8 tình huống hơi... sai khi xem "Cô Ba Sài Gòn" mà khán giả phải tự lý giải!

Hà Mạnh, Theo Trí Thức Trẻ 16:52 14/11/2017
Chia sẻ

Khi thưởng thức tác phẩm điện ảnh "Cô Ba Sài Gòn" đang gây sốt ngoài rạp, ngoài việc giải trí, bạn cần phải có thêm trí tưởng tượng bay bổng trước những tình huống mà nhà làm phim đánh đố.

Sau Ngày nảy ngày nayTấm Cám: Chuyện chưa kể, người ta đã đoán trước phần nào công thức chế biến của các bộ phim do Ngô Thanh Vân sản xuất: vừa chứa yếu tố kỳ ảo, hư hư thực thực; dứt khoát phải có một chút tính hoài cổ/cổ trang, kèm diễn biến dễ gây chóng mặt và rồi giải quyết cao trào nhanh như cho con nít ăn kẹo. Vậy nên, đến khi Cô Ba Sài Gòn xuất hiện – công chúng hồ nghi về tính liền mạch, logic của một bộ phim "phi logic" - gọi sang hơn là thể loại xuyên không. Ở thời điểm ngoài rạp chẳng có bộ phim nào ổn như hiện nay, mua vé xem Cô Ba Sài Gòn là lựa chọn xem ra hợp lý, vừa thư giãn lại vừa… tập thể dục não!

Thế nhưng, khi ca khúc Cô Ba Sài Gòn do Đông Nhi trình bày cất lên, nhiều người vẫn còn đang "Ớ, thế thôi á?" vì chưa kịp hiểu mạch truyện thì đã hết phim. Có rất nhiều tình tiết mà nhà sản xuất nhấn nhá, kỳ công xây dựng tưởng là rất kỹ nhưng hóa ra chỉ là phù phiếm. Sau đây là 10 tình huống tạm thời chưa có câu trả lời, chỉ là giả thuyết để hợp lý hóa tác phẩm điện ảnh này.

1. Ngôi nhà không có đàn ông?

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 1.

Nếu bạn rảnh quá và muốn tìm hiểu thêm về dòng dõi nhà may Thanh Nữ, hay cụ thể hơn – cha của Như Ý là ai, bạn sẽ thấy có nhiều người cũng rảnh giống bạn. Không chỉ cô Thanh Mai làm "single mom", mà truyền nhân của cô là Thanh Loan cũng không thấy chồng đâu dù đẻ được hai người con. Phải chăng vì muốn đề cao sức mạnh của hội chị em phụ nữ mà Cô Ba Sài Gòn vắng luôn cánh đàn ông trong nhà?

Thật ra có rất nhiều cách để lý giải điều này. Nếu cần yếu tố logic, nhà sản xuất có thể tận dụng bối cảnh xã hội năm 1969 - một thời kỳ lịch sử đầy biến động để giới thiệu về thân thế, gia đình cô Thanh Mai. Một gia đình 9 đời làm nghề may, nổi tiếng nhất đất Sài Gòn thì nên cho khán giả thấy truyền thống của nhà này, bậc cha chú làm gì, ở đâu thay vì chỉ có mỗi hai mẹ con. Đơn giản nhất, khi cô Thanh Mai qua đời, bức di ảnh của cô có thể đặt cạnh di ảnh của người chồng thay vì cô đơn lạnh lẽo trên bàn thờ.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 2.

Ví dụ như thế này? Nhưng tấm này có xuất hiện trong phim không thì phải xem kĩ lắm mới biết

Nếu bạn không thích lối suy nghĩ đơn giản kể trên, hãy mua vé xem vở Ngôi nhà không có đàn ông ở sân khấu Idecaf. Bạn sẽ thấy hình tượng một bà chủ tiệm may y chang trong phim có mối hận thù sâu sắc với đàn ông, thế nên tất cả các cô con gái trong nhà đều được nuôi dạy để tránh xa "giống loài hạ đẳng" ấy. Hình như đoàn làm phim Cô Ba Sài Gòn bị ám ảnh vở kịch này, nên các thế hệ nhà may Thanh Nữ từ Như Ý, Thanh Loan cho đến Helen trẻ trung xinh đẹp đều không bao giờ có bóng đàn ông lảng vảng xung quanh.

2. Cô Thanh Mai hiền hay dữ?

Người đàn bà không cười có tên Thanh Mai lúc nào cũng mang cặp kính trễ loại giống mượn của bà Phương trong phim Sống chung với mẹ chồng, thế nên ai cũng tưởng bà này kẻ tám lạng người nửa cân với bà Phương. Vai diễn mới nhất của Ngô Thanh Vân có tạo hình đẹp đến nỗi được mang ra diễn lại ở Vietnam International Fashion Week, với ánh mắt sắc lạnh khiến tất cả mọi người đều chuẩn bị tâm lý đi xem mụ Dì ghẻ một lần nữa.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 3.

Nhưng vào phim, người ta cứ chờ mãi, chờ mãi cái cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của bà chủ nhà may Thanh Nữ mà chẳng thấy đâu. Dĩ nhiên là cô Thanh Mai cũng hung dữ đấy, nhưng nửa vời, lúc dễ lúc khó so với vẻ bề ngoài cáu kỉnh, khó chịu với cây thước lăm lăm trên tay của mình. Còn nhớ chi tiết cây thước kẻ được quay đặc tả trên mặt bàn khi Thanh Mai cãi nhau với cô con gái ương bướng Như Ý, cứ tưởng điều đó ám chỉ một trận đòn nhừ tử, hóa ra chỉ là cú đánh "phủi bụi". Cách lý giải cho tình huống này hợp lý hơn cả là đả nữ thấy một con ruồi đậu lên áo Ninh Dương Lan Ngọc bèn dùng thước xua đi.

Trong những cuộc cãi nhau giữa hai mẹ con đến xô đổ bát đĩa ấm chén ấy, người ta chỉ thấy một bà mẹ hiền từ đến nhu nhược, phảng phất bóng dáng của mụ dì ghẻ khi phân công người đi dọn hậu quả là cô con nuôi. Vụ ẩu đả lớn nhất là cái tát giáng trời của Ngô Thanh Vân chuyển từ mặt Hạ Vi sang mặt Lan Ngọc, nhưng lần này tát xong thì lại thấy cô Thanh Mai khóc nức nở như lần đầu tiên dùng vũ lực. Túm lại thật khó để hiểu được tính cương – nhu của bà mẹ này.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 4.

3. Khả năng tái hòa nhập cộng đồng của Như Ý

Lạc trôi từ năm 1969 đến năm 2017, người ta rất dễ phát điên. Để chứng minh điều này, đoàn làm phim đã để Như Ý mặc áo dài gấm chạy như ma đuổi giữa đường phố Sài Gòn hoa lệ, vừa đi vừa la hét, vừa gây ách tắc giao thông. Nếu là bạn thì chắc bạn cũng sẽ giống Như Ý thôi, phải chạy thục mạng, chạy càng nhanh càng tốt, vì "những đoạn đường dài mà ta qua đều gợi lại nhiều điều quý giá…".

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 5.

Chạy xong và đã thấm mệt, Như Ý sẽ dành thời gian ra để trải nghiệm nét văn hóa pha với sự năng động ở thế giới tương lai. Mặc dù vậy, điều đầu tiên cần làm là đánh vào lĩnh vực bất động sản, để nếu lỡ không trở về được quá khứ thì còn có cái nhà ở Quận 1 mà đăng ký tạm trú dài hạn. Sau đó cô mới đi ăn gà rán, sử dụng điện thoại smartphone, lên google nghiên cứu tình hình thời trang quốc tế. Chẳng thế mà dù tay trắng đi làm thuê cho Helen, Như Ý vẫn có quần áo mới để diện mỗi ngày và dẫn cả nhà đi ăn một bữa hoành tráng mừng tháng lương đầu tiên – chính là nhờ ở khả năng thích nghi nhanh chóng chứ nhờ gì?

