Trắng đêm cứu biển Cửa Đại

Tam Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 05/01/2016

“Chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực để cứu biển Cửa Đại. Về lâu dài thì không nói trước được gì nhưng nhìn chung thời gian qua, những đoạn bờ biển được kè mềm đã bắt đầu có hiệu quả…”, ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) chia sẻ.

Đi tìm nguyên nhân cửa đại bị xâm lấn

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, bờ biển Hội An bị lấn sâu vào khoảng 160 mét. Đặc biệt, cuối tháng 10/2015, chỉ sau một đêm mưa gió, biển Cửa Đại đã bị xâm thực khoảng 30-40 mét, sóng biển đã đánh bật bờ kè và nhấn chìm những bao cát chắn sóng cùng hàng chục cây dừa xuống đáy biển.

Để giữ lấy đất và tài sản, các chủ nhà hàng đã phải huy động hàng chục nhân viên phối hợp với hàng trăm dân quân tự vệ đóng cọc, dùng bao tải cát và nhiều vật liệu khác để kè tạm khẩn cấp bờ biển.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 1.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 2.

 Người dân Hội An đang nỗ lực cứu biển Cửa Đại

Ngày 26/10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi hội thảo với đoàn chuyên gia hàng đầu đến từ Hà Lan để tìm biện pháp khắc phục việc sạt lở biển Cửa Đại. 

Tại buổi hội thảo, đa số các nhà khoa học đều cho rằng, một trong những nguyên nhân chính làm cho bờ biển Cửa Đại sạt lở là do biến đổi khí hậu, cộng với sự can thiệp thô bạo của con người, như xây các công trình thủy điện ở thượng nguồn ngăn sông, suối dẫn đến thiếu hụt lượng cát và bùn đổ về hạ lưu. Thêm vào đó, nạn phá rừng đầu nguồn và khai thác cát sỏi bừa bãi càng làm cho quá trình xói lở gia tăng mạnh hơn trong thời gian qua.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 3.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 4.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 5.

 Hàng chục nhân viên phối hợp với hàng trăm dân quân tự vệ đóng cọc, dùng bao tải cát và nhiều vật liệu khác để kè tạm khẩn cấp bờ biển.

Đầu tháng 9/2015, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Cửa sông, Bờ biển và kỹ thuật sông Hội An, với gần 30 chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Đan Mạch… Tại Hội thảo, GS-TS Hitoshi Tanaka (nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường Vùng Châu Á-Thái Bình Dương; phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản) và PGS-TS Nguyễn Trung Việt đều nhận định: “Nguyên nhân gây nên xói lở bờ biển Cửa Đại là do sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu”.

Sau hai buổi hội thảo nói trên, ngày 26/11, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Công văn số 5488 “cầu cứu” Chính phủ và các cơ quan chức năng đề xuất xử lý khẩn cấp 1,3 km bờ biển Cửa Đại với hình thức làm đê chắn sóng và tạo bãi biển với kinh phí khoảng 55 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ 40 tỉ đồng, phần còn lại tỉnh sẽ lấy từ ngân sách.

Ngay sau đó, chiều ngày 30/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp “vi hành” đến hiện trường để kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại. Sau khi tận mắt chứng kiến, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại có nguy cơ đe dọa đến đô thị cổ Hội An, một di sản văn hóa thế giới.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 6.

 Những cây dừa cuối cùng đang được chèn chống rất cẩn thận

Do vậy, Phó Thủ tướng đồng ý với phương án trước mắt là hỗ trợ kinh phí 40 tỉ đồng từ nguồn chi dự phòng ngân sách để đầu tư làm kè. 

Ông Nguyễn Sinh, chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) cho biết, việc cần phải làm bây giờ không phải chỉ là cứu bờ biển ven các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà là khẩn trương cứu cả một dải dài nối với các bãi tắm công cộng, khu dân cư, khu kinh doanh dịch vụ của người dân ở khu vực xung quanh đó.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 7.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 8.

 Bờ kè chắn sóng được xây nhiều lớp khá công phu

Ông Sinh cũng thông tin thêm, vì việc sạt lở bờ biển đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của những chủ nhà hàng, quán ăn cũng như những người bán hàng rong ở khu vực Cửa Đại. Chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho những đối tượng này. 

“Năm ngoái địa phương đã giảm 148 triệu tiền thuê mặt bằng cho 12 hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn ở khu vực bãi tắm Cửa Đại và giảm 50% tiền thuế mặt bằng cho những người bán hàng rong ở khu vực bãi dừa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét tiếp tục giảm tiền thuê mặt bằng cho những người này…”, ông Sinh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), thành phố đã cho lắp đặt hai camera ngoài bãi biển Cửa Đại để giám sát 24/24, những hình ảnh và số liệu ghi lại được sẽ truyền trực tuyến về máy tính ở trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung… Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ cho người dân tiến hành chắn sóng. Hơn 3km bờ biển đã được gia cố, kè chắn cẩn thận, sau khi có nguồn ngân sách, chúng tôi sẽ tiếp tục kè chắn bờ biển và tiếp tới là từng bước bồi, lán, được hút cát đổ vào để tạo bãi như trước kia”.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 9.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 10.

 Đoạn bờ kè mềm chắn sóng bằng bao tải địa kỹ thuật Geo Bagde nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan

Được biết, sau Hội thảo khoa học, các chuyên gia và chính quyền đã đi đến thống nhất là sẽ kè mềm biển Cửa Đại bằng bao tải địa kỹ thuật Geo Bagde nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan. Theo ông Dũng, quá trình thi công kè mềm biển Cửa Đại khá tỉ mỉ và công phu. Đầu tiên phải đóng cọc tạo móng, rồi cho bao tải cát bình thường xuống làm nền. Ngoài ra phải đóng một hàng cọc sắt dài như một bức tường chịu sóng. Sau đó mới tiến hành xếp chồng từng lớp bao tải bằng vải địa kỹ thuật khít lại với nhau theo hình như một vách ta-luy ngay mặt biển. 

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 11.

Trắng đêm cứu biển Cửa Đại - Ảnh 12.

 Với những sự nỗ lực, chính quyền và người dân Hội An đang cố gắng để giữ lại bãi biển từng được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất Châu Á.

Khi PV đề cập đến tính hiệu quả của việc kè mềm bằng bao tải địa kỹ thuật Geo Bagde và liệu rằng 40 tỷ xin từ trung ương có như “Dã tràng xe cát biển đông” hay không, ông Dũng thật thà chia sẻ: “Không ai có thể nói trước được điều gì với thiên tai. Ở nơi khác thì họ áp dụng rất hiệu quả còn ở mình thì chưa biết sao, phải qua thực tế mới rõ được. Chỉ hy vọng rằng với những giải pháp này, trước mắt sẽ bảo vệ được bờ biển”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày