Năm nào cũng vậy, cứ đến Trung thu, chúng ta lại nhắc nhau câu chuyện về những hoài niệm, về những giá trị xưa cũ. Có năm, ta cứ trách nhau tại sao Trung thu cứ quanh quẩn toàn những mặt nạ phù thuỷ, rồi các món đồ chơi nước ngoài màu mè. Riết rồi Trung thu là ngày lễ mà ai ai cũng ngóng chờ, nhưng khi đến thì rồi lại thấy... thiếu thiếu, thấy... sao sao vì xung quanh toàn cái gì xa lạ lắm.
Thế mà dần dần, Trung thu cũng bắt đầu lấy lại cái không khí như những gì ta vẫn nhớ về. Mấy năm gần đây, Trung thu đã bớt đi nhiều các loại đồ chơi nước ngoài, bớt đi những lồng đèn, những mặt nạ xa lạ. Năm nay, những người muôn năm cũ của Trung thu xưa hồ hởi nói với nhau, phố Hàng Mã khác với mọi năm rồi. Đi khắp khu phố cổ, những món đồ chơi Truyền thống đã lấy lại được “vị thế” của mình, tìm được chỗ đứng trong lòng người trẻ - trong lòng một Hà Nội hiện đại.
Và năm nay, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến trào lưu thân thiện với môi trường. Mọi năm, Trung thu là những món đồ chơi nhựa nhiều màu, giấy bóng kính rồi giấy nylon, lại là những món đồ thường chỉ được trưng trong vài ngày trước khi bạn tiễn vào thùng rác. Sẽ là rất nhiều đồ chơi được thải ra môi trường một cách nhanh chóng và "phũ phàng" như vậy, còn gì buồn hơn?
Vậy nên năm nay, chúng tôi quyết định đi tìm một câu chuyện Trung thu mới để kể cho các bạn. Đó sẽ là một câu chuyện về những món đồ chơi Trung thu, mang màu sắc truyền thống, và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Một lựa chọn thật đẹp, cho một ngày lễ đẹp nhất mùa Thu, phải không?
Ngược dòng Trung thu xưa tìm về những món đồ chơi truyền thống
Trung thu truyền thống Việt Nam vốn được nhớ đến với những món đồ chơi giản dị nhưng đầy màu sắc. Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, của những thứ rực rỡ, cầu kỳ và đắt tiền hơn - thì vẻ đẹp dung dị ấy dường như vẫn có một chỗ đứng vững vàng. Nhất là khi, chúng được hoá thân lại từ bàn tay của những người nghệ nhân đem lòng yêu văn hoá truyền thống.
Dưới nét bút, dưới đôi mắt nhìn và sự tìm tòi của những người nghệ nhân, từng chi tiết chắt lọc và mang đậm văn hoá Việt Nam được đặt vào những món đồ mới mẻ một cách vô cùng tinh tế. Lựa chọn những chất liệu mới cho đồ kiểu cũ cũng là một cách để làm mới đồ chơi truyền thống mà nhiều người lựa chọn.
Những năm gần đây, người trẻ dần quen hơn với đồ chơi truyền thống chất lượng cao. Cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ biết nhìn nhận đúng hơn và trân trọng giá trị của từng sản phẩm.
Mùa Trung thu năm nay, sạp hàng 51 phố Hàng Mã trở nên đông đúc hơn thường lệ. Nhìn những con giống bột - tò he của anh Đặng Văn Hậu bày bán ở đây, chúng ta hiểu rằng những con tò he ngày nào đã được mang đến một hình hài khác: Tinh tế, tươi mới và vô cùng gần gũi với người trẻ. Hơn 15 năm theo đuổi nghề nặn tò he, đến giờ, nhưng con giống bột được sinh ra từ đôi bàn tay anh Đặng Văn Hậu đều có "tuổi đời" dài hơn, lâu hơn, do anh đã dày công sáng tạo ra loại bột nặn có độ bền cao hơn, giữ được lâu hơn mà không bị mốc. Một sự nỗ lực tuyệt vời để bảo tồn và nâng cấp những giá trị truyền thống.
Hay nếu có cơ hội chiêm ngưỡng những món đồ chơi của Hanoia, chúng ta mới hiểu tâm huyết của họ đặt vào những giá trị truyền thống lớn đến nhường nào. Hanoia là một thương hiệu đồ thủ công - sơn mài xa xỉ của Việt Nam. Với đội thiết kế gồm toàn những cái tên hàng đầu của các thương hiệu nước ngoài, sản phẩm của Hanoia tập trung vào khai thác vẻ đẹp của Việt Nam dưới con mắt của người phương Tây. Chính vì thế, khi tung ra bộ đồ chơi đất nung vào dịp Trung thu năm ngoái, Hanoia đã khiến nhiều người phải "xiêu lòng" ngay lập tức. Thiết kế giản dị, xinh xắn và chân phương như đúng những món đồ chơi Việt Nam thô mộc nhất, nhưng màu sắc, hoạ tiết lại cực kỳ rực rỡ và tỉ mẩn theo kiểu Tây phương. Những sản phẩm đồ chơi đất nung này được thiết kế bởi đội ngũ sáng tạo chuyên nghiệp cả Việt Nam và nước ngoài. Sau đó, họ lại cất công tới từng làng nghề đặt hàng để sản phẩm có được sự tinh tế và cái hồn đúng nhất của từng vùng đất.