4. Helen là fan cuồng của Meryl Streep?

Thời trang có đạo nhái. Âm nhạc có vay mượn. Cớ gì điện ảnh không thể bê y nguyên một phân đoạn kinh điển của phim khác về diễn lại? Trong giới chuyên môn, người ta gọi cảnh Diễm My 9x xuất hiện trong phim Cô Ba Sài Gòn là parody của Meryl Streep trong The Devil wears Prada. Đầy đủ các nhân vật nhé: Lan Ngọc là Anna Hathaway, Tùng Leo là Stanley Tucci, Kaylee là Emily Blunt, cốc cà phê là cốc cà phê.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 6.

Nhưng để giải quyết vấn đề này mà không bị chửi, nhà sản xuất sẽ nói đây là cảnh "lấy cảm hứng" từ bộ phim thời trang nổi tiếng thế giới. Cách này xem ra không khéo mà lại càng hút lượt "chửi" thậm tệ từ các fan của Yêu nữ hàng hiệu. Có một cách khác vừa để hợp lý tình tiết phim, vừa để không ai chửi đấy là để Helen hô lên một câu: "Ôi, thấy chị giống Meryl Streep hông?!?", thay vì nhắc đến một loạt tên tuổi vô nghĩa khác.

5. Nhan sắc Như Ý, Thanh Loan chống lại thời gian!

NSND Hồng Vân sinh năm 1966, nghĩa là năm nay cô mới 51 tuổi, còn năm 1969 thì cô mới… 3 tuổi. Người đẹp không tuổi Diễm My 6x năm nay 55 tuổi, quá trẻ để làm một thiếu nữ Sài Gòn tung bay tà áo dài 50 năm trước. Chẳng điều gì có thể lý giải được sự phi thường này ngoài việc các cô đều trẻ đẹp tự nhiên, vào vai hơn 70 tuổi mà vẫn thoăn thoắt trèo ghế tự tử hay nốc rượu chấp cả đám thanh niên.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 7.

Nhưng còn điều này thì có thể lý giải, Thanh Loan thời trẻ nói giọng Sài Gòn nhưng về già lại chuyển sang giọng Bắc. Có lẽ năm tháng trôi đi, trải qua nhiều va vấp, sóng gió cuộc đời đã đưa cô vào Nam ra Bắc và từ đó chúng ta có được Thanh Loan sang trọng, lộng lẫy nói giọng Bắc hôm nay.

6. Bí kíp học may gia truyền, được cả bộ sưu tập sau một đêm

Tấm thiệp mời tham dự buổi công chiếu phim Cô Ba Sài Gòn cũng chính là tờ giấy ghi lại công thức may áo dài gia truyền 9 đời nhà may Thanh Nữ. Chỉ cần có được tờ giấy ấy và học thật kỹ là bạn sẽ may được một bộ sưu tập áo dài để tổ chức một show diễn thời trang hoành tráng với sự tham gia của siêu mẫu Hà Anh (vai Trang Ngô – ngôi sao số một Sài Gòn) trong vai trò verdette.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 8.

Nhưng bạn biết gì chưa, khi bạn lười học bài nhưng thi trúng tủ, đạt được điểm số cao, hãy cầm lấy một cái micro và xin mời mọi người xung quanh lắng nghe bài phát biểu của bạn. Không khí cả hội trường sẽ trầm xuống, spotlight dành riêng cho bạn kể lể về bản thân khoảng 20 phút. Câu cuối cùng là: "Mọi người ơi, tôi đã may được áo dài rồi" dù bạn vừa show cho cả thế giới thấy 50 mẫu áo dài đủ mọi màu sắc, kiểu dáng trong một bộ sưu tập may vội đêm hôm trước.

7. An Khánh giấu viên ngọc để làm gì?

Trong phim có chi tiết An Khánh trong lúc quét dọn đã vô tình tìm thấy viên ngọc đã đưa Như Ý xuyên không đến thời hiện đại. Khi nhìn thấy, thay vì đưa cho Như thì cô đã vội giấu đi. Đến đây, người xem mơ hồ đoán được những mâu thuẫn sẽ xảy ra sau đó. Chẳng hạn như việc Như Ý vô tình phát hiện An Khánh giấu ngọc mà không đưa lại để mình trở về nhà. An Khánh thì muốn Như Ý ở lại để hoàn thành xong bộ sưu tập áo dài và cứu nhà may Thanh Nữ. Mâu thuẫn sẽ tắt khi Như Ý quyết định ở lại may đến khi xong xuôi mới trở về. 

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 9.

Thế nhưng, rốt cuộc chẳng có mâu thuẫn nào xảy ra cả. Chỉ sau vài phân cảnh, An Khánh đã trả luôn viên ngọc lại cho Như Ý. Như Ý thì nhận viên ngọc như thể cuối cùng mình sẽ tìm được nó và trở về thời hiện đại một cách hiển nhiên. Chi tiết này vừa khiến phim bị thừa và bị thiếu, viên ngọc cũng trở thành một vật vừa quan trọng vừa không quan trọng. Trong khi nếu tập trung khai thác hơn thì phần cảm xúc đã dày hơn. 

8. Cô Thanh Mai bị bệnh đa nhân cách?

Lại là cô Thanh Mai! Nếu ở bên trên đã phân tích cô này hiền hay ác, thì càng về phần sau của phim, ta càng thấy cô thật sự khó hiểu. Cái chết của cô Thanh Mai đến trong tích tắc. Vào một ngày đẹp trời, cô Thanh Mai mặc áo dài loại siết chặt eo đến khó thở, tóc búi cao như vừa xịt hết một lọ keo. Bỗng cô bị ho hai lần, rồi cô ngã ra sàn nhà và trút hơi thở cuối cùng bên tiếng gào khóc của con nuôi Thanh Loan. Dù mất đi nhưng cô vẫn phải đẹp lộng lẫy và không hề có dấu hiệu của bệnh tật trước đó.

8 tình huống hơi... sai khi xem Cô Ba Sài Gòn mà khán giả phải tự lý giải! - Ảnh 10.

Như Ý quyết định trở về gặp mẹ Thanh Mai trước khi quá muộn. Khi Như Ý lại gần thì mẹ Thanh Mai mới nhận ra hôm nay Như Ý mặc áo dài chấm bi, liền chuyển trạng thái khóc rưng rức vì con gái đã biết may áo dài. Vừa khóc nức nở, cô vừa chạm lên tấm áo, liền được con gái tặng cho một cái chấm bi giống hệt. Sau đó hai mẹ con mặc áo dài và nhảy nhót đến hết phim?!

Nói chung thật khó để hiểu khi nào cô Thanh Mai vui hay buồn, mới buồn đó mà cô lại nhảy nhót ngay được. Nhưng thôi, dù sao Như Ý cũng đã trở về và thực sự Như Ý vắng nhà bao nhiêu ngày cô cũng không quan tâm lắm! Điều quan trọng bây giờ là liệu Như Ý có làm thay đổi tương lai không? Khi Như Ý đã trở thành truyền nhân thì số phận con gái nuôi Thanh Loan trôi về đâu? Và còn rất rất nhiều thắc mắc nữa xoay quanh bộ phim Cô Ba Sài Gòn đang chờ bạn tự liệt kê ra và thử thách sự sáng tạo của bản thân mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày