổ tour thế giới năm nay. Quy mô concert và độ nổi tiếng của GOT7 tại thị trường nước ngoài khiến cho cả netizen Hàn Quốc cũng phải ngạc nhiên bởi vì GOT7 không thực sự là một cái tên "đỉnh" ở thị trường trong nước.

Tương tự với Monstar X, nhóm có sự xuất hiện trên show "Good Day New York" – chương trình thông tin buổi sáng nổi tiếng của Mĩ, các ca khúc cũng liên tục được yêu cầu trên các kênh Radio, kênh quảng bá phổ biến mà ít nghệ sĩ Hàn Quốc nào nghĩ đến trong các kế hoạch Mĩ tiến trước đây.

Âm nhạc Hàn Quốc trong năm 2018: Ba bức tường thành định kiến nào đang dần sụp đổ? - Ảnh 10.

Concert của GOT7 tại Mĩ khiến netizen Hàn ngỡ ngàng về quy mô.

Những thành công bước đầu này khiến các nhóm nhạc Kpop khác có đầy đủ điều kiện được tiếp thêm dũng khí để thâm nhập thị trường US-UK. Sau cú hit "DDU- DU DDU-DU", Black Pink nhận được phản hồi tốt và được đánh giá rằng có khả năng làm nên chuyện ở Mĩ, YG cũng đã úp mở về một tương lai có thể Mĩ tiến của bốn cô gái tài năng. Dù rằng những điều YG nói và làm có một khoảng cách rất xa, nhưng tự tin mang Kpop đi xa hơn châu Á của Black Pink là hoàn toàn có cơ sở.

Tạm kết

Dù là bước khỏi vùng an toàn nào đi chăng nữa, người được lợi nhiều nhất trong thời gian này vẫn là người hâm mộ. Càng ngày càng được chứng kiến những bước chuyển mình của Kpop, càng được thưởng thức nhiều sản phẩm âm nhạc đã mắt đã tai, khán giả có quyền trông chờ vào những thay đổi tiếp theo bắt buộc phải xảy ra để Kpop không những không thoái trào mà còn vươn lên những tầm cao mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày