Chúc mừng sinh nhật TCP/IP - Tiền thân của Internet

Cú Mèo, Theo Mask Online 00:15 05/01/2013

Công cụ đưa mạng Internet gần với con người đã chính thức bước sang tuổi thứ 30.

Khi tiếng pháo hoa giao thừa nổ đì đùng trên khắp thế giới để chào đón một năm mới, người người gửi những lời chúc an lành cho nhau trên các mạng xã hội, đó là lúc Internet đạt đến một cột mốc quan trọng của chính mình: sinh nhật lần thứ 30.

Ngày 1 tháng 1 đánh dấu kỉ niệm lần thứ 30 kể từ khi tất cả các máy tính hỗ trợ ARPANET (tiền thân của mạng Internet bây giờ) thực hiện cú chuyển đổi lịch sử sang một công nghệ mới có tên TCP/IP. TCP là viết tắt của Transmission Control Protocol (tạm dịch: Giao thức điều khiển truyền vận) còn IP là viết tắt của Internet Protocol (tạm dịch: Giao thức liên mạng). Hai công nghệ mới này kết hợp với nhau thực hiện nhiệm vụ truyền tải các gói dữ liệu từ một máy tính có kết nối Internet đến một máy tính khác.

Chúc mừng sinh nhật TCP/IP - Tiền thân của Internet 1

Vint Cerf, phó chủ tịch Google, đồng sáng lập công nghệ TCP/IP mới đây có viết trên blog của mình: “Trước đây, không có một thứ ngôn ngữ chung nào cả. Mỗi một loại mạng lưới sử dụng công nghệ giao tiếp của riêng mình để truyền tải các gói dữ liệu, việc trao đổi thông tin giữa các mạng lưới khác nhau là điều không thể.” Thật vậy, hãy tưởng tượng một thế giới không “nói chung ngôn ngữ Internet” của ngày hôm nay, hẳn sẽ có rất nhiều điều bất tiện nảy sinh.

TCP/IP đóng một vai trò quan trọng trong sự ra đời của Gopher vào năm 1991, một ứng dụng cho phép tải về các tài liệu thông qua Internet. Gopher được coi là tiền thân của Web hiện đại, mặc dù cùng lúc đó Tim Berners-Lee – được coi là người sáng lập ra công nghệ Web – cũng đang phát triển ngôn ngữ HTML.

Chúc mừng sinh nhật TCP/IP - Tiền thân của Internet 2

Không dừng lại ở đó, giao thức mà Cerf cùng các cộng sự sáng tạo ra cũng cho phép truyền tải các nội dung số. Sau khi Berners-Lee “khai sinh” World Wide Web, một công ty có tên Real đã xuất xưởng chương trình có tên RealAudio vào tháng Tư năm 1995 – chương trình đầu tiên có khả năng  thu và nhận các nội dung trực tiếp.

Thế còn các công nghệ tương tự như Skype thì sao? Chúng cũng không thể tồn tại nếu không có Internet. Skype sử dụng giao thức TCP/IP để điều hướng các cuộc gọi âm thanh hay video đến đúng địa chỉ người nhận.

Chính vì tác dụng to lớn của mình, các ứng dụng của TCP/IP trở nên phổ biến và phát triển đến mức Internet không có đủ địa chỉ để cung cấp cho các thiết bị. Đáp ứng như cầu này, tháng Sáu năm 2012, IPv6 đã ra đời, mở rộng số địa chỉ hiện có từ 4,3 tỷ đến con số khổng lồ 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456.

Chúc mừng sinh nhật TCP/IP - Tiền thân của Internet 3

“Tôi cảm thấy may mắn vô cùng khi được tham gia vào sự phát triển của Internet, giống như bất cứ ông bố, bà mẹ nào nhìn đứa con mình lớn lên. Chúng ta hãy cùng nâng cốc chúc mừng Internet – Chúc cho công nghệ lịch sử này sẽ còn kết nỗi chúng ta dài lâu.” – Cerf chia sẻ.

30 năm xây dựng và phát triển, chẳng có thước đo nào có thể đong đếm hết những gì Internet mang lại cho cuộc sống của con người. Nếu có thể bạn hãy thử một ngày không sử dụng Internet để thấy được hết tầm quan trọng của nó với cuộc sống của mình. Và nếu bạn đang đọc bài báo này, hãy cảm ơn và gửi một lời chúc mừng sinh nhật đến Internet vì đã kết nối chúng ta!