Việt Nam, nói không ngoa là chẳng ai có thể tự vỗ ngực rằng mình là một tín đồ thời trang chính hiệu nếu chưa một lần được nghe đến tên, được nhìn tận mắt các sáng tạo của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí
Báo giới gọi Công Trí là "người anh cả của làng mốt Việt". Katy Perry hay Rihanna cũng đã tìm đến anh. Thế nhưng, vẫn giữ lối khiêm nhường đến lạ, Công Trí cho rằng ngần ấy thành công cũng chỉ như cách anh trả lễ cái sự tự học trong suốt ngần ấy năm của chính mình.
Có được cái lịch gặp mặt với NTK Nguyễn Công Trí, theo ý kiến cá nhân, ắt là cơ duyên. Lẽ thường anh đã bận. Vào đến quý cuối năm thì ắt khối lượng đồ sộ công việc của anh chẳng thể cho phép những buổi tâm tình thế này.
Nhưng anh đã đến rất đúng giờ. Và như thường lệ, diện mạo anh luôn khiến cho người viết cảm thấy đôi chút hay ho lạ kỳ, đối lập với tưởng tượng về giới thiết kế luôn đắm mình trong bay bổng: lúc nào cũng sơmi với quần tây, mái tóc chải chuốt gọn ghẽ như biểu hiện của một con người luôn nghiêm túc trước mọi thế sự, cặp kính dày phần nào nhấn mạnh tính cách ôm đồm với công việc của NTK tài danh này. Khuôn mặt này luôn ở trạng thái "tĩnh": nét rất hiền, hay cười khẽ, ánh mắt nhìn thẳng. Thần khí toát ra tựa một… doanh nhân thành đạt hơn là nhà thiết kế sở hữu bộ óc sáng tạo nhất nhì nước Nam ta.
Cái cách anh vận hành cuộc sống và 3 thương hiệu của mình: Kin Concept, Công Trí và Nguyễn Công Trí cũng khiến người ta phải nể phục. Mỗi thương hiệu ứng với một đối tượng khách hàng khác nhau, mang một dấu ấn phong cách khác nhau. Và để nuôi nấng được cả 3 cái tên này trong 1 vòng tay, NTK Công Trí luôn làm việc không ngừng nghỉ: bắt đầu tập trung xử lý mọi sự vào lúc 9h sáng và nối tiếp cả ngày đến… 12h đêm. Thói quen này đeo bám ngót cả một thập niên đổ lại đây.
Và đền đáp nỗ lực đó là một chuỗi những thành tựu cứ trải dài từ năm 2000 cho đến nay. Báo giới Việt Nam tán tụng Nguyễn Công Trí là "Người anh cả của làng mốt Việt". Tờ Independent của Anh Quốc nhận định rằng Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế tiên phong trong quá trình thay đổi diện mạo nền thời trang đương đại của Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Vogue của Mỹ thì khẳng định anh là nhà thiết kế Việt duy nhất chạm đến đường biên thật sự của thời trang cao cấp (Haute Couture), với những sáng tạo khơi gợi cảm xúc của người xem.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là, Nguyễn Công Trí nghĩ gì về chính mình?
10 năm trôi qua vẫn chỉ như một cậu học trò
Tôi có theo dõi NTK Nguyễn Công Trí trên các trang mạng xã hội, đọc đều đều các dòng trạng thái của anh và rút ra kết luận một cách dễ dàng: anh là một người khiêm nhường thực sự.
Không nói nhiều về bản thân. Không gạch chân tô hồng các thành tựu. Không phô trương và cũng chẳng một lời than vãn, chung quy là ngoài những đứa con tinh thần của mình thì NTK gốc Đà Nẵng này thuộc vào dạng kiệm lời đến mức bậc thầy. Và đến khi được tiếp xúc với anh, suy tưởng trên chẳng hề sai chút nào. Trong lối đối thoại của anh thường dùng chính tên của mình để xưng thay, giọng điệu nhỏ nhẹ, hầu như không có một nốt cao nào trong âm vực.
