Trong một thời gian dài, bất kỳ tài năng trẻ Hàn Quốc nào cũng nói rằng, giải đấu mơ ước của họ là Bundesliga. Đơn giản vì đó là nơi cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại của xứ kim chi, Cha Bum-Kun đã chơi trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Đó là lý do sau Cha, có tới 14 cầu thủ người Hàn xuất hiện tại Bundesliga, bao gồm cả tiền vệ Koo Ja-cheol (Augsburg) và ngôi sao lớn nhất hiện tại Son Heung-Min. Vào năm 16 tuổi, Son được Thies Bliemeister, một tay môi giới cầu thủ, phát hiện và đưa đến Học viện Hamburg.
Sau đó, anh di chuyển lên đội một, tỏa sáng và chuyển đến Leverkusen, nơi Cha huyền thoại từng chơi. Nhưng chẳng bao lâu, BayArena trở nên nhỏ bé so với tài năng của Son. Anh đến Premier League, tiếp tục chứng minh đẳng cấp hàng đầu.
Và bây giờ, Son ghi bàn hạ sát tuyển Đức sau một pha bứt tốc rồi ghi bàn vào lưới trống. Trước đó, số 7 của Hàn Quốc là người thực hiện quả phạt góc đầy khó chịu, dẫn đến sự hỗn loạn trong vòng cấm và Kim Young-Gwon nhanh chân sút tung lưới Manuel Neuer mở tỷ số.
Không ai nghĩ rằng Đức, đương kim vô địch World Cup sẽ bị loại ngay từ vòng bảng. Bất chấp thất bại trước Mexico, họa có điên ai đó mới nghĩ rằng Die Mannschaft không vượt qua Hàn Quốc để dợm bước vào vòng knock-out.
Nhưng giờ thì nó đã xảy ra, trong một đêm điên rồ ở Kazan. Đội quân của Joachim Loew thống trị tuyệt đối dựa trên các con số thống kê. Họ cầm bóng tới 74%, thực hiện 697 đường chuyền, gấp gần 3 lần đối thủ (247) và tung ra 28 cú sút. Vấn đề là Đức không thể ghi bàn. Còn Hàn Quốc thì có. Thậm chí tới 2 lần.
Chưa bao giờ người ta thấy World Cup trở nên cân bằng như lần này. Các cường quốc không còn chiếm ưu thế tuyệt đối trong khi bất kỳ đội bóng nhỏ nào cũng có thể gây bất ngờ. Khoảng cách giữa các nền bóng đá xích lại gần nhau và World Cup trở thành cuộc chơi bình đẳng của 32 đội bóng, không phải một nhóm mạnh vượt trội như trước đây.
Đêm thứ Ba, một lần nữa điều này được chứng minh.
Lần đầu tiên gặp Hàn Quốc ở World Cup (năm 1994), Đức dễ dàng dẫn trước 3 bàn chỉ sau 37 phút. Đại diện châu Á ghi được 2 bàn trong khoảng thời gian cuối trận, nhưng đó là do Die Mannschaft nảy sinh tâm lý buông lơi vì đã chắc ngôi đầu.
24 năm sau, mọi thứ đảo chiều. Đức vật lộn cả đêm trước hệ thống phòng thủ kỷ luật và được tổ chức tốt của Hàn Quốc. Cuối cùng nhận lấy kết quả thảm khốc. Lần đầu tiên sau 80 năm họ bị loại ở vòng bảng World Cup. Còn Hàn Quốc, trở thành đội châu Á đầu tiên quật ngã Die Mannschaft ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Trong cuốn sách “Thế giới phẳng”, tác giả Thomas L. Friedman nói rằng thế giới đã bị “san phẳng” một cách sâu sắc, chấm dứt đặc quyền dẫn dắt của các cường quốc và trao cơ hội cho tất cả. Sự bùng nổ về công nghệ thông tin và kết nối, các cá nhân trên toàn cầu đều được trao quyền. Thế giới chuyển từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và cuối cùng bị san phẳng.
Tương tự trong bóng đá. Thời đại toàn cầu hóa khiến kiến thức trong môn thể thao này trở thành tài sản chung. Mọi quốc gia, dù nhỏ bé, đều có thể tiếp cận và học hỏi đến cùng các lợi thế mà trước đây bị độc quyền bởi những nề bóng đá lớn như Brazil, Anh hay Đức, sau đó mô phỏng phong cách hay hệ thống cũng như tư duy chiến thuật tiên tiến.
Bên cạnh đó, họ cũng tự trang bị cho mình những ngôi sao lớn bằng con đường du học. Như Son chẳng hạn. HLV Hàn Quốc Tae-Yong Shin từng nói: “Hồi mới biết Son, ấn tượng để lại trong tôi chỉ là cậu ta có tốc độ, còn những kỹ năng khác thì không có gì nổi bật. Nhưng một thời gian sau, Son không những nhanh mà còn đặc biệt khéo léo, ý thức chiến thuật tốt và dứt điểm hoàn hảo”.
Điều gì khiến Son thay đổi nhanh đến thế? Câu trả lời đến từ nước Đức. Các HLV ở Hamburg và Leverkusen, cùng với nền khoa học thể thao tiên tiến đã trui rèn nên một Son Heung-Min tốt như hiện tại, để có thể mang đến quá nhiều rắc rối cho các học trò của Loew và đến phút 90+6 vẫn đủ thể lực cho cú nước rút kinh hoàng và ghi bàn thắng.
