Xu hướng ở nhà siêu nhỏ ở thành phố có giá bất động sản đắt nhất nhì thế giới: Chi hơn 25 tỷ đồng mua được căn hộ 9m2 là điều nhiều người mơ ước

Thùy Anh, Theo Nhịp sống thị trường 16:03 12/07/2023

Trong những năm gần đây, các công ty bất động sản tại đây đã tích cực chuyển sang bán những căn hộ nhỏ hơn cho người mua để họ có thể chi trả được.

Xu hướng ở nhà siêu nhỏ ở thành phố có giá bất động sản đắt nhất nhì thế giới: Chi hơn 25 tỷ đồng mua được căn hộ 9m2 là điều nhiều người mơ ước - Ảnh 1.

Năm 2022, tổ chức ECA International đã đưa ra danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Theo kết quả được công bố, Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục duy trì là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong năm 2022. Đây là năm thứ 3 thành phố này đứng ở vị trí đầu bảng.

Cụ thể, theo số liệu từ ECA, để mua một lít xăng ở thành phố này, bạn phải bỏ ra 3,04 USD (khoảng 72.000 đồng). Tại đây, một cốc cà phê được bán với giá 5,21 USD (khoảng 123.000 đồng). Giá mua 1kg cà chua cũng lên đến 11,51 USD (khoảng 272.000 đồng), 1 lít dầu ăn được bán với giá 5,83 USD (138.000 đồng), còn 1 lít sữa có giá 4,39 USD (104.000 đồng).

Không dừng lại ở đó, Hồng Kông cũng là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất nhì thế giới. Tại đây, một ngôi nhà trung bình được bán với giá hơn 1 triệu USD. Nguyên nhân của vấn đề đã được biết từ lâu. Tình trạng cung thiếu, nhu cầu lại quá nhiều khiến phần đông người thu nhập thấp phải sống cảnh chen chúc. Đó cũng là nơi khai sinh ra những khu dân cư đông đúc nhất hành tinh.

Bác sĩ cũng chỉ đủ tiền ở ngôi nhà kê được 1 chiếc giường

Max Lee là một bác sĩ 26 tuổi người Hồng Kông. Cuộc sống trong căn hộ 1 phòng ngủ của anh chỉ xoay quanh đúng 1 chiếc giường. Không chỉ là nơi nằm ngủ hay xem TV, giường còn là nơi anh nghiên cứu tài liệu y khoa khi không ở bệnh viện. Lee chỉ có đủ tiền để mua căn hộ rộng vỏn vẹn 20m2 ở khu Cửu Long. Anh chia sẻ: "Tôi sống ở đây cũng ổn. Nhưng khá chật chội khi bạn gái đến chơi."

Xu hướng ở nhà siêu nhỏ ở thành phố có giá bất động sản đắt nhất nhì thế giới: Chi hơn 25 tỷ đồng mua được căn hộ 9m2 là điều nhiều người mơ ước - Ảnh 2.

Ngôi nhà của bác sĩ Lee. Ảnh: Bloomberg

Không gian sinh sống của Lee có thể được coi là quá chật chội, nhưng đây là loại căn hộ cực kỳ phổ biến ở Hồng Kông, được gọi là microflat (căn hộ siêu nhỏ).

Microflat là loại căn hộ có giá chỉ bằng 1 nửa so với giá nhà trung bình, thuộc top nhà ở có giá thấp nhất trên thị trường bất động sản ở Hồng Kông. Căn microflat nhỏ nhất rộng gần 12m2, nhỏ hơn cả chỗ đậu ô tô trong cùng tòa nhà. Tòa nhà "One Prestige" được xây dựng năm 2018 bán các căn có diện tích từ 15-21m2 với giá 800.000 đến 1 triệu USD.

Cặp vợ chồng mới cưới khoe nhà ở chỉ có 9m2

Leo và Lisa chuẩn bị kết hôn. Ví muốn có không gian riêng tư nên họ quyết định sẽ mua một ngôi nhà. Hai vợ chồng bỏ ra 1,08 triệu USD (tương đương 25,5 tỷ đồng) để mua căn hộ có vị trí trung tâm thành phố, giá 1m2 là 120.000 USD.

Hai vợ chồng trẻ đều làm ở gần trung tâm thành phố, kinh phí hạn hẹp. Để tiện đi lại, anh chị đã tìm hiểu nhiều nhà. Ngôi nhà này tuy chỉ 9m2 nhưng vị trí gần công ty của hai, nhà giá cả cũng phải chăng cho các cặp vợ chồng. Sau một hồi cân nhắc nghiêm túc, Leo và vợ đã mua căn nhà nhỏ rộng 9m2 với mức giá hơn 1 triệu USD.

Xu hướng ở nhà siêu nhỏ ở thành phố có giá bất động sản đắt nhất nhì thế giới: Chi hơn 25 tỷ đồng mua được căn hộ 9m2 là điều nhiều người mơ ước - Ảnh 3.

Căn hộ có diện tích chỉ 9m2. Ảnh: Totuiao

Lý giải xu hướng chuộng nhà siêu nhỏ

Địa hình đặc trưng của Hồng Kông thúc đẩy xu hướng xây dựng những căn hộ siêu nhỏ. Do có nhiều đồi núi và 75% diện tích là cây, rừng, nên phần lớn các khu vực này được sử dụng làm công viên được bảo tồn. Khi dân số tăng lên vào những năm 1960 và 1970, cựu trưởng đặc khu Lord MacLehose đã yêu cầu chính phủ quản lý các khu rừng rậm rộng lớn.

Kết quả là, 24 công viên đã trở thành nguồn cung nước quan trọng cho thành phố, cũng như 443km2 rừng, đồng cỏ, đất ngập nước, đá cùng hơn 3.300 loài thực vật.

Bởi vậy, thành phố này đông đúc hơn nhiều so với số liệu tổng thể vì chỉ có 7% đất được quy hoạch cho nhà ở. 7,5 triệu dân phải chen chúc trong những khu cao tầng, nằm giữa biển và đồi núi. Quận đông dân nhất là Cửu Long, với mật độ 49.000 dân/km2.

Trước đó, năm 1953, trận hỏa hoạn ngày Giáng sinh đã khiến hơn 50.000 người tị nạn mất nhà cửa. Thay vì trợ cấp cho những người này, chính quyền thành phố gấp rút xây dựng các khu tái định cư, điển hình là những ngôi nhà công cộng có các căn hộ rộng 11m2 cho mỗi gia đình.

Theo Ng Mee-Kam – học giả nghiên cứu về đô thị tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Mọi người không phản đối hay phàn nàn về không gian sống như vậy. Họ không thể phản đối khi có nơi để ở sau khi nhà đã bị phá hủy. Nếu vừa thoát khỏi một nơi kinh hoàng, thì bạn sẽ không kỳ vọng nhiều với nơi ở mới."

Nguồn: Tổng hợp