Xét tuyển nguyện vọng 2: Rất đông thí sinh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ

Trí Kiên, Theo Trí Thức Trẻ 21:07 26/08/2015
Chia sẻ

Trong ngày đầu xét tuyển nguyện vọng 2, lượng thí sinh đến trường nộp hồ sơ vẫn đông không kém đợt đầu. Theo nhận định từ rất nhiều thí sinh, phần đông trong số họ không muốn nộp sơ xét tuyển qua đường bưu điện vì đã từng có không ít trường hợp bị thất lạc hoặc chậm giấy báo điểm đến cả tuần trời.

Thí sinh vẫn nườm nượp đến trường nộp hồ sơ

Đợt xét tuyển nguyện vọng 2 bắt đầu từ ngày 25/8 đến ngày 15/9, lượng thí sinh đến tận trường nộp hồ sơ vẫn khá đông. Rất nhiều thí sinh và người nhà cho biết do đây là lần đầu nên họ chấp nhận lặn lội đến tận trường để nộp để yên tâm hơn.

thuong-5-5a276
Thí sinh đến đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đông không kém đợt đầu.

Em Nguyễn Công Phan, Thí sinh đến từ Vĩnh Phúc, phân trần: “Kết quả xét tuyển lần này quyết định đến phần lớn tương lai bản thân nên em muốn đến tận trường để nộp hồ sơ và đợi kết quả xét tuyển nguyện vọng 2".

Ở đợt xét tuyển đầu, Phan nộp hồ sơ vào khoa Công nghệ thông tin (trường Đại học Xây dựng Hà Nội) với số điểm 24.0, toán nhân đôi (Điểm chuẩn năm 2015 của khoa CNTT tại trường này là 26.42, toán nhân đôi).

thuong-6-5a276
Rất nhiều thí sinh do không yên tâm về cách gửi hồ sơ xét tuyển gián tiếp nên đã trực tiếp xuống trường Đại học nộp hồ sơ.

Đợt đầu Phan nộp hồ sơ vào đứng ở tốp đầu nhưng đến chiều ngày 20/8 lượng thí sinh điểm cao dồn dập nộp hồ sơ vào khiến điểm của Phan bị đẩy khỏi mức an toàn. "Do đây là ngành yêu thích nên em quyết tâm giữ hồ sơ lại nên đã bị trượt. Rút kinh nghiệm từ đợt xét tuyển trước, em sẽ nộp hồ sơ vào trường ở mức vừa phải để đảm bảo mức điểm đỗ" - Phan nói thêm.

thuong-7-5a276
Thí sinh Nguyễn Văn Đồng (ở giữa, mặc áo đen) do không yên tâm về cách gửi hồ sơ gián tiếp nên đã cùng bạn bè xuống Hà Nội nộp hồ sơ trực tiếp tại trường và thuê phòng trọ chờ kết quả xét tuyển.

Vũ Thị Thủy, thí sinh đến từ (Phường Trưng Trắc, Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) chi sẻ: “Em là thí sinh tự do. Em đã từng bị thất lạc giấy báo điểm qua đường bưu điện trong mùa thi năm trước nên năm nay em không thể đặt niềm tin qua bưu điện mà bắt xe thẳng xuống Hà Nội để nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa tiếng anh của trường Đại học Phương Đông. Tổng số điểm em đạt được là 27.0”.

Trước đó, trong đợt xét tuyển đầu, Thủy đã nộp hồ sơ vào ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học Hà Nội nhưng không đỗ.

thuong-4-5a276
Thí sinh Vũ Thị Thủy cũng là một trong rất nhiều thí sinh trực tiếp xuống trường Đại học nộp hồ sơ trực tiếp để an tâm.

Thủy cho biết, rất nhiều bạn bè cùng đi xuống Hà Nội để trực tiếp nộp hồ sơ vào trường thay vì nộp theo đường bưu điện hay qua sở GD&ĐT như đã được khuyến cáo.

Nguyễn Thị Linh, bạn học cùng trường với Thủy tâm sự: Năm trước Linh cũng bị gửi giấy báo trúng tuyển chậm mất gần một tháng nên đã không kịp nhập học mà phải đợi sang năm thi tiếp.

thuong-3-5a276
Mặc dù đợt xét tuyển thứ 2 không quá đông như đợt 1 nhưng các nhà trường luôn có đội thí sinh túc trực để tư vấn và tiếp nhận hồ sơ cho thí sinh.

“Em rất lo, nếu giấy báo điểm lại bị chậm thêm lần nữa em sẽ không biết phải làm thế nào. Đó là tương lai của bản thân nên em muốn chủ động đi nộp hồ sơ thay vì nộp gián tiếp. Hiện tại, em chưa thể đặt niềm tin vào đường bưu điện sau một lần bị chậm giấy báo điểm như vậy” – Linh nói.

