Đã bao lần ta nhận ra mình mất tự tin khi lướt trên Newsfeed? Cảm giác buồn bã và thầm ghen trỗi dậy trong ta như thế nào khi xem các bộ ảnh lộng lẫy trên Instagram? Trái ngược với cuộc sống có phần tầm thường của ta, dường như người đời đang sống cuộc sống trong mơ.

Để bước lên ngôi vị thần tượng của giới trẻ, một chàng ca sĩ mất gần ba năm xây từng bậc thang, đi từ vị trí người mẫu của các tạp chí tuổi teen sang lĩnh vực ca hát. Rồi anh lại mất thêm chừng ấy thời gian khẳng định thực lực giọng ca, bỏ túi loạt bài hit, tiến từ sân chơi nhạc mạng lên các sân khấu ca nhạc chính thống, xuất hiện trên truyền hình, bật lên giữa những ca sĩ cùng thế hệ để trở thành ngôi sao thực thụ.

Thế nhưng, ngay vào thời điểm anh được xem như một nam thần tượng trẻ tuổi sáng giá bậc nhất, đột ngột một tia chớp vụt lóe trên bầu trời ca nhạc: Một chàng ca/ nhạc sĩ trẻ tuổi như cơn bão ngông cuồng quét qua, hút sạch mọi sự quan tâm của công chúng, tạo nên những luồng tranh cãi dữ dội, khuấy động các cung bậc cảm xúc trái ngược mãnh liệt trong lòng khán giả trẻ. Tất cả những gì nam ca sĩ thần tượng cùng ê-kíp kỳ công gây dựng nhiều năm, "tia chớp" kia đạt được chỉ trong thời gian rất ngắn, gần như được hỗ trợ bởi một sức mạnh thần kỳ.

Dù vẫn đắt show, dù vẫn là gương mặt các nhãn hàng săn đón, dù vẫn được ủng hộ bởi lượng fan trung thành, nhưng bước tiến vũ bão của nhân tố mới kia đã tác động mạnh đến tinh thần chàng ca sĩ. Có một thời gian, không hẳn trầm cảm, nhưng việc so sánh bản thân với một kẻ khác khiến anh rơi vào trạng thái nặng nề. Các hoạt động nghệ thuật của anh trầm lắng hẳn...

Bạn có bắt gặp chính mình trong câu chuyện của nam ca sĩ ấy?

Bất kỳ ai trong chúng ta, dù không hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến danh tiếng, không bị đặt lên đường đua cho hàng triệu con mắt dõi vào, cũng đều ít nhất một lần rơi vào trạng thái bất ổn trên. Ta trở nên căng thẳng lo âu, nhiệt huyết sống trong ta vơi dần, thậm chí có lúc ta tuyệt vọng tưởng chết, chỉ vì ta đã đặt mình lên bàn cân với một người khác. 

  

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 1.

Có một thứ áp lực khá kỳ khôi trong cuộc sống hiện đại: Áp lực từ thành công của người khác (!)

Trong mọi môi trường, từ học đường đến công sở, từ trong nhà ra ngoài đường, từ đời thực đến mạng ảo, luôn hiện diện một hay vài hình ảnh nào đó buộc ta nhìn vào và so sánh. Ta thường tự nhủ mình xấu xí làm sao khi ngắm nhìn hình ảnh người mẫu trên pa-nô quảng cáo. Ta thấy mình chẳng có gì trong tay khi đọc về thành công của một ai kia. Ta giận mình kém cỏi khi đứa bạn cùng lớp báo tin vừa giành được học bổng du học. Thậm chí một người đeo mặt nạ nhận thưởng vé số tiền tỉ cũng làm ta chạnh lòng... 

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 2.

