Tranh cãi về quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô

Phương Ly, Theo Trí Thức Trẻ 16:03 08/01/2016

Mới đây, Bộ công an vừa ban hành lệnh trang bị phương tiện PCCC dành cho một số loại ô tô. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này lại xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 57, hướng dẫn trang bị phương tiện PCCC đối với ô tô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

Theo danh mục quy định, ô tô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg.

Về chế tài xử lý chủ phương tiện không chấp hành quy định của Thông tư trên, Bộ Công an cho biết, việc xử lý sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy... Cụ thể, mức phạt tiền đối với ô tô 4 chỗ trở lên không trang bị thiết bị phương tiện chữa cháy thông dụng từ 300.000-500.000 đồng và lên 3-5 triệu đồng đối với xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

Bắt đầu từ ngày 6/1, thông tư này đã chính thức có hiệu lực. Tại nhiều nơi, cảnh sát giao thông đã được phép dừng để xử lý những ô tô sai phạm khi không lắp bình cứu hỏa. 

Tuy nhiên, vấn đề cần phải có bình cứu hỏa hay không đang tạo nên một cuộc tranh cãi với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số người cho rằng cần phải trang bị phương tiện PCCC để đảm bảo an toàn khi ô tô xảy ra sự cố thì đa số không đồng tình vì một số bất cập mà nó mang lại. 

Phương tiện PCCC để đảm bảo cho chính tài sản và tính mạng cá nhân

Trước tình trạng ô tô, xe máy đang đi trên đường… bỗng dưng bốc cháy, việc tìm giải pháp để hạn chế, ứng phó với tình huống nguy hiểm này là vô cùng cần thiết. Chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có 123 vụ cháy ô tô. Nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự với hơn 2,6 triệu ô tô trên cả nước là rất lớn. 

Trong hầu hết các trường hợp trên, chủ phương tiện tham gia giao thông đều không trang bị bất kỳ dụng cụ PCCC nào, vì thế khi xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về tài sản không đáng có. 

Tranh cãi về quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô - Ảnh 1.

 Nhiều ý kiến cho rằng, trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô là cần thiết - (Ảnh: Internet).

"Thông tư trên quy định, phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Thế nên mọi người cố gắng mua lấy một bình mini, để khi có nguy hiểm hay cháy nổ gì thì còn có thể sử dụng ngay được chứ", một cư dân mạng bình luận.

"Bao nhiêu vụ cháy nổ đã xảy ra, nhưng lúc đó đều không có bất kì phương tiện nào dập lửa, đang đi trên đường thì không có nước. Thế nên tài xế chỉ biết ngậm ngùi và bất lực đứng nhìn ô tô của mình cháy. Chưa kể đến trường hợp chính bản thân cũng bị mắc kẹt trong ô tô luôn mà không biết làm sao. Nếu giờ có bình cứu hỏa, chí ít sẽ có dụng cụ hỗ trợ khi xảy ra cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại cả về người và tài sản", một người khác cho hay. 

Bất cập nhiều hơn tiện lợi?

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì khá nhiều độc giả không hài lòng vì những bất cập của bình cứu hỏa đem lại. Chưa kể có người còn băn khoăn thị trường bình chữa cháy mini có quá nhiều chủng loại, không có sự kiểm soát, quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và không biết mua loại nào mới là tốt.

"Mọi hướng dẫn đều rất chung chung, dựa vào cảm quan, kinh nghiệm rồi hỏi bạn bè là chủ yếu, không có một sự hiểu biết nhất định. Đôi khi chính điều đó sẽ gây nên thiệt hại cho tính mạng và tài sản của bản thân. Nhiều người đi mua thì mù mờ, ra cửa hàng thấy được cái nào ưng mắt thì mua còn không biết công dụng, hiệu quả thực tế ra sao. Đã có trường hợp mua bình chữa cháy mini trong siêu thị để bảo vệ xe của mình nhưng bình lại phát nổ, tiền mất tật mang nên khiến nhiều người càng hoang mang hơn", anh P.V cho biết.

Tranh cãi về quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô - Ảnh 2.

 Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, bình cứu hỏa mang lại nhiều bất cập hơn thuận lợi - (Ảnh: Internet).

"Trong trường hợp bị nổ do thiết bị không đảm bảo sự an toàn, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?", anh H.V băn khoăn.

Khi xảy ra sự cố, hầu như không có ai có đủ sự bình tĩnh mà đều cố gắng chạy thật nhanh ra ngoài để cứu tính mạng của mình trước tiên. Lúc này, bình cứu hỏa không những không lấy được mà còn có khả năng sẽ làm ngọn lửa bùng lên lớn hơn. 

"Khi phát hiện đám cháy trong xe, trước tiên, phải lục tìm bình chữa cháy, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, xác định vị trí cháy và bấm nút. Sau đó mở cửa xe, chạy ra ngoài xa nhất có thể, và đợi xe... nổ. Trong lúc hoảng loạn nhất thì sau khi thực hiện các công việc trên, khả năng rủi ro là quá cao. Thà thoát thân ngay từ đầu để cứu lấy mình trước, nếu không mất cả người lẫn xe", bạn N.V lên tiếng. 

"Vị trí bình cứu hỏa dễ thấy, dễ lấy, thế nhưng nếu chỗ đó cháy trước tiên thì sao. Sáng nay mua cái bình cứu hỏa xong nghĩ là nếu xe cháy mà mình cứu được cái bình cứu hỏa này thì chết cháy luôn", một cư dân mạng tỏ ra hoang mang. 

Tranh cãi về quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô - Ảnh 3.

 Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bình cứu hỏa có mang lại an toàn cho chủ phương tiện? - (Ảnh: Internet).

Một vấn đề lớn hơn đặt ra đó chính là liệu bình cứu hỏa này có mang lại sự an toàn cho chủ nhân và phương tiện hay lại chính là nguyên nhân gây nên tình trạng cháy nổ. 

"Bảo quản bình chữa cháy từ -10 độ đến 55 độ, và có nguy cơ nổ ở nhiệt độ 60 độ C. Mà vào mùa hè, nhiệt độ trong ô tô để ngoài trời có thể lên đến 60 độ C. Như vậy có khi nguy cơ cháy xảy ra còn lớn hơn là không có bình. Chẳng lẽ chỉ được sử dụng bình khi vào mùa đông, hay là vào mùa hè đi đâu thì cầm theo bình đi?", một người bức xúc.

"Mình nghĩ việc trang bị phương tiện PCCC này là không cần thiết. Tại sao không phải là hộp cứu thương, dụng cụ phòng thân mà lại là bình chữa cháy trong khi số vụ cháy xe ít hơn rất nhiều lần so với số vụ tai nạn không được cấp cứu kịp thời", một người khác lên tiếng.