Qua bao thăng trầm, bề dày thành tích khó đong đếm được là thế mà NTK Công Trí vẫn luôn tự nhận rằng mình chỉ là một cậu học trò mới hoàn thành xong dấu mốc 10 năm tự học. Nay thì anh còn là một nhà khởi nghiệp, với tuyên ngôn vạch sẵn trong đầu: Sáng tạo hay là Chết.
2017 là một năm có quá nhiều thành công đối với cái tên Nguyễn Công Trí. Liệu đây có phải là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của anh hay không?
Mọi người có thói quen đánh giá thành tích dựa trên các sự kiện quan trọng của người nghệ sĩ hay nhà thiết kế. Đối với Trí thì năm nay có nhiều hoạt động trên trường quốc tế, đâm ra mọi người lại thấy có sự trội bật hơn so với các năm trước mặc dù mỗi năm Trí luôn thấy mình phải cố gắng hết mình, giải quyết số lượng công việc khổng lồ theo đúng mong đợi.
"Em Hoa" là BST thứ 10 trong chuỗi các BST xuyên suốt 10 năm qua. Quay ngược về 10 năm trước, Trí đã tự đặt thử thách cho bản thân là 10 BST – tựa như 10 đề bài đối với bản thân mình. Mỗi BST dựa trên 1 ý tưởng khác nhau, phong cách khác nhau và lối tìm tòi sáng tạo khác nhau. Có thể nói "Em Hoa" là cái kết cho 1 thập niên vừa qua của Trí. Qua đó Công Trí muốn chứng minh rằng bản thân luôn sáng tạo và nỗ lực không ngừng.
Có phải vì mỗi BST tuân theo một phong cách, một ý tưởng khác nhau nên đâm ra cái nét, cái nhận diện thương hiệu của Công Trí có hơi mờ so với các NTK khác?
Với Trí thì hơn 10 năm qua vẫn là quãng đường mình tự học, tự tìm ra dấu ấn cho bản thân. Hoàn thiện 10 BST thì Công Trí cảm thấy như mình được làm mới trở lại, giống 1 cậu học trò vừa tốt nghiệp vậy. Giờ đây Trí muốn hướng đến lối sáng tạo vượt qua mọi nguyên tắc.
Sức sáng tạo mà không được trau dồi thì dùng dần cũng cạn. Anh làm thế nào để giữ được lửa cho bản thân?
Mỗi người có một cách riêng để khơi nguồn cảm hứng. Với Trí thì đó là những điều gần gũi thân quen đập vào mắt mỗi ngày, thăng hoa nó, biến nó trở thành những nét thú vị trong các BST. Cuộc sống luôn thiên biến vạn hóa từng ngày, chất xúc tác cho cảm hứng cũng vì thế mà luôn luôn mới lạ chứ đâu có gì khó khăn.
Vì sao các thiết kế Haute Couture của Nguyễn Công Trí luôn bí mật về mức giá?
10 năm qua Công Trí ra mắt 10 BST, mỗi BST tầm 40 look thì vị chi cũng đến 400 thiết kế Haute Couture. Đa phần thì Trí không bán, chỉ đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng thân thiết hay khách nước ngoài.
Ngoài ra thì Trí cũng nghĩ đến việc tổ chức một cuộc triển lãm. Qua đó mọi người có thể đến và chiêm ngưỡng một chặng đường làm nghề của mình.
Vì sao các BST gần đây của anh đều được trình diễn bởi người mẫu ngoại quốc? Phải chăng mẫu Việt không đáp ứng được tiêu chuẩn của Nguyễn Công Trí?
Nào phải mẫu Việt không đủ tiêu chuẩn, mà Trí sắp xếp như thế nhằm thuận lợi cho show diễn của mình. Với số lượng các show khá cao lại liên tiếp nhau, số lượng mẫu Việt khó lòng mà đáp ứng hết. Chưa kể mỗi nhà mốt đều có các layout tóc và trang điểm riêng. Việc Trí chọn người mẫu ngoại quốc nhằm tạo thế chủ động nhất, không ảnh hưởng đến bất kỳ bên nào.
2 mùa vừa rồi bên Công Trí đều chọn người mẫu quốc tế và sắp tới vẫn sẽ như thế. Có thể xem đây như một dấu ấn riêng.
