Xích lô miền Tây - "Đặc sản" đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng

Toàn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 13/05/2017

Cuộc sống ngày một phát triển, sự xuất hiện của rất nhiều phương tiện hiện đại đang dần thay thế cho những phương tiện thô sơ, dân dã, như một điều tất yếu, thế nhưng có những điều mất đi khiến người ta cứ tiếc mãi.

Xích lô miền Tây - Tôi vẫn thường gọi những chiếc xe lôi với cái tên thân thuộc như thế. Với người dân sống ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, có thể vẫn còn lạ lẫm với loại phương tiện giao thông này, nhưng với những người con miền sông nước Nam Bộ thì hình ảnh chiếc xe lôi dân dã hàng ngày chở các bà, các mẹ đến chợ đã trở thành một phần của ký ức.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 1.

Những chiếc xe lôi đã trở thành một phần ký ức của người miền Tây.

"Đặc sản" thú vị của miền Tây

Xe xích lô (từ tiếng Pháp: Cyclo) là một phương tiện giao thông sử dụng sức người để vận chuyển khách hoặc hàng hóa, thường có một hoặc hai ghế cho khách và một chỗ cho người lái xe. Xích lô được cho là biến thân của xe kéo (người kéo) đã có từ thế kỷ 19 ở Châu Á. 

Động tác vận hành từ "kéo" chuyển sang "đạp" là do kết hợp với xe đạp xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Thông thường xích lô có ba bánh. Loại xe đạp kéo thùng chở khách đằng sau trở thành xích lô thường gọi là xe lôi, phổ biến ở miền Tây Nam Bộ (Việt Nam).

Chẳng ai, kể cả những lão làng có thâm niên trong nghề chạy xe lôi có thể nhớ chính xác thời điểm mà "loại đặc sản này" bắt đầu xuất hiện ở mảnh đất phương Nam này.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 2.

Kể cả những người lớn tuổi trong nghề cũng không nhớ rõ nguồn gốc của loại xe này.

Vào thời điểm đó khắp đồng bằng sông Cửu Long, người dân không sử dụng xích lô giống ở Hà Nội và Sài Gòn, mà chế tạo xe đạp sườn ngang nối với thùng kéo để làm phương tiện chở khách và hàng hóa. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, nghề chạy xe lôi ở miền Tây phát triển cực thịnh, có đến hàng ngàn chiếc xe hoạt động trên khắp các tỉnh. 

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 3.

Và chỉ có ở Miền Tây chúng ta mới bắt gặp chiếc xe thú vị này.

Cũng giống như chiếc xuồng ba lá, áo bà ba hay nón lá, hình ảnh chiếc xe lôi dần trở thành một ký ức không thể quên của mỗi người con vùng sông nước. Đó là mỗi sáng cùng ngoại ngồi trên chiếc xe lôi ra chợ mua đồ nấu canh chua, hay buổi trưa nắng chói cùng cha đi xe lôi ra bến đón xe đò lên thành phố, và còn là những đêm trăng lên cao, những đôi tình nhân chở nhau trên chiếc xe lôi đi dạo mát... Thế nhưng tất cả đã dần trở thành dĩ vãng.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 4.

Những chiếc xe lôi cuối cùng...

Năm 2007, với mục tiêu hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, Chính Phủ đã ra Nghị quyết số 32 quy định kể từ ngày 1/1/2008, các loại xe công nông, xe 3-4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu hành. Đồng nghĩa với việc xe lôi bị cấm đưa vào hoạt động.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 5.

Từ nằm 2008 các loại xe thô sơ như xe lôi bị cấm lưu thông để tránh gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Thực hiện lộ trình cấm các loại xe tự chế 3- 4 bánh lưu thông, từ ngày 1/1/2008, thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định cấm xe lôi, xe ba gác máy lưu thông trong nội thành. Một số tài xế xe lôi đã dạt ra vùng ngoại ô để kiếm sống. Một thời gian sau các tỉnh cũng bắt đầu thực hiện lệnh cấm, những chiếc xe lôi cũng dần dần biến mất.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 6.

Tài xề xe lôi tìm tới vùng ngoại ô để chở hàng hóa cho khách.

Duy chỉ có ở An Giang vẫn còn tạo điều kiện cho các bác tài xe lôi. Người ta bảo nhau chắc tại An Giang là quê hương của xe lôi, nên người dân cố gắng gìn giữ nó như nét văn hóa đặc trưng của mình. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, chiếc xe lôi vẫn gắn bó với hàng ngàn người dân nơi đây. Người An Giang vẫn gọi vui xe lôi là xe "dân biểu" tức là dân biểu đi đâu thì đi đó.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 7.

Chỉ ở An Giang các tài xế xe lôi vẫn còn hoạt động.

Tài xế xe lôi tập trung đông nhất là ở Châu Đốc, vì tại đây phát triển mạnh các hoạt động du lịch, hành hương. Trong giới chia thành hai thành phần: một là dân chuyên nghiệp, hai là dân mùa vụ.Với những người đạp xe lôi chuyên nghiệp thì chạy xe là công việc chính, khách hàng thường xuyên của họ là những người buôn bán ở chợ, hay các bà các mẹ đi chợ mua hàng. Còn dân mùa vụ, đa số là những người làm nông, tranh thủ lúc nhàn rỗi chạy chở khách vào những mùa cao điểm du lịch.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 8.

Xe lôi bây giờ đa số chở hàng chứ khách không đi nhiều như ngày xưa nữa.

Đạp xe lôi là nghề vô cùng vất vả nhưng hầu như mọi người không bỏ được nghề, vì họ quá nghèo. Còn nhớ có lần tôi đến Châu Đốc, vừa xuống bến xe thì gặp một chú lớn tuổi đến mời đi xe lôi. Nhìn chú đen nhẻm, ốm yếu, tôi đã từ chối. Không phải vì khinh khi, mà vì tôi chẳng đủ vững lòng khi để một người đáng tuổi cha chú chở mình đi cả một quảng đường dài, dù biết đó là công việc của họ.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 9.

Nghề vất vả, nhưng các bác tài lớn tuổi không nghỉ được vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Lúc tôi từ chối, chú cười ráng: "Nhìn tui ốm nhom vậy chứ tui khoẻ lắm, cậu yên tâm. Tui lấy giá rẻ lắm, sáng giờ chưa chạy được cuốc nào!". Tôi gật đầu đồng ý, như chẳng thể làm khác được.

Chú tên Hùng (57 tuổi) nhà chẳng có nổi một xào ruộng để canh tác, nên cả chú và vợ đều phải đi làm thuê. Ngày chú thuê xe lôi chạy, còn cô thì đi làm mướn trong tiệm ăn. Làm quần quật vậy chứ cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày, còn chuyện lo cho tụi nhỏ đi học thì cô chú không đủ khả năng.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 10.

Chú bảo ngày xưa làm ăn được, chứ bây giờ nhà nào cũng có xe máy, các bà, các cô đi chợ cũng tự chạy xe máy đi, chứ không thuê xe lôi như ngày xưa. Giờ chỉ trông vào mấy ngày lễ hội thì thu nhập khá hơn chút đỉnh.

Trời nắng gắt, cứ vài phút là chú Hùng lại đưa tay lên lau mồ hôi trên trán, tấm áo cũng ướt đẫm mồ hôi. Chú cũng gần 60 tuổi, chẳng biết sẽ còn làm công việc này được bao lâu nữa. Cái nghèo, nó khiến cái nghề chạy xe này thành cái nghiệp.

Xích lô miền Tây - Đặc sản đậm chất Nam Bộ đang dần trở thành dĩ vãng - Ảnh 11.

Tôi chợt nghĩ rồi sẽ đến lúc hình ảnh những chiếc xe lôi trơ thành dĩ vãng như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Nghĩ đơn giản vậy nhưng cứ tiếc, tiếc cho một sản phẩm văn hóa thú vị của vùng Cửu Long