iOS đã trải qua một chặng đường dài 6 năm rưỡi với 6 dòng iPhone cùng rất nhiều dòng máy iPods và iPads. Hãy cùng điểm lại những gì Apple đã thực hiện với iOS kể từ những ngày đầu tiên nhất để tìm hiểu xem iOS đã trải qua những cuộc “đại tu” ra sao để trở thành một trong những hệ sinh thái di động được yêu thích và đánh giá cao nhất hiện nay.
iOS 1: Sự ra đời của iPhone - 2007
iOS, lúc bấy giờ còn được biết đến với cái tên iPhone OS, lần đầu tiên được Apple giới thiệu tại sự kiện Macworld tổ chức vào đầu năm 2007. Phiên bản đầu tiên này chưa có hệ thống App Store, người dùng chưa thể copy và paste các đoạn văn bản, đính kèm tập tin với email và di chuyển vị trí các ứng dụng trên màn hình chủ. iOS 1 cũng chưa hỗ trợ kết nối 3G và chưa thể nhận gửi MMS.
Tuy nhiên, trong khi các thiết bị khác ở thời điểm này vẫn gắn bó với cảm ứng điện trở, Apple đã thành công trong việc thực hiện một cuộc cách mạng với chiếc điện thoại thông minh của mình cùng công nghệ cảm ứng điện dung, góp phần mang lại trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng với rất nhiều các thao tác người dùng mới.
iOS 2: App Store - 2008
Phiên bản iOS 2 đánh dấu sự xuất hiện của hệ thống kho ứng dụng App Store cho phép người dùng tự duyệt và tải xuống các ứng dụng cho thiết bị của mình. Apple cũng tiến hành sáp nhập hệ thống tài khoản iTunes của người dùng vào hệ thống App Store để đồng nhất quá trình tải về ứng dụng và các nội dung nhạc số.
Một số tính năng đáng chú ý khác cũng có mặt ở thế hệ thứ hai của iOS phải kể đến Microsoft Exchange (cho phép đồng bộ email, lịch năm và danh bạ từ các nguồn khác vào iPhone) và MobileMe (đã bị thay thế bởi iCloud về sau).
iOS 3: Nhiều tính năng mới cho iPhone - 2009
Khi so sánh với người tiền nhiệm, iOS 3 quả là một bước nâng cấp đột phá được ra đời cùng chiếc iPhone 3GS. Với phiên bản này, Apple lần đầu tiên giới thiệu đến người dùng tác vụ cut, copy và paste như chúng ta thấy ngày hôm nay. Thêm vào đó là tính năng Spotlight Search cho phép tìm kiếm trên toàn hệ thống nhanh chóng. Nhận thông báo từ các ứng dụng bên thứ 3, MMS, điều khiển bằng giọng nói, chia sẻ kết nối mạng qua cổng USB và Bluetooth, ứng dụng Find My Phone cũng lần đầu tiên có mặt ở phiên bản này.
Ứng dụng camera cũng đón nhận một sự thay đổi lớn với tính năng quay phim và tap-to-focus. Cùng với đó là sự xuất hiện của ứng dụng iTunes hỗ trợ việc tải về các nội dung số được thực hiện ngay trên điện thoại.
iOS 4: Đa nhiệm, Retine và FaceTime - 2010
iOS 4 là phiên bản đầu tiên có hỗ trợ tính năng đa nhiệm với thanh đa nhiệm hoạt động khá mượt mà. Với tính năng này, các ứng dụng có thể chạy nền cho phép người dùng chuyển đổi giữa các ứng dụng nhanh hơn.
Cũng ở phiên bản này, iOS có thêm thư mục ứng dụng riêng biệt, cho phép tùy biến màn hình nền thay vì phải để màn hình đen đơn điệu như các phiên bản trước đó. FaceTime và Retina cũng là hai điểm nhấn đáng chú ý iOS 4 hỗ trợ. Việc chuyển đổi từ màn hình iPhone 3GS đến màn hình chuẩn Retina là một bước tiến quan trọng, đặc biệt là đối với các nhà phát triển khi họ cần tạo ra các ứng dụng đạt chuẩn cao hơn để có thể mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất trên màn hình độ phân giải cao.
Ở iOS 4, Apple cũng mang đến cho người dùng ứng dụng Inbox thống nhất hơn với tính năng hỗ trợ nhiều tài khoản email. Cùng với đó là tính năng tìm kiếm văn bản trong ứng dụng Messages.
Phát sóng WiFi, Game Centre, AirPrint và AirPlay là 4 điểm nhấn chính có mặt ở phiên bản iOS 4 cập nhật được Apple tung ra vào quý đầu năm 2011.
iOS 5: Hệ thống thông báo, Siri và hơn thế nữa - 2011
Cùng với màn hình Retina ấn tượng, các tính năng trong iOS 5 Apple mang lại thực sự thổi bay tất cả các đối thủ khác cùng thời lúc bấy giờ.
Với Siri, Apple đã đem công nghệ nhận diện giọng nói lên một tầm cao mới khi mang lại cho người dùng khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện. iCloud cũng lần đầu tiên xuất hiện ở phiên bản hệ hiều hành này cho phép tác vụ sao lưu dữ liệu và cài mới iOS trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
iOS 5 cũng ra đời cùng hệ thống Notification Center và một thanh thông báo hữu ích. Người dùng giờ đây có thể tương tác với các thông báo ngay cả khi họ đang sử dụng ứng dụng.
Một số tính năng lần đầu tiên xuất hiện khác cũng phải kể đến như iMessage, Newsstand, khả năng sáp nhập với Twitter, ứng dụng Reminders với khả năng đồng bộ hóa dữ liệu với iCal và Outlook cùng tính năng Split Keyboard được bổ sung cho iPad.
Trước đây, đồng bộ hóa dữ liệu máy với iTunes đồng nghĩa với việc bạn không thể sử dụng thiết bị trong khoảng thời gian đó, với iOS 5, người dùng có thể sử dụng máy thoải mái ngay cả khi đang tiến hành đồng bộ.
Một số thay đổi nhỏ cũng được thêm vào ứng dụng chụp hình như các tính năng chỉnh sửa cơ bản đồng thời cho phép chụp hình khi nhấn phím tăng giảm âm lượng.
iOS 6: Apple Maps và Passbook - 2012
iOS 6 chứng kiến sự xuất hiện của hệ thống bản đồ đầu tiên "chính chủ Apple". Đây là bước tiến quan trọng của Apple trong việc cố gắng thực sự thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Google. Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra không theo ý muốn khi Apple Maps mắc phải rất nhiều lỗi cùng sự thất vọng của người dùng.
Với phiên bản iOS mới này, Apple cũng giới thiệu Passbook – bước chân của “trái táo khuyết” vào sân chơi ví điện tử và thanh toán di động.
Được biết, Apple đã có thêm đến 200 cập nhật mới với phiên bản iOS mới này và một trong số đó điểm tên:
- Cập nhật cho Siri.
- Photo Stream thông qua iCloud.
- Nhiều tùy chọn chia sẻ qua hệ thống.
- Giao diện mới cho App Stores.
- Safari với các tab iCloud.
- Tính năng nhắc nhở gọi lại hoặc trả lời tin nhắn.
- Chế độ Do Not Disturb.
- Chụp ảnh Panorama.
- Sáp nhập Facebook cho phép cập nhật trạng thái qua một nút bấm trên thanh thông báo.
iOS 7: Giao diện mới, tính năng mới - 2013
Buổi tường thuật trực tiếp sự kiện đang được diễn ra tại đây. Hãy truy cập để tìm hiểu thêm về iOS 7 nhé!