Thời trang Việt hiện vẫn còn sa đà vào lối minh họa. Chẳng hạn, đặt tên là Hoa thì ắt phải in Hoa lên. Đó có phải là biểu hiện của sự thiếu sáng tạo?
Trí chỉ có thể khẳng định rằng cách mình thể hiện hay định hướng làm nghề không theo hướng đó. Thực ra thì cái tên hay chủ đề chỉ là cách để khơi gợi xúc cảm, giúp chúng ta thăng hoa hơn. Trên trường quốc tế thì các BST của thương hiệu lớn thậm chí chẳng cần đến cái tên, chỉ đơn thuần là Xuân-Hè hoặc Thu-Đông.
Bây giờ các NTK trong nước còn thường xuyên tố nhau là ăn cắp ý tưởng. Anh có thấy như vậy giống một cái chợ?
Đó là quyền cá nhân riêng của mỗi người. Ai cũng có thể nêu lên chính kiến của mình, chúng ta không cần phải đặt nặng lẽ đó. Với Trí thì Trí chỉ muốn tập trung vào công việc của mình mà thôi.
Còn nếu ngay cả chính anh cũng bị nhái thì sao?
Trường hợp đó cũng nhiều. Không biết người khác nghĩ sao chứ Trí thấy bình thường. Bảo khó chịu thì không, mà nếu nói cảm thấy vui vui thì thành ra kỳ.
Điều đó phần nào chứng minh rằng sáng tạo của Trí được mọi người cho là đẹp, họ thích và ủng hộ. Và Trí hoàn toàn có thể sáng tạo nên những thứ mới mẻ hơn, thú vị hơn.
Theo anh, sự xâm lấn của Zara hay H&M có phải là dấu mốc gây ảnh hưởng mạnh đến thời trang Việt hay không?
Khi chúng ta hội nhập và mở cửa thì ắt sẽ có nhiều nền văn hóa khác nhau, những dòng mặt hàng tiêu dùng khác xâm nhập vào thị trường. Với Trí thì đây là một tín hiệu tốt. Nó tạo nên tính sôi động của thị trường, sự cạnh tranh cũng vì thế mà khốc liệt hơn.
Người ta hay bảo "Thời thế sinh anh hùng". Từ những cam go sẽ nảy sinh ra nhiều thương hiệu hay nhà thiết kế tài năng.
Nghe NTK Công Trí bàn về thời trang thì ngày dài tháng rộng chẳng hết, nhưng nếu đặt câu hỏi về chính bản thân anh thì thường, bạn sẽ nhận được những câu trả lời khá… mơ hồ. Thì rõ, anh là tuýp người thích để thành công lên tiếng thay vì tự bạch cá nhân. Điều này cũng khác lạ bởi trong giới nghệ sĩ bấy lâu nay, ai cũng thích được giãi bày, ai cũng thích được nâng cao quan điểm, ai cũng thích được lắng nghe… thế mà riêng anh thì cuộc sống riêng tư trước triệu cặp mắt công chúng vẫn chỉ như một tấm màn dày chình chịch trên sân khấu mỗi khi chuyển cảnh.
Họa chăng, anh sẽ nhận mình là một con người với bề ngoài thì lạnh, trái tim thì nóng. Có lẽ hiếm ai đủ thân cận để tiếp xúc được hơi nồng ấm từ tim anh, và chúng ta cũng chưa có may mắn đó.
Ngoài cái danh là nhà thiết kế, ngoài những bộn bề quanh vải vóc thì Nguyễn Công Trí là ai?
Mỗi thời điểm Trí sẽ có những xúc cảm và cách sống khác nhau. Ngay tại thời điểm này, công việc đã chiếm của Trí đến 90% cuộc sống.
Cũng có người hỏi Trí rằng, mơ ước của Trí là gì? Nếu bình dị nhất thì đó là một ngày chủ nhật thật sự thoải mái, không bị áp lực công việc, tuỳ ý ngủ nướng, nghỉ ngơi, đi chơi, đầu óc hoàn toàn không còn nghĩ đến công việc.
Đôi lúc Trí tự hỏi, không biết nó có phải là căn bệnh hay chăng mà ngấm vào máu mình rồi. Du lịch cũng nghĩ đến công việc. Đến cả đi shopping cũng nghĩ đến công việc.
Cuộc sống của Nguyễn Công Trí là như thế, không có gì khá hơn hay thú vị hơn.
Chẳng bao giờ công chúng thấy Công Trí than phiền. Phải chăng anh không biết mệt?
Mệt mỏi thì ai cũng có lúc. Trí cũng chỉ là một con người bình thường thôi. Với Trí thì cái gì cho qua được thì cho qua.
Thi thoảng cũng có những lúc Trí muốn thổ lộ cảm xúc trên các trang mạng xã hội. Nhưng chắc do nghị lực bản thân khá cao nên rồi cũng xóa đi, coi mọi thứ nhẹ nhàng lướt qua.
Thành công thường đi đôi với cô độc. Anh Công Trí có như thế?
Điều đó hoàn toàn đúng.
Ai cũng muốn mình được điều đó, nhưng Trí cũng vẫn chưa leo được đến cái đỉnh cao đó để cảm nhận rõ sự cô độc. Mới lưng chừng đã thấy gió vù vù là sợ lắm rồi, còn tính đến chuyện leo xuống hay đi ngang cho lành (cười).
Có người truyền đạt lại với Trí rằng, trên đó lồng lộng, ắt rất là dễ rơi.
Nhìn đi nhìn lại qua bao năm tháng, có phải còn mỗi Thanh Hằng vẫn mãi bên anh?
Các BST mà Trí ra mắt tại Việt Nam thì hầu hết đều có Hằng chốt ở vị trí vedette. Giữa Trí và Hằng có tình bạn thân thiết từ ngoài đời cho đến công việc.
Trí còn nhớ mãi ấn tượng lần đầu về Hằng. Khi đó Hằng mới giành giải Hoa Hậu PNVN qua ảnh, rất mộc mạc và hồn nhiên vô tư. Đến bây giờ Hằng vẫn giữ được nhiều nét tính cách mà Trí mê từ xưa.
Đến năm 60 tuổi, anh vẫn muốn làm Công Trí – số 1 của Việt Nam chứ?
Trí không nghĩ vậy.
Ngày nào mình còn làm nghề, còn sáng tạo được, may nên những bộ trang phục đẹp giúp cho khách hàng tự tin hơn thì Trí vẫn cần mẫn tìm tòi và làm việc như bao ai khác.
Dù vẫn băn khoăn không biết khi ấy cái tên Nguyễn Công Trí đang ở đâu, nhưng chỉ cần vẫn có trong tay một tiệm may nhỏ thì Trí không nản lòng.
Hơn hết, Trí cũng nghĩ rằng dù ở lứa tuổi nào thì mình cũng tìm thấy niềm vui ở chính lứa tuổi đó.
Thế anh Trí đã nghĩ đến chuyện đào tạo lớp kế cận?
Mọi người ít ai biết rằng suốt 10 năm nay, Trí đã làm giám khảo cho bao cuộc thi lớn nhỏ về mảng thiết kế thời trang. Chính Trí đã tìm tòi, mài giũa nên những viên ngọc quý thông qua việc giúp đỡ, định hướng các bạn trẻ trong các cuộc thi.
Những cái tên mà Trí kể ra đây có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ, bởi họ chính là những tài năng do Trí nâng đỡ: Lê Thanh Hòa, Chung Thanh Phong, Hà Nhật Tiến, Lý Giám Tiền, Huy Trần… Cũng khá nhiều, và ngày nay họ đều thành công.
Thế đấy. Sau một cuộc hội thoại miên man, Nguyễn Công Trí bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn. Tự lý giải rằng sau những năm tháng ồn ào hào nhoáng, chắc hẳn NTK này đã nắm rõ phương thức để cân bằng cuộc sống. Anh muốn bản thân lặng im sau màn che, để khán giả tập trung hoàn toàn thị giác vào những sáng tạo phù hoa mà mình "mang nặng đẻ đau" như đứa con thực sự.
Nói cách khác, anh im lặng với chính mình để mang giọng nói đến cho thời trang Việt, lan tỏa nhịp điệu của làng mốt nước nhà đến với các nước bạn, và truyền cảm hứng cho tất thảy những ai đều đang chảy cùng dòng máu nóng với thời trang. Đó mới chính là thành công tuyệt vời nhất.