Chẳng cần đợi đến khi nhân vật "con nhà người ta" trở thành hot trend trên mạng xã hội, ta với "hắn" vẫn vô cùng thân quen. Đó là một nhân vật bí ẩn, hoàn hảo, xuất hiện mọi lúc mọi nơi và ta thường xuyên phải nghe bậc phụ huynh nhắc đến "hắn" trong một phép so sánh khó chịu: "Con nhà người ta chăm ngoan, học giỏi. Con nhà mình lười nhác hết chỗ nói!"; "Con nhà người ta nghèo khó mà có chí tiến thủ. Con nhà mình được lo cho đầy đủ mà chẳng làm nên cơm cháo gì!"... Suốt thời đi học, dù chẳng biết "con nhà người ta" chính xác là "đứa nào", ta vẫn cứ phải trải qua vô số phút giây buồn tủi bởi sự so sánh dai dẳng ấy.

Tình hình không thay đổi là bao khi ta trưởng thành. Giờ đây, ta không chỉ đối mặt với "con nhà người ta" giả tưởng từ lời bố mẹ, mà "hắn" nấp sau thành công của các nhân vật cụ thể như anh chị em họ, bạn bè, hàng xóm láng giềng, cả những người nhờ truyền thông nhắc đến mà ta mới biết. "Hắn" chỉ là bóng hình hư ảo mọc ra từ chính tâm trí không ngừng so sánh của ta, nhưng những cảm xúc tiêu cực mà "hắn" đem lại cho ta thì rất thật.

Với sự lên ngôi của mạng xã hội, cánh tay vô hình của "hắn" càng vươn dài, khuấy đảo tinh thần người trẻ. Đã bao lần ta nhận ra mình mất tự tin khi lướt trên Newsfeed? Cảm giác buồn bã và thầm ghen trỗi dậy trong ta như thế nào khi xem các bộ ảnh lộng lẫy trên Instagram? Trái ngược với cuộc sống có phần tầm thường của ta, dường như người đời đang sống cuộc sống trong mơ. Họ vừa đi du lịch nước ngoài, chụp hình giữa những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Họ vừa được thăng chức, tươi cười cụng ly bên cạnh lãnh đạo cấp cao. Họ đang chia sẻ nụ hôn với người yêu trong quán café lung linh lãng mạn… 

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 3.

Lạ lùng hơn và cũng tồi tệ hơn là khi đạt được một vài thành tựu, làm người thân tự hào hay bạn bè ngưỡng mộ, ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Trong tâm thức, "hắn" vẫn hiện diện, thì thầm vào tai ta rằng thứ ta có chẳng là gì cả. Luôn có ai đó thành công hơn, và có vẻ hạnh phúc hơn ta. T., 25 tuổi, từng là một MC có tiếng, lấy chồng và định cư ở Canada. Kinh tế đảm bảo, cuộc sống bên chồng con bình yên, nhưng T. luôn cảm thấy không hài lòng. Mỗi lần về Việt Nam, cô lại tụ tập bạn bè, than thở cuộc sống nhàm chán. Để chứng minh cho nỗi "bất hạnh" của mình, cô mở album ảnh các nữ đồng nghiệp hiện định cư ở Mỹ, những người thường xuyên post hình ảnh vui chơi du lịch và tận hưởng cuộc sống xa hoa.

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 4.

Nếu bạn buồn chán với mặc cảm thua sút, mỗi ngày cảm giác ấy càng nặng nề hơn, đừng vội buông tay. Bạn không phải là người duy nhất.  Gần như chúng ta không thể tránh khỏi tình trạng này, giữa biển thông tin dội đến mỗi ngày. Tình trạng ấy càng rõ rệt hơn khi ta tham gia vào mạng xã hội, có mối liên hệ với đủ loại thành phần. Nếu có khác, thì đó là mỗi người bị tác động theo các mức độ khác nhau.

Nếu phải gọi tên, có lẽ người Việt đã duy trì nếp "văn hóa so sánh" từ thời xa xưa. Với niềm tin đang theo đuổi "phương pháp giáo dục" rất hay, người đi trước luôn đặt ra cho người trẻ một vài tấm gương để soi vào. Thói quen này tạo nên tảng đá vô hình truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng nặng nề hơn, mà không hề được nhận diện. Ngay từ tuổi mẫu giáo, những đứa trẻ đã chịu áp lực từ các so sánh của bố mẹ với con nhà hàng xóm ngoan hơn, với bạn học thứ hạng cao hơn. 

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 5.

Ta cố gắng đến đâu cũng không được thừa nhận. Ta thua sút mọi người xung quanh. Và như thế, tâm thức thất bại đã được gieo mầm.

Đến thời đại mạng xã hội, cơ hội tạo dựng tên tuổi rộng mở cho mọi cá nhân. Để khẳng định "cái tôi", đồng thời như một phản ứng tự nhiên xóa bỏ những mặc cảm sâu kín, người ta rất ý thức trong việc thể hiện bản thân, thậm chí đưa ra những miêu tả/ hình ảnh vượt quá sự thật bản thân. Tất cả những gì ta thấy trên mạng xã hội, có thứ ngỡ vớ vẩn hay ngẫu nhiên, kỳ thực đều là kết quả của một quá trình tính toán chọn lựa. Mọi người đều muốn phô ra những gì tốt nhất, hấp dẫn nhất của bản thân, giấu đi phần còn lại. Ngay cả quá trình gian khổ để có được kết quả tốt đẹp ấy cũng bị chủ nhân lờ đi.

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 6.

Vấn đề là, khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt các thông tin bằng hình ảnh, não bộ con người vốn dĩ không được lập trình kèm với các phân tích mặt khuất dữ kiện. Nó đơn thuần chỉ ghi nhận dữ liệu, tin vào tất cả những gì mắt thấy. Kế tiếp, nó sẽ tiến hành các bước so sánh, đối chiếu, phán xét… Các chất hóa học tiêu cực tiết ra trong quá trình này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận, thái độ và hành vi của chính chủ nhân.

Và còn có một sự thật khó chấp nhận với nhiều người, nhưng mạng xã hội lại là nơi phơi bày rõ nhất: Con người sinh ra vốn dĩ không hề bình đẳng. Hiện diện một số ít các cá nhân may mắn hơn nhiều người khác, trời phú cho ngoại hình xinh đẹp, sở hữu trí thông minh vượt trội, công việc của họ thu hút và chi phối đám đông, được hậu thuẫn bởi gia đình giàu có... Rất tự nhiên, họ có hàng trăm ngàn lượt like, lượt theo dõi, luôn là trung tâm chú ý của hàng ngàn hàng vạn người. Trong khi đó, hầu hết cá nhân khác chỉ là những kẻ vô danh, một đơn vị bé nhỏ trong con số hàng ngàn hàng triệu. Thật khó để không tội nghiệp bản thân, trước thành công của người khác ta lại thấy ấm ức và bất công, dù ít hay nhiều.

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 7.

Cách đây chưa lâu, các phát ngôn và sau đó loạt hình ảnh của nam ca sĩ/ diễn viên R. lan tràn trên mạng khiến công chúng sốc nặng. Nhiều người không thể nhận ra "nam thần" của làng giải trí Việt. Sự khôn khéo hoạt ngôn bị thay thế bởi lời lẽ thiếu kiểm soát. Vẻ điển trai thời thượng nhường chỗ cho hình ảnh tiều tụy xuề xòa. Nhiều bài viết phân tích lý do dẫn đến sự xuống dốc đáng buồn của R. Trong đó, ba nguyên nhân chính được nêu ra là chuyện tình cảm không thành, thiếu ủng hộ từ gia đình và sự ganh tị với một nam ca sĩ thành công khác. Lý do cuối cùng khiến nhiều người ngạc nhiên đến... chưng hửng. Bởi rõ ràng, đặt lên bàn cân tổng thể, R. và nam ca sĩ thành công kia ngang tài ngang sức. Nếu "đối thủ" có khả năng khuấy động truyền thông và dẫn dắt lượng fan đông đảo, thì R. là hình mẫu mà số đông mơ về: Học thức, lịch lãm, ngoại hình vượt trội, khả năng phủ rộng trong nhiều lĩnh vực.

Nhưng, khi phân tích trường hợp của R. theo cách như thế, ta lại phạm một sai lầm lớn: So sánh giữa các cá nhân.

Những so sánh - dù thể hiện bằng ngôn từ và hành động, hay ghim cài trong tiềm thức - đang trở thành một thứ áp lực mới bủa vây người trẻ hiện đại. Ta luôn bị đặt trong trạng thái phải chạy đua với các hình mẫu hoàn hảo vây quanh. Chính ta đặt ra các hình mẫu trong vô thức và ép mình phải đua cùng nó. Trớ trêu thay, một mặt ta khát khao khẳng định dấu ấn cá nhân, nhưng mẫu hình mà ta hướng tới lại tương đồng với nhiều người khác. Giàu có là phải như anh A, lương chục ngàn đô, bạn gái xinh, nhà to đẹp, xe hơi sang. Du lịch là phải như nàng B, ngồi vé hạng thương gia bay khắp thế giới, đến những nơi hiếm người đặt chân, hưởng thụ dịch vụ sang chảnh. Nhan sắc là phải như cô C chân dài ngực nở môi tều, từ đầu đến chân đắp toàn hàng hiệu. Tình yêu đẹp là phải như cặp D và E, lãng mạn tuyệt đỉnh với các sự kiện làm cho thiên hạ "lác mắt" mỗi ngày...

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 8.

Tất cả những "công thức" trên góp phần tạo ra các chuẩn mực hư ảo. Thay vì nhìn vào chính mình, xem xét thực lực, chọn lựa mục tiêu phù hợp, ta lại bị dẫn dắt bởi những bóng ma thành đạt giăng mắc khắp nơi. Chạy trên đường đua không có vạch đích, dù có đạt được một vài thành công, ta vẫn không thể hài lòng, bởi ngay lúc đó trên Facebook, Twitter, Instagram lại có ai đó nổi trội hơn ta. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm lên ngôi trong thế kỉ 21.

Từng có hai cuộc nghiên cứu về hành vi của người dùng mạng xã hội. Cuộc nghiên cứu đầu tiên của Đại học Michigan tại Mỹ với hơn 1.000 sinh viên sử dụng Facebook. Kết quả chỉ ra rằng, những người dùng mạng xã hội này có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân mạnh hơn. Nhiều sinh viên trong số này gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần, như tự ti, buồn chán, tự làm tổn thương cơ thể. Cuộc nghiên cứu thứ hai của Đại học Bond tại Úc, khảo sát trên 300 người sử dụng Instagram, độ tuổi từ 18 đến 29. Kết quả gần như tương đồng với nghiên cứu của Đại học Michigan. Những người tìm kiếm sự công nhận từ người khác dễ lún sâu vào các so sánh với các hình mẫu trên mạng. Việc tham gia Instagram cũng khiến những người vốn tự tin trước đó bắt đầu các hình thức so sánh ngầm, để rồi rơi vào trạng thái mặc cảm, mất niềm tin vào bản thân.

Cả hai cuộc nghiên cứu đưa ra cùng kết luận: Khi so sánh bản thân với kẻ khác trên mạng, đó là lúc các hành vi tiêu cực bắt đầu.

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 9.

Ta say mê và muốn được giống những hình ảnh ảo diệu trên mạng. Kỳ thực, hình ảnh trên mạng cũng như các ảo ảnh trên sa mạc chỉ kéo người ta đi thật xa, không thể đến đích hoặc bỏ qua nguồn nước ngay gần bên. Nhưng để xác định được con đường và mục tiêu của chính mình, giữa một xã hội thông tin tràn ngập, các tác động gần như mọi lúc của Internet, là điều không hề dễ dàng.