Rất nhiều các bạn của Linh cũng đã đến thẳng trường để nộp hồ sơ xét tuyển thay vì nộp qua sở GD&ĐT hay bưu điện.
 
Phần thiệt vẫn về thí sinh

Bên cạnh vấn đề nộp hồ sơ trực tiếp hay gián tiếp qua Sở hoặc đường bưu điện, ở đợt xét tuyển này thí sinh còn phải đối mặt thêm một mối lo lắng nữa. Theo lịch trình thì những năm trước các trường tốp dưới thường có giấy báo trúng tuyển trước.

thuong-1-5a276
Rất đông thí sinh trực tiếp đến nộp hồ sơ buộc đội sinh viên tình nguyện phải liên tục làm công tác hỗ trợ thí sinh trong một số tình huống vướng mắc hay giải đáp thắc mắc.

Theo như các năm trước đây, thí sinh chỉ cần đợi giấy báo trúng tuyển của trường do mình nộp hồ sơ gọi đến nhập học, còn các trường khác gọi thì cũng không quan tâm. Tuy nhiên, theo như cách xét tuyển đợt 2 năm nay thì thí sinh sẽ được nộp tối đa 3 nguyện vọng. Ngoài 3 nguyện vọng đã nộp thí sinh không được thay đổi, rút hoặc bổ sung thêm bất kỳ nguyện vọng nào.

Điều này đã vô tình đưa thí sinh vào “cái bẫy” khi mà theo như thường lệ, các trường Đại học tốp dưới thường gửi giấy báo nhập học trước. Trước thực trạng này, chắc chắn sẽ có không ít thí sinh bị mắc bẫy nhập học vào trường tốp dưới do được mời gọi trước. Phần lớn các trường Đại học này đánh vào tâm lý những thí sinh có số điểm chấp chới, có tâm lý lo lắng, nóng ruột chờ kết quả từ nhà trường.

thuong-2-5a276
Bàn tư vấn tuyển sinh của Đại học Phương Đông luôn không ngớt thí sinh đến thắc mắc về nhua cầu tuyển sinh.

Em Nguyễn Lê Hoàng Long, Thí sinh đến từ (Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa) đạt số điểm 25.5 trong kỳ thi vừa qua chia sẻ. Long nộp hồ sơ xét tuyển đợt đầu nhưng không trúng truyển nên phải chờ vào vận may của đợt thứ 2.

Long cho biết, hiện tại chỉ mong có kết quả 1 trong 3 trường nộp nguyện vọng em sẽ đến nhập học. Thời gian đợi chờ giữa các đợt xét tuyển gần tháng trời là quá lâu không khỏi khiến thí sinh nóng ruột.
 
“Em cùng mấy đứa bạn quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào 3 nguyện vọng ở 3 trường khác nhau nhưng nếu trường nào gửi giấy báo nhập học sớm em sẽ đến nhập học. Vì thời gian chờ đợi nộp hồ sơ rồi đợi kết quả xét tuyển giữa các đợt là quá lâu. Việc ngồi ở nhà nhìn các bạn cùng chăng lứa đi nhập học còn mình thì đang lông bông đợi kết quả khiến chúng em không khỏi chạnh lòng, cảm giác như ngồi trên đống than hồng” – Long nói.

Theo chị Lương Thị Hồng Ngọc, sinh viên năm 3 một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội tâm sự: Các em không nên quá nóng vội để nhập học ở một trường hoặc ngành mình không yêu thích bởi lẽ thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì quá nôn nóng đi nhập học sớm do nhận được giấy báo trúng tuyển từ trường Đại học dân lập.

Tuy nhiên, sau đó khoảng 1 tuần trường Đại học lớn khác mới có giấy báo trúng tuyển. Khi nhận được giấy báo nhập học của trường yêu thích thì các bạn muốn xin rút hồ sơ nhưng ban tuyển sinh nhà trường khất lùng quanh và cuối cùng là không rút được.

Được biết, để thu hút thí sinh rất nhiều trường Đại học dân lập đã đánh giấy báo điểm sớm để các em đến nộp hồ sơ nhập học. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ làm thủ tục thì cả tháng sau nhà trường mới cho các em nhập học. Đó là cách mà các trường đại học tốp dưới vẫn dùng để hút thí sinh.

Xét tuyển nguyện vọng 2 Đại học 2015  và những điều cần lưu ý:

Xét tuyển NV bổ sung đợt 2:
Từ ngày 26/8 đến hết ngày 7/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10/9).

Xét tuyển NV bổ sung đợt 3:
Từ ngày 11/9 đến hết ngày 21/9 (Công bố điểm trúng tuyển trước ngày 24/10).

Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường Cao đẳng):
Từ ngày 25/9 đến hết ngày 15/10 ( công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/10).

Các trường ĐH, CĐ và các Sở GD&ĐT báo cáo kết quả tuyển sinh 2015 về Bộ GD&ĐT chậm nhất là ngày 31/12.

Thí sinh lưu ý trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày