30 phút đầu tiên sau khi thức dậy sẽ quyết định ngày mới hiệu quả hay ngập trong stress: Thói quen ai cũng làm được, không cần ra khỏi giường!

Ngọc Hà, Theo Trí thức trẻ 08:38 15/08/2019

Điều hay nhất của những thói quen này là bạn có thể thực hiện mà không cần phải di chuyển đi đâu.

Thông thường, sau khi thức dậy, chúng ta chỉ kịp mặc quần áo, chuẩn bị đồ đạc, ăn sáng rồi vội vã đi làm. Tuy nhiên, khởi đầu ngày mới theo kiểu này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hơn trong nhiều tiếng sau đó.

Theo các chuyên gia về sức khỏe tinh thần và các HLV đời sống, chỉ cần dành ra 30 phút mỗi ngày để làm những điều này, bạn sẽ có một ngày làm việc năng suất và tích cực hơn rất nhiều.

2 phút đầu tiên: Suy nghĩ tích cực và không sử dụng điện thoại

30 phút đầu tiên sau khi thức dậy sẽ quyết định ngày mới hiệu quả hay ngập trong stress: Thói quen ai cũng làm được, không cần ra khỏi giường! - Ảnh 1.

Rất nhiều người trong số chúng ta đặt báo thức trên điện thoại. Chuyện này hoàn toàn bình thường, miễn là bạn đừng đọc bất cứ tin nhắn hay email nào ngay sau khi thức dậy. Bạn không nên bị xao nhãng trong khoảng thời gian này.

"Những giây đầu tiên sau khi bạn thức dậy là quan trọng nhất, bởi vì đó là lúc bạn quyết định ngày mới của mình sẽ ra sao", Jacqueline Pirtle - HLV chánh niệm, tác giả cuốn 365 Days of Happiness: Because happiness is a piece of cake - cho biết.

"Bạn nên bắt đầu bằng những suy nghĩ như ‘Hôm nay sẽ là ngày tuyệt vời nhất’ hoặc ‘Tôi khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc’ hay ‘Cuộc đời yêu quý tôi’..."

Những suy nghĩ này không tự nhiên mà đến, vì thế bạn hãy tập nghĩ về chúng trước khi đi ngủ từ đêm hôm trước.

5 phút tiếp theo: Kỹ thuật chánh niệm và thở sâu

30 phút đầu tiên sau khi thức dậy sẽ quyết định ngày mới hiệu quả hay ngập trong stress: Thói quen ai cũng làm được, không cần ra khỏi giường! - Ảnh 2.

Tiếp theo, hãy sử dụng một vài kỹ thuật chánh niệm để làm tâm trí thông suốt. Bạn có thể thiền, cầu nguyện hoặc bày tỏ lòng biết ơn.

"Tôi luôn khuyên tất cả bệnh nhân của mình nên thiền hoặc cầu nguyện vào buổi sáng", Nicole Bernard Washington - bác sĩ tâm lý tại Elocin Psychiatric Services - cho biết.

"Nhờ đó, họ sẽ cảm thấy đầu óc được thông suốt và có thể bắt đầu ngày mới một cách tỉnh táo hơn."

"Ngoài ra, bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn để khởi động ngày mới", Washington nói. "Với cách này, bạn cho phép bản thân tập trung vào những mặt tích cực của cuộc sống.

Trong một thế giới đầy tiêu cực như hiện nay, suy nghĩ tích cực có thể cải thiện tâm trạng của bạn."

Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp các bài tập thở để giúp đầu óc tỉnh táo hơn.

"Khi bạn nằm trên giường, hãy hít vào bằng mũi, giữ trong vòng 5 giây sau đó thở ra bằng mồm", bác sĩ Erlanger "Earl" Turner - trợ lý giáo sư tâm lý học tại ĐH Houston-Downtown - hướng dẫn. "Lặp lại như thế vài lần sẽ giúp bạn thư giãn đầu óc và cơ thể."

5 phút sau đó: Ghi chép

30 phút đầu tiên sau khi thức dậy sẽ quyết định ngày mới hiệu quả hay ngập trong stress: Thói quen ai cũng làm được, không cần ra khỏi giường! - Ảnh 3.

Lúc này, bạn sẽ muốn sử dụng điện thoại hoặc laptop, nhưng hãy cố chờ thêm 5 phút nữa. Hãy cầm bút lên và bắt đầu ghi chép.

Theo Christie Tcharkhoutian - một chuyên gia tư vấn trị liệu về hôn nhân và gia đình, việc "ghi chép sau khi thức dậy" sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

"Một vài nghiên cứu cho thấy thói quen này giúp kích thích phần não liên quan tới khả năng ngôn ngữ và sáng tạo", bà giải thích.

"Hãy viết ra những điều tích cực - chẳng hạn như 3 điều bạn cảm thấy biết ơn, hoặc một dự định tích cực trong ngày. Chúng sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng trong nhiều tiếng sau đó.

Nếu bạn không thích ghi chép, hãy đọc thật to những lời khích lệ bản thân, thu âm chúng rồi nghe lại mỗi sáng.

"Nếu những thông điệp tích cực này được bật đi bật lại vào mỗi sáng, chúng sẽ đánh bại những suy nghĩ tiêu cực đang len lỏi trong tâm trí để phá hoại một ngày của bạn", Tcharkhoutian cho biết.

Dành thêm 5 phút nữa để viết ra những việc quan trọng cần làm trong ngày

30 phút đầu tiên sau khi thức dậy sẽ quyết định ngày mới hiệu quả hay ngập trong stress: Thói quen ai cũng làm được, không cần ra khỏi giường! - Ảnh 4.

Sau khi làm xong những việc trên, bạn có thể bắt tay vào thực hiện các việc cần làm trong ngày. Tuy nhiên, trước khi bạn trở nên quá bận rộn, hãy bỏ ra 5 phút để xem đâu là những ưu tiên hàng đầu trong ngày.

"Đừng chỉ viết ‘kiểm tra email’, hãy ghi cụ thể ‘kiểm tra 20 email trong vòng 30 phút từ x giờ đến y giờ", Stephanie Lincoln - tư vấn viên về sức khỏe tinh thần, CEO của Fire Team Whiskey - hướng dẫn.

"Chúng ta có cả trăm việc cần làm mỗi ngày. Vậy nên việc này sẽ giúp chúng ta tìm ra 5 thứ quan trọng nhất, nhờ đó chúng ta sẽ không cảm thấy bị quá tải."

"Hãy tìm xem đâu là việc bạn ghét nhất trong danh sách và coi đó là ưu tiên số 1. Hãy thực hiện việc đó đầu tiên bởi đó thường là việc quan trọng nhất", Lincoln bổ sung.

Mỗi lần bạn thực hiện xong việc cần làm, hãy gạch bỏ nó đi, để sau đó bạn có thể tận hưởng cảm giác thỏa mãn vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

10 phút cuối: Dành thời gian cho gia đình (bao gồm thú cưng)

Bạn đã tiêu tốn hết 17 phút để chuẩn bị cho bản thân mình. 12 phút còn lại bạn nên dành để tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình.

"Hãy dành ra khoảng 10 phút cho gia đình", tiến sĩ tâm lý học Forrest Talley khuyên. "Các gia đình có con nhỏ sẽ rất ngại làm việc này, bởi họ còn bận bịu chuyện chuẩn bị quần áo, hộp cơm cho con.

Tuy nhiên, với các gia đình có con đã trưởng thành hoặc con cái ở xa, đây là một khoảng thời gian tuyệt vời để gắn kết với nhau trước khi bị bủa vây bởi stress."

Nếu nuôi thú cưng, hãy dành cả thời gian cho chúng.

"Thú cưng thường rất gắn bó và đem lại nguồn hạnh phúc lớn lao cho chủ", Talley cho biết. "Vì thế, hãy dành thời gian cho thú cưng của mình vào sáng sớm để cả hai đều cảm thấy được quan tâm."

Cuối cùng, bạn chỉ còn lại 2 phút. Lúc này, bạn có thể thoải mái sử dụng điện thoại của mình.