Rèn luyện tư duy phản biện là kỹ năng quan trọng. Nó giúp ta nhìn vào bản chất hơn là bị mờ mắt bởi lớp mạ hào nhoáng bên ngoài. Ta cần có thứ bản năng mới tìm kiếm sự thật, rằng phía sau những "con nhà người ta" hoàn hảo đều là những con người với các vấn đề riêng của họ, không ai giống ai.  

Đáng sợ hơn nữa, thói quen so sánh ngầm chứa nguy cơ hủy hoại cá tính, bỏ phí những phẩm chất riêng đáng quí lẽ ra nên được phát triển. Lịch sử không ít trường hợp như vậy. Trong bộ phim Amadeus (1984), ta thấy sự đố kị đã hủy hoại nhạc sư Salieri như thế nào. Ông ta không bao giờ trở thành Mozart. Nhưng điều buồn thảm nhất là ông ta đã dành hết thời gian chỉ để kéo Mozart thấp xuống, thay vì nỗ lực để chính mình bước lên cao hơn.

Mỗi người đều có thế mạnh riêng, khả năng riêng, và tất nhiên cả giới hạn riêng. Một trong những kỹ năng chúng ta khó thực hành nhất là trân trọng tài năng và thành công của người khác mà không ganh ghét tị hiềm. Từ trân trọng, chúng ta sẽ chuyển sang học hỏi, nhìn mọi việc ở khía cạnh tích cực, thay vì gièm pha người khác hay tự thất vọng về bản thân. Kẻ duy nhất cần phải vượt qua là chính ta. Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình là điều mà chúng ta thường xao lãng, giữa mê cung của những mẫu hình hư ảo.

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 10.

Một nghiên cứu năm 2016 tại Thụy Điển về việc sử dụng mạng xã hội chỉ ra rằng, những người dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Instagram thường có các phản ứng tâm lý giống nhau. Khi người dùng mạng xã hội so sánh đời họ với những người khác vốn có vẻ thành công và hạnh phúc hơn, họ đều cảm thấy thất vọng với những gì họ đang có.

Các xu hướng được lan truyền trên mạng xã hội vô hình trung biến các cá nhân thành cừu. Những chú cừu ngày ngày được dẫn đi ăn cỏ, tối về ngủ trong hàng rào mà vẫn nghĩ mình tự do. Chạy theo hình mẫu có sẵn là cách ta tự dựng nên hàng rào vô hình đó. Bà hoàng thời trang Coco Chanel có một câu nói đến hôm nay vẫn đáng để ta suy ngẫm: "Vẻ đẹp bắt đầu từ khoảnh khắc bạn quyết định là chính mình."

Là chính mình, còn có một ý nghĩa quan trọng khác: Ta không cần phải giống một ai đó để cảm thấy hạnh phúc. Ta không nhất thiết du lịch vòng quanh thế giới để đạt được cảm hứng xê dịch và thỏa mãn khám phá. Ta cũng chẳng nên nỗ lực quá mức trở thành hot boy, hot girl "triệu người like" để cảm thấy được công nhận và tôn trọng. Ta cũng không cần phải đứng giữa khung cảnh lãng mạn, thực hiện những màn ngôn tình để cảm thấy yêu và được yêu... Trải nghiệm là của ta, thực hiện bằng thời gian sống của ta. Vậy sao ta phải nó gán với gương mặt kẻ khác, đối chiếu với trải nghiệm của kẻ khác? Vì sao ta phải chơi theo luật chơi của họ?

Nhà thơ Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: "Luôn là chính mình, trong một thế giới luôn cố khiến bạn trở thành ai đó khác, chính là thành tựu vĩ đại nhất."

Chúng ta chỉ có một cuộc đời hữu hạn. Không gì khôn ngoan hơn tập trung vào bản thân, thấu suốt nó, và vận hành cuộc sống theo luật chơi của chính mình.  

Áp lực từ thành công người khác: Nguyên nhân khiến ta không thấy hạnh phúc dù vẫn đủ đầy - Ảnh 11.
Nam Lâm
Vũ Tuấn Anh
Ngô Linh Phương
Theo Trí Thức Trẻ22.06.2018