Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật

Vy Trần, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 14/09/2013

Cô sinh viên trẻ có cái tên đẹp Giang Mỹ Anh đã sớm phải vất vả giữa đời để có thể lo cái ăn cho gia đình có bà bại liệt và em gái bị bệnh não bẩm sinh.

Chúng tôi đến thăm gia đình cô Diệp Bảo Ngọc (sinh năm 1967) tại quận Bình Thạnh, TP HCM vào một buổi sáng tháng 9 nhiều mưa bão. Cô gái trẻ Giang Mỹ Anh (sinh năm 1994) đang hối hả cùng mẹ chăm sóc cho bà ngoại và em gái để kịp giờ đi làm thêm buổi sáng. Mỹ Anh lễ phép chào khách cùng bà và mẹ rồi đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi làm trong màn mưa nặng hạt.

Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật 1
Chỉ mới 19 tuổi nhưng Mỹ Anh đã là trụ cột của gia đình có nhiều người thất nghiệp và bệnh tật nặng.

Được biết, gia đình cô Diệp Bảo Ngọc (mẹ của Mỹ Anh) là gia đình thuộc diện nghèo khó nhất khu phố này. Tất cả những người trong gia đình gồm cô Ngọc, mẹ cô bị liệt nhiều năm nay và con gái út bị bại não bẩm sinh của cô đều sống dựa vào những phần cơm từ thiện ở các chùa và đồng lương ít ỏi của đứa con gái lớn năm nay 19 tuổi – Giang Mỹ Anh.

Mỹ Anh đang học năm thứ nhất khoa kế toán của trường cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ. Cô gái 19 tuổi cao ráo, xinh đẹp, hiền lành và giỏi giang này có lẽ là một đứa con gái đáng mơ ước của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Mỗi ngày, Mỹ Anh đi làm ở nhà hàng gà rán với mức lương 9.000 đồng/h để kiếm tiền chi trả việc học cho chính mình. Ngoài ra, cô con gái có hiếu này còn có một công việc dài hạn từ năm học cấp 3 là giúp việc nhà cho chính cô giáo chủ nhiệm trong trường mà Mỹ Anh đang theo học. Vì cảm thương tình cảnh khốn khó của gia đình cô học trò có ba bỏ đi mất tích, phải nuôi nhiều người bệnh nặng… cô giáo ở trường cấp 3 đã đề nghị Mỹ Anh về giúp mình dọn dẹp nhà cửa, chăm lo bữa ăn và trả tiền hàng tháng để Mỹ Anh có điều kiện phụ giúp mẹ, có tiền mua thuốc cho em.

Với nhiều bạn trẻ, vừa phải đi học, vừa phải đi làm để tự lo cho mình và lo cho cả gia đình rõ ràng là một vấn đề rất lớn, rất vất vả - chẳng ai muốn. Nhưng với Mỹ Anh, có được công việc để kiếm tiền giúp mẹ và tự lo cho việc học của mình là một điều may mắn lớn của cô. Và cứ thế, mỗi ngày, sau giờ học, Mỹ Anh lại cần mẫn giúp việc nhà cho cô giáo để kiếm tiền, rồi lại về nhà phụ mẹ giữ em, chăm sóc bà… Quả là một cô gái siêng năng, đầy nghị lực và đáng khâm phục.


Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật 2

Cô Ngọc bên đứa con bệnh tật đáng thương của mình.

Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật 3

Mỹ Quỳnh đã 10 tuổi nhưng chẳng thể tự làm được gì vì bị bại não bẩm sinh.

Cô Diệp Bảo Ngọc tâm sự: “Vì là gia đình nghèo nên cháu nó (Mỹ Anh) đi học được giảm 50% học phí ở trường nghề. Buổi sáng cháu đi học, chiều tối về đi làm việc bán thời gian ở tiệm gà rán ngoài Hàng Xanh, mỗi giờ được 9.000 đồng, ngày làm vài giờ, nhưng có ngày cũng không làm vì không được quản lý xếp ca nếu quán vắng khách. Thu xếp giờ rảnh trong ngày, cháu sang phụ nhà cô giáo những việc vặt gia đình. Nó ngoan lắm, đi làm tự kiếm tiền học, rồi tự nguyện đưa hết cho mẹ để lo cho em, cho bà… nhưng chưa bao giờ than vãn hay hỗn láo với mẹ, với bà 1 câu. May mà tôi còn có nó bên cạnh phụ giúp và thương mình”.

Kể về cuộc đời mình, về người chồng tệ bạc,về đứa con gái út bệnh não bẩm sinh đáng thương và người mẹ già yếu, chị Ngọc chia sẻ trong nước mắt: “Hai vợ chồng ở với nhau đến năm 2003 thì sinh cháu Mỹ Quỳnh, lúc có thai bác sĩ bảo bình thường nhưng khi sinh ra, chẳng hiểu vì sao cháu khóc suốt. Đưa đến bệnh viện khám lại mới phát hiện cháu bị bại não từ trong bụng mẹ. Gia đình đã chạy vạy chữa trị ở nhiều nơi như bệnh viện nhi đồng, chạy điện ở trạm y tế trong 6 năm đều không chữa khỏi.

Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật 4

Sau nhiều năm chữa trị cho con gái nhưng bất thành, cô Ngọc đã trắng tay.

Chồng tôi lấy lý do con bệnh hay khóc, nhà nghèo khó, chật chội nên bỏ về nhà ông ấy ở với gia đình. Tôi cũng van xin hết lời để chồng ở lại phụ chăm sóc các con, có đàn ông trong nhà dù sao cũng đỡ vất vả nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Rồi ông ấy đi, lâu lâu mới về cho đến khi mất tích, chẳng thấy về nữa. Nghe bên nhà đó nói là ổng đi trốn nợ luôn rồi. Tôi cũng không biết vì sao ổng nợ, chứ thật tình ổng đâu có phụ cho vợ con đồng nào. Nhưng thôi số rồi, may nhờ còn có Mỹ Anh nó ngoan và biết thương mẹ, thương bà, thương em…

Má tôi ngày xưa khỏe còn phụ tôi chăm cho Mỹ Quỳnh nhưng cách đây 4 năm bà đã bị tai biến gây bại liệt. Vậy là Mỹ Anh vừa lớn, đã có thể đi làm phụ mẹ thì tôi lại phải nghỉ việc ở nhà để nuôi mẹ mình và đứa con gái bệnh tật này. Gánh nặng chồng thêm gánh nặng, nhà đã nghèo lại thành bần cùng hơn…”.

Thương cảm gia cảnh cô sinh viên 9X một mình đi làm nuôi cả nhà bệnh tật 5

Không làm chủ được bản thân, Mỹ Quỳnh từng cắn bể một cái muỗng và nuốt vào bụng phải đi phẫu thuật nên cô Ngọc rất lo, chỉ cho ăn bằng tay để an toàn cho con gái.

“Những bữa cơm của gia đình tôi là những phần cơm chay từ thiện xin ở chùa gần nhà. Người ta quen mặt, biết nhà khó khăn và có người bệnh nặng nên cũng thương, hay để phần riêng cho tôi mà không phải xếp hàng như những người khác. Ngày xưa chùa cho ngày hai bữa, cơm trưa và cơm chiều nhưng giờ chắc kinh tế cũng khó khăn, người ta ít đi làm từ thiện hơn nên gia đình tôi chỉ còn xin được một bữa cơm. Bữa còn lại phải tự túc. Hiện tại thì đang sống chính là dựa vào mấy trăm ngàn mỗi tháng của cháu nó đem về và các phần gạo từ thiện người ta cho, để dành ăn dần dần cho qua bữa. Canh rau thì ăn đạm bạc thôi, hàng xóm ai cho đồ ăn thừa thì mình lấy về ăn cho có chất vì mọi bữa toàn ăn chay (cơm từ thiện của chùa). Sống tằn tiện lắm, gạo từ thiện đem về tôi cũng phân ra coi cái nào cũ, có mối mọt thì đem ra ăn trước, cái này còn mới thì phơi nắng để dành…

Bà già bệnh nặng nhưng chưa đủ tuổi nên chưa được hưởng trợ cấp, tôi có đi xin nhưng đó là quy định rồi, phường người ta không duyệt cho mình được, phải đợi thêm vài năm nữa.

Mỹ Anh được phường cho mỗi tháng 480.000 đồng. Tiền này để dành mua mắm, muối, xà bông… tiêu dùng trong sinh hoạt. Nhiều người khuyên tôi bỏ cháu, đem vào trại mồ côi vứt đi nhưng nói thật là tôi không đành lòng. Cả những khi đói nhất, không có gạo ăn, đi xin cơm từ thiện trễ bị hết cơm… thì tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc tàn nhẫn đó. Dù nó bị bệnh, nó chưa bao giờ làm được cái gì cho mình nhưng nó là con mình đứt ruột sinh ra. Ba nó bỏ nó rồi, tôi làm mẹ mà cũng vậy thì sao đành…”.

Nói đến đây, chị Ngọc bật khóc… Những giọt nước mắt như chất chứa bao ngày, hôm nay có dịp giãi bày bỗng vỡ òa trong cảm xúc. Người mẹ già bị liệt của chị cũng đỏ mắt, ngước nhìn lên trần nhà buồn bã mà chẳng thể nói được gì. Bé Mỹ Quỳnh vẫn vô hồn nhìn mẹ, không khóc không cười, dù có thể chính cô bé cũng cảm nhận được sự vất vả, đau khổ của mẹ mình trong suốt 10 năm qua một thân một mình chăm lo cho nó.

Gia đình cô Diệp Bảo Ngọc và em Mỹ Anh đang rất cần sự chia sẻ của mọi người. Mong rằng quý độc giả và các nhà hảo tâm sẽ cùng chung tay giúp đỡ cho cuộc sống của cô sinh viên hiếu thảo và người mẹ hiền lành, bất hạnh này được tốt đẹp hơn.

Mọi thông tin liên hệ xin gửi về:

Cô Diệp Bảo Ngọc

420/8 Lê Quang Định – phường 11 – quận Bình Thạnh - TP HCM.

Điện thoại: (08) 62975182 – gặp cô Ngọc.