5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World”

Chi Lanh, Theo Trí Thức Trẻ 11:27 23/08/2017

Được ví như “Mộ Đom Đóm của năm 2016”, “In This Corner Of The World” đã cập bến phòng vé Việt. Bạn đã sẵn sàng để thưởng thức kiệt tác này?

Bẵng đi một thời gian khá dài, dòng phim anime lấy đề tài hibakusha (thảm họa đánh bom) mới xuất hiện một đại diện tiêu biểu như In This Corner Of The World (Góc Khuất Của Thế Giới). Dẫu cho bạn đến rạp với ý định mục sở thị phim điện ảnh anime hay nhất năm 2016 được vinh danh bởi "Oscar của người Nhật", hay là để kiểm chứng xem vì sao nó được gọi là "người kế nhiệm" của Mộ Đom Đóm (Graves Of Fireflies), hoặc đơn giản chỉ là dành ra hai giờ đồng hồ chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài cuộc sống thời chiến, hãy cùng đọc qua 5 điểm đáng lưu tâm về In This Corner Of The World nhé.

Một câu chuyện thời chiến thật khác

Đây không phải là câu chuyện xoáy sâu vào nỗi đau chiến tranh như Grave Of Fireflies (Mộ Đom Đóm) hay Barefoot Gen (Đôi Chân Trần). In This Corner Of The World mở màn bằng những ngày tháng êm đềm của những năm 1930-1940, tức khoảng 10 năm trước thảm họa Mỹ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật. Suzu (Reina Nounen lồng tiếng) đã trải qua thời thiếu nữ tuy cơ hàn nhưng lại giàu mộng mơ cùng khả năng vẽ tranh của mình.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 1.

Tháng 2 năm 1944, vừa tròn 18 tuổi, Suzu được gả vào một gia đình sĩ quan. Cô gái trẻ tạm biệt bố mẹ ruột và chuyển đến Kure, một thành phố cảng thuộc tỉnh Hiroshima, phía Tây Nam nước Nhật. Từ giai đoạn này cho đến thời điểm quả bom hạt nhân tàn phá Hiroshima năm 1945, cuộc sống của cô gái trẻ đã xảy ra nhiều biến chuyển, hạnh phúc và khổ đau của cô không còn vỏn vẹn trong những bức phác thảo như ban đầu.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 2.

Suzu trưởng thành cùng tình yêu của người chồng, gia đình mới và khung cảnh của quê nhà Hiroshima. In This Corner Of The World không cậy nhờ thủ pháp gây cảm xúc tiêu cực cho người xem, cũng không hù dọa khán giả bằng tang tóc của thảm họa. Chiến tranh thế giới thứ hai đã khép lại hơn 70 năm, các nhà làm phim Nhật lại thêm một lần khiến chúng ta đắm chìm trong những quan điểm khác biệt của họ thông qua một tác phẩm anime nhiều giá trị nghệ thuật.

Sự đột phá của những cái tên ít người biết

Ekip làm phim In This Corner Of The World hầu như không được mấy người biết tới ở Nhật. Đạo diễn kiêm biên kịch của phim, ông Sunao Katabuchi từng làm trợ lý đạo diễn cho Hayao Miyazaki trong phim anime Kiki’s Delivery Service (Cô Phù Thủy Nhỏ Kiki) và cho ra mắt dăm ba phim điện ảnh anime kén khán giả như Princess Arete (Công Chúa Arete) hay Mai Mai Miracle (Shinko Và Phép Lạ Nghìn Năm) ... Kịch bản của In This Corner Of The World được Sunao bắt tay cùng vợ mình là bà Chie Uratani xây dựng dựa trên nguyên tác manga năm 2007. Vì chủ đề và cách khai thác khác biệt, phim được xếp vào dòng phim độc lập (independent anime) và gặp khá nhiều khó khăn ở giai đoạn tiền sản xuất.

Sinh nhật 57 tuổi của đạo diễn Sunao Katabuchi trở nên bận rộn và đầy ắp tin vui sau thành công vang dội của phim

Trong khi đó, MAPPA, studio đảm nhận sản xuất phim cũng là một cái tên khá non trẻ. Ngoài series Yuri!! On Ice (Trên Sân Băng) gây sốt cuối năm ngoái, In This Corner Of The World chính là phim điện ảnh anime đầu tiên của hãng thành công vẻ vang ở các sân chơi điện ảnh trong nước và trên thế giới.

Thế giới đồ họa "2,5 chiều"

Ngay từ những phác thảo đầu tiên, Katabuchi đã quyết chọn những kỹ thuật đồ họa 2D khá cũ kỹ cho tác phẩm của mình. Ông sử dụng phong cách đồ họa tối giản (limited animation) gợi nhớ tới hình ảnh của các xưởng phim phương Tây như Hannah-Barbera. Chính cách làm này đã tạo nên những khung hình vừa quen thuộc lại vừa mang hơi hướng quốc tế mà vẫn lột tả được vẻ đẹp bình dị của vùng quê nước Nhật thời kỳ trước thế chiến.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 4.

Katabuchi chú trọng vào việc khắc họa cảnh nền với những tiểu tiết dễ liên tưởng đến phong cách dựng phim Akira hay các phim của hãng Ghibli. Các nhân vật được vẽ chuyển động trên phần nền có sẵn, vì thế khi lên màn ảnh rộng tạo được hiệu ứng hình ảnh có chiều sâu và chân thực hơn. Các công đoạn xử lý đồ họa được đẩy nhanh tiến độ bằng việc tận dụng máy tính kết hợp ảnh nền và ảnh chính, hay còn được gọi là kỹ thuật làm anime 2,5D.

Tuy vậy, Katabuchi không hề lạm dụng máy móc hiện đại. Ông kiên định trong việc vẽ ảnh nền bằng màu nước để tái hiện phần hồn của một vùng quê Nhật Bản cách đây hơn nửa thế kỷ. Ekip của ông cất công tìm hiểu và nghiên cứu về bối cảnh của Hiroshima trước sự kiện thả bom, vì theo ông thì thảm họa này đã phá hủy hầu hết những cảnh tượng ông muốn khắc họa.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 5.

Theo ấn phẩm The Conversation, ekip của Sunao Katabuchi đã sao chép khung cảnh của những tấm ảnh cũ và tiến hành phỏng vấn người dân địa phương, những nhân chứng sống còn sót lại từ sau thảm họa ném bom. Ông cho họ xem những bức vẽ tay bằng màu nước và thu thập ý kiến của họ để tái hiện gần như chân thực nhất những tàn tích đã biến mất ở hiện tại. Hiroshima trong In This Corner Of The World chính là một Hiroshima chỉ có một nửa là còn tồn tại, nhưng nguyên vẹn tổng thể của nó chính là phần hồi ức không thể xóa mờ trong tâm trí của những nạn nhân trẻ em ở thời điểm năm 1945.

Phim ra mắt trong "vòng tay" của công chúng

In This Corner Of The World dựa trên nguyên tác manga cùng tên của tác giả Fumiyo Kono. Tác phẩm đoạt giải Manga Xuất Sắc (Excellent Award for Manga Division) tại Liên hoan Nghệ thuật Truyền thông Nhật Bản năm 2009.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 6.

Nguyên tác manga "In This Corner Of The World" 10 năm về trước

Khi dự án công bố vào năm 2012, nhà sản xuất gặp khó khăn về kinh phí thực hiện. Họ đã đưa ra một quyết định vô tiền khoáng hậu: Gây quỹ để đưa kịch bản In This Corner Of The World từ trang giấy lên màn ảnh rộng!

Với mục tiêu ban đầu là 20 triệu Yên (hơn 4 tỷ Đồng), trang online của quỹ này khởi động trong tháng 3 năm 2015 đã nhận được 3374 lượt quyên góp, thu về hơn 39 triệu Yên (hơn 8 tỷ Đồng). Mặc dù toàn bộ số tiền này không dùng hết trong quá trình làm phim, nhà sản xuất cam đoan họ sẽ sử dụng nó để chi trả cho bảo hiểm nhân viên hoặc chuẩn bị cho một phim mới (pilot film).

Sau khi phim xuất xưởng, một chiến dịch gây quỹ khác đã được thành lập để đưa đạo diễn Sunao Katabuchi đi quảng bá phim ở nước ngoài. Chỉ trong vòng duy nhất một ngày 22 tháng 11 năm 2016, cụ thể là 11 giờ đầu tiên, mục tiêu 10 triệu Yên đã hoàn thành thuận lợi.

5 lưu ý trước khi xem anime hay nhất năm 2016 “In This Corner Of The World” - Ảnh 7.

Vượt ngoài mong đợi, In This Corner Of The World từ khi ra mắt đến nay đã nhận được trên dưới 40 giải thưởng tại các sân chơi điện ảnh, trong đó phim thắng toàn bộ đề cử tại giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nhật Bản và một giải Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất Của Năm dành cho Sunao Katabuchi tại Giải Ruy Băng Xanh lần thứ 59. Đáng kể nhất chính là danh hiệu Phim Hoạt Hình Xuất Sắc Nhất Của Năm tại giải thưởng điện ảnh hàn lâm – vốn được xem là "Oscar của người Nhật", sau khi vượt qua "bom tấn anime 2016" Your Name (Tên Em Là Gì?) và "huyền thoại quái vật" Shin Godzilla.

Có thể nói, In This Corner Of The World có cơ hội xuất hiện và gặt hái được kết quả như hiện tại chính là nỗ lực tuyệt vời của nhà làm phim khi gắn kết sản phẩm của họ với khán giả. Phim ra rạp trong sự yêu mến và trông chờ của khán giả, những người đã từng chung tay góp sức để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật và giờ họ đang thụ hưởng nó. Thậm chí ngay cả những người xem không tham gia quyên góp, họ vẫn có thể cảm nhận được sự trân trọng mà tổ sản xuất đã gửi gắm vào từng khung hình để tri ân khán giả.

Câu chuyện thời chiến lay động lòng người của In This Corner Of The World hiện đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc.

Trailer "In This Corner Of The World"