Xu hướng de-influencing lên ngôi: Khi người tiêu dùng chán các quảng cáo "nói quá" về sản phẩm từ người nổi tiếng

Vân Anh, Theo Phụ nữ số 19:11 12/12/2023

De-influencing thể hiện mong muốn được cung cấp nội dung trung thực và có thể xác thực về sản phẩm - một nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng.

De-influencing lên ngôi: Xu hướng "bóc trần" quảng cáo sai sự thật

Chuyện ai đó mua hàng theo gợi ý của influencer, người nổi tiếng không còn là điều xa lạ. Ngày nay, người có sức ảnh hưởng trên TikTok, Instagram, Facebook... đang trở thành những người có "quyền lực". Bởi chỉ cần một lời khen về sản phẩm của họ (dù có qua kiểm định hay chưa) xuất hiện trên các clip triệu view, cũng có thể ảnh hưởng khiến số đông người trẻ nhấn vào nút "mua hàng".

Bên cạnh lời review công tâm, nhiều người có sức ảnh hưởng lại quảng cáo quá lố về công dụng, thậm chí giới thiệu sản phẩm kém chất lượng, từ đó để lại hậu quả lớn với người tiêu dùng. Trên thực tế, khi gõ các thanh công cụ tìm kiếm, sẽ không khó để bạn bắt gặp bài đăng về người nổi tiếng hay TikToker lên tiếng xin lỗi vì nhận quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Trào lưu de-influencing (tạm dịch: chống lại sức ảnh hưởng) nổi lên để phá vỡ sự hào nhoáng, tâng bốc quá đà này. Đúng như tên gọi, đây là thuật ngữ dùng để chỉ các influencer đưa ra đánh giá, chê bai và chỉ trích một sản phẩm/dịch vụ, mặc dù có thể trước đó chúng nhận được nhiều lời khen trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, họ còn khuyến khích mọi người chỉ tập trung vào mua sắm đồ dùng cần thiết, thay vì tin theo các "bẫy tiêu dùng", lời mời gọi mua hàng trên mạng xã hội.

De-influencing đã trở nên rầm rộ trong vài tháng qua, được cho là bắt đầu từ nổi lên trên TikTok và lan dần sang các mạng xã hội khác. Theo Fobers, trên TikTok, thống kê ghi lại đã có tổng cộng hàng trăm triệu lượt xem các video có gắn hastag #de-influencing trên TikTok.

Xu hướng de-influencing lên ngôi: Khi người tiêu dùng chán các quảng cáo nói quá về sản phẩm từ người nổi tiếng - Ảnh 1.

Các video làm theo nội dung de-influencing nhận được nhiều quan tâm trên TikTok

Tại đây, các TikToker có thể đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau cho bạn như cách tiết kiệm tiền, chỉ trích thói quen tiêu dùng quá mức và thời trang nhanh. Bên cạnh đó, họ còn chỉ ra các sản phẩm quảng cáo quá lố (hoặc gợi ý sản phẩm có chức năng tương tự nhưng có giá thành phải chăng hơn), và kêu gọi "cứu hành tinh" bằng cách hạn chế mua hàng.

Nguyên nhân khiến de-influencing trở thành xu hướng vì người tiêu dùng đặt niềm tin nhiều hơn vào những cá nhân sẵn sàng chỉ trích sản phẩm và dịch vụ hơn là người luôn đưa ra những lời nói tích cực, đầy "màu hồng" vào sản phẩm của họ. Điều này đến từ tâm lý người tiêu dùng ngày càng hoài nghi và có nhiều câu hỏi hơn về nội dung mà họ gặp trên mạng xã hội. Họ mong đợi sự trung thực và minh bạch hơn từ người sáng tạo nội dung.

Các thương hiệu nên làm thế nào với xu hướng de-influencing?

Các thương hiệu không thể bỏ qua hoàn toàn sức ảnh hưởng của bất kỳ trào lưu nào và de-influencing cũng không đứng ngoài. Cách bảo vệ tốt nhất thương hiệu của bạn là cần thể hiện sự trung thực và cẩn trọng của doanh nghiệp trong kinh doanh và trên mạng xã hội. Bởi lẽ về bản chất, xu hướng de-influencing thể hiện mong muốn được cung cấp nội dung trung thực và có thể xác thực về sản phẩm - một nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo sự phát triển của trào lưu de-influencing, sau khi đưa ra những lời chỉ trích về sản phẩm, các influencer tiếp tục đưa ra những đề xuất về lựa chọn thay thế có giá thành hợp lý hoặc nhiều ưu điểm hơn.

Cũng vì thế, bên cạnh tính chất giáo dục người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm hoặc dịch vụ hợp lý hơn, de-influencing lại trở thành một kiểu review sản phẩm và bán hàng. Khi đó, các thương hiệu có thể cân nhắc hợp tác cùng với de-influencer để mở ra nhiều cơ hội truyền thông, từ đó vừa đưa ra góc nhìn mới minh bạch cho người tiêu dùng nhưng cũng đồng thời gia tăng cơ hội thúc đẩy doanh thu.