Đức là nơi để người Hàn theo đuổi giấc mơ. Mặc dù nền bóng đá giữa hai nước vẫn còn một khoảng cách dài nhưng ít nhất, “Những chiến binh Taegeuk” đã hạ đo ván Die Mannschaft.
Liệu có phải Đức đã nuôi mầm họa và Son là kẻ phản bội lại đất nước mình mang ơn? Không, đó chỉ là một phần của xu hướng toàn cầu hóa. Và sự thất bại của Die Mannschaft xuất phát từ nội tại, khi đã không thay đổi để thích nghi, để rồi choáng ngợp trước sự thăng tiến quá nhanh của các đội bóng bị đánh giá yếu hơn.
Nói như Friedman, trong một sân chơi công bằng, “người khổng lồ cần phải làm cả những việc của người tí hon”. Nếu không kịp thời chuyển hướng và sẵn sàng cho một thế giới phẳng, những cường quốc sẽ lâm vào “một cuộc khủng hoảng trầm lặng”. Và tiếp tục duy trì cách tiếp cận với thái độ trịch thượng của kẻ bề trên, thất bại là tất yếu.
Ngược lại, cũng theo Friedman, kỷ nguyên mới cho phép “người tí hon có thể hành động như người khổng lồ”. Sau khi chiếm lĩnh và làm chủ nghệ thuật bóng đá, những đội bóng nhỏ không còn sợ hãi và cũng bỏ qua mặc cảm tự ti. Họ bắt đầu tham vọng hơn và vươn xa hơn.
Như đã thấy. Mexico khi đối diện với nhà ĐKVĐ Đức không hề có chút e dè. Họ gây sức ép, nỗ lực không ngừng để giành lại bóng và sau đó, tấn công mỗi khi có thể. Sự tự tin cũng có nhìn thấy ở Iran. Đội bóng châu Á đã tạo nên áp lực khổng lồ và suýt chút nữa nuốt chửng nhà vô địch châu Âu Bồ Đào Nha. Nhiều người tin rằng, nếu bàn thắng trên chấm phạt đền của Ansarifard đến sớm hơn chút nữa, chính Iran, không phải Ronaldo và các đồng đội, mới là người thắng cuộc.
Hoặc, bạn có tìm ra dấu hiệu nào về sự sợ hãi trên gương mặt các cầu thủ Nhật Bản, Peru, Iceland, Tunisia hay Hàn Quốc không? Chắc chắn là không. Trong quá khứ, họ là những vị khách của World Cup, đến để hít thở qua loa bầu không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh rồi ra về trong sự bẽ bàng. Bây giờ, họ đến để tìm chiến thắng. Ngay cả khi không thể, vẫn rời đi trong tư thế ngẩng cao đầu.
Peru, Morocco, Nigeria, Iran và Hàn Quốc, đã phải chia tay. Nhưng họ không thất bại, sau khi đã gây choáng váng cho các nhà quý tộc ở sân chơi World Cup và mang đến những đêm diễn bùng nổ cảm xúc cùng sự phấn khích tột độ. Trong những ngày này, công việc dự đoán kết quả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi quá nhiều màn trình diễn gây kinh ngạc, quá nhiều cú sốc, và quá nhiều giọt nước mắt từ những gã khổng lồ.
Còn quá sớm để nói rằng các quốc gia nhược tiểu vươn mình ngang hàng với thế lực thủ cựu. Và trong tương lai gần, rất ít khả năng nhìn thấy một đội bóng đến từ châu Á, châu Phi hoặc đại diện châu Âu hay Nam Mỹ mà không phải Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh, Italia và Brazil, Argentina đăng quang World Cup.
Nhưng ít nhất, sự trỗi dậy, trong một chừng mực nào đó, đang khiến cho World Cup trở nên đặc biệt hấp dẫn và đáng để đợi chờ.
Trước khi nó diễn ra, hầu hết đều lo ngại về một giải đấu nhàm chán bởi nó được tổ chức ở một quốc gia đứng thứ 70 trên BXH FIFA, lại thiếu vắng những tên tuổi lớn như Italia, Hà Lan, Chile trong khi khỏa lấp chỗ trống là Panama, Iceland hay Saudi Arabia. Nhưng không hề, thậm chí có thể nói, đây là một trong những kỳ World Cup hấp dẫn nhất.
Cho đến nay, chỉ 1 trận kết thúc với tỷ số 0-0 và 8 trận có cách biệt từ 3 bàn trở lên. Tỷ lệ bàn thắng bình quân mỗi trận là 2,64, cao hơn mức trung bình của 5 kỳ World Cup gần nhất (2,5). Có cảm giác rất rõ ràng rằng, bất cứ đội bóng nào cũng có thể ghi bàn, và bất cứ đội bóng nào cũng có thể chiến thắng.
Với xu hướng này, có thể tin rằng khi World Cup được nâng lên thành 48 đội, tính cạnh tranh cũng không mất đi. Và con đường đến ngôi vô địch của những đội bóng chưa từng vô địch cũng dần ngắn lại.
Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã tạo ra một thế hệ nhiều mơ ước thay vì sống với ký ức. Theo cái nhìn lạc quan của Friedman, đó là một thế hệ khi thức dậy mỗi buổi sáng, họ không chỉ tưởng tượng về những điều tốt đẹp, mà còn hành động trên sự tưởng tượng đó mỗi ngày.