Có lẽ, khi sản phẩm đồ chơi truyền thống Việt được đưa đi khắp năm châu, người trẻ trong nước thực sự sẽ biết trân trọng giá trị truyền thống của một ngày tết cổ truyền.
Sự tổng hòa của truyền thống và hiện đại trong ngày tết Trung thu nằm ở điều mà nhiều người không ngờ tới: Những món đồ chơi truyền thống và ý thức bảo vệ môi trường của người trẻ ngày càng cao. Những chiếc súng nhựa, mặt nạ nhựa hay giấy bóng kính sẽ để lại cho môi trường chất cao là rác thải, sự nặng trĩu trong lòng người trẻ như mâm ngũ quả đầy hồng cốm bánh dẻo bánh nướng. Lũ trẻ tìm về Trung thu ngày xưa, như tìm về một miền quê yên bình và trong lành, nơi giấy bồi khiến người ta thích thú hơn mặt nạ nhựa, nơi những chiếc kèn, máy phát nhạc chẳng hay bằng tiếng trống ếch.
Năm nay, phố Hàng Mã có thêm món đồ chơi cho người trẻ thích "bày vẽ", ấy là mua thêm mặt nạ giấy bồi trắng trơn về rồi tô màu. Nghe thì đơn giản nhưng lại thích vô cùng. Nghĩ mà xem, có gì vui hơn cùng ngồi với bạn bè phá cỗ, mua đôi ba chiếc mặt nạ trắng rồi cùng tô màu, cùng đùa nghịch. Ai chẳng muốn có một chiếc mặt nạ "made by mình" cực xinh và rực rỡ?
Ngồi bên nhau mỗi dịp Trung thu, chúng tôi lại mơ tưởng tới câu chuyện Trung thu ngày xưa, đám trẻ con ngồi tô tô vẽ vẽ chiếc mặt nạ giấy bồi hay mặt nạ ông địa. Có lúc mẹ mua cho cái mẹt, cả lũ lại ngồi trổ tài trang trí những gương mặt chúng tôi không rõ là ai nhưng đã in hằn trong ký ức Trung thu. Hồi đó, những chiếc đèn đầy bóng kính đã xuất hiện nhưng chí ít, người ta cũng không có cơ man đồ chơi nhựa như bây giờ. Nhiều đứa nhà nghèo chỉ góp tiền chơi trung một chiếc đèn ông sao hay đục hộp xà phòng, cắm nến vào trong làm thành một chiếc đèn không giống ai.
Những người trẻ gìn giữ các giá trị truyền thống của Trung thu, họ hiểu được trách nhiệm trong việc vừa truyền đi thông điệp của quá khứ, vừa nhắc nhở cộng đồng về thông điệp của hiện đại. Tò he của ngày xưa toàn bột màu tự nhiên đó thôi. Những chiếc mặt nạ phét giấy bồi và hồ, dày là vậy cũng không có nhựa. Trung thu và những gì thuộc về truyền thống vẫn hoàn toàn là những giá trị an lành với thiên nhiên, với cuộc sống.
Đi dạo trên những con phố những ngày tết Trung thu Hà Nội như khiến chúng ta cảm thấy lần hồi về quá khứ. Đâu đó thấp thoáng bóng những cô gái Việt trong tà áo dài hay áo nâu truyền thống, trên tay là những món đồ chơi đậm chất dân gian. Ai đó mang theo mùa thu Hà Nội cùng những chiếc bánh dẻo, bánh nướng truyền thống, vài quả hồng ngâm, gói cốm xanh bọc trong lá sen và vài con giống đồ chơi Việt. Trong các quán cà phê cũng vậy, cái tết Trung thu xưa được mọi người hồ hởi đón nhận, trang trí không gian bằng mặt nạ giấy bồi hay những chiếc mẹt.
Đồ chơi truyền thống len lỏi vào cuộc sống hiện đại chật vật và khó khăn đến vậy nhưng cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng khi người ta hiểu rằng: Không phải những điều xưa cũ cũng xấu xí, và những điều người trẻ đang hướng tới về sống xanh, sống tối giản, biết trân trọng cuộc sống - tất cả kỳ thực đều thuộc về quá khứ.
Trung thu này, có gặp nhau thì mời miếng bánh, làm tách trà thưởng chút cốm xanh rồi cùng nhau vẽ mặt nạ giấy bồi, ấy có phải vui hơn không?