Sưng đau, nổi mủ sau một đêm
Theo một nghiên cứu của BV Da liễu Hà Nội, đến 60% bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt vào buổi sáng.Ban đầu chỉ là những biểu hiện hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da và sau đó thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mún nước to nhỏ không đều. Sau đó từ 1- 3 ngày, những mụn nước đó to thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này, nhiều người bệnh ngoài biểu hiện tại chỗ còn có biểu hiện ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn.
Với tổn thương do do viêm da tiếp xúc như thế này, người bệnh rất đau đớn,ngứa ngáy,khó chịu. vùng tổn thương sâu phỏng mủ dễ nhiễm trùng và cũng có thể để lại sẹo. (Ảnh: BS cung cấp)
Trong số những bệnh nhân này, đại đa số vết phỏng, ngứa mất đi sau 3- 5 ngày nhưng cũng có người bị tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt, bạch cầu tăng cao, người bệnh vô cùng đau đớn, khó chịu.
Bác Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, thời gian gần đây nhiều người tới viện khám vì toàn bộ vùng mặt ngứa đỏ lan tỏa, nổi mủ, hay mắt sưng húp, dọc cánh tay, chân có những vết bị “cày sâu” xuống tạo mủ như giời leo… khiến người bệnh vô cùng đau đớn, khó chịu. Đa phần người bệnh đều tự điều trị trước khi đến viện vì nghĩ mình bị zona thần kinh”.
Vào những ngày cao điểm, một ngày bệnh viện tiếp nhận 400-500 bệnh nhân có biểu hiện nổi cộm thành vệt đó, nhiều mụn nước to nhỏ và trong đó tới một nửa là được xác định là viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và các loại côn trùng khác như bướm trắng cũng gây ngứa, dị ứng.
Đáng nói, những trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh việm da tiếp xúc do côn trùng là khá phổ biến, rơi vào những người bị vết phỏng rộng, lan toả, nổi mủ và họ tự mua thuốc bôi điều trị. “Có những người bệnh bôi nhiều thuốc Acyclovir- một loại thuốc kem điều trị nhiễm vi rút herpes đến mức bị loét da, tổn thương da càng sâu hơn, lúc này việc điều trị càng lâu hơn. Việc điều trị không còn dừng lại ở thuốc bôi ngoài ra nữa mà thậm chí bệnh nhân phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng do tổn thương lan rộng, nổi mủ rất dễ nhiễm trùng”, BS Hùng nói.
Điều trị đúng cách
Với bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang (hay với nhiều loại côn trùng khác), việc điều trị chủ yếu là điều trị tại chỗ, tùy theo giai đoạn của bệnh.
Ngay khi có dấu hiệu nổi vế đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ, tốt nhất dùng nước muối sinh lý rửa ngày 3- 4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng. Sau đó, bôi các thuốc làm dịu da như hồ nước, hồ Tetra – pred. Khi tổn thương khô thì bôi kem khángsinh, hoặc kem kháng sinh kết hợp chống viêm là corticoid…
Tuy nhiên, khi bôi vẫn không giảm nhanh triệu chứng và xuất hiện tổn thương lan rộng, nhiễm trùng toàn thân thì nhất định người bệnh phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng hợp lý.Theo chuyên gia về da, thẩm mỹ TS Nguyễn Viết Lượng (Viện Bỏng quốc gia), những tổn thương do viêm da tiếp xúc với côn trùng này cũng có thể để lại sẹo khiến chị em tự ti. Vì thế, khi xuất hiện những nốt phỏng đỏ, cần được bác sĩ tư vấn, điều trị để tránh tổn thương lan tỏa, sưng mủ.
Trẻ em dễ bị tổn thương sâu, phỏng mủ nếu không kiêng gãi và không bôi thuốc đúng cách. (Ảnh: BS cung cấp.)
Đặc biệt trẻ em là đối tượng bệnh dễ tiến triển nặng nhất do các em không chịu được ngứa, càng ngãi tổn thương càng lan rộng, sâu. Mức độ tổn thương tại chỗ cũng như những dấu hiệu toàn thân như ngây ngấy sốt, khó chịu, nổ hạch, đau… cũng khác nhau tùy mức độ tổn thương. Có người chỉ bị một vài con đốt, nhưng có người đến vài chục con gây tổn thương rất rộng, phù nề toàn bộ vùng mặt.
“Có lần, vừa tới viện thì nghe giúp việc gọi đang bắt taxi đưa con gái hai tuổi nhà mình vào viện cấp cứu. Hoảng hồn, một đằng thì vẫn lên taxi đi, một đằng lao lên xe máy để gặp giữa đường còn xem tình hình con. Khi gặp con trên taxi, nhìn thấy dọc chân con từ đùi xuống dưới bọng chân chi chít mụn nước nhỏ, mình hiểu ngay căn nguyên, cho taxi quay lại nhà và rửa sạch vết đốt cho con, bôi kem chống dị ứng, và uống thuốc kháng histamine, em bé dịu ngay. Hóa ra, vì không để ý, người giúp việc cho con chơi dưới vườn hoa, đúng tổ kiến đỏ, kiến đốt con, nọc độc quá nhiều khiến con ngứa, bứt dứt, khó chịu, rồi ngây ngấy sốt bà giúp việc hoảng quá, vừa gọi điện cho mẹ vừa căp con vào viện”, một bác sĩ đang công tác tại viện Nhi TƯ chia sẻ.
“Nếu không xử lý đúng, để bé gãi ngứa thì tổn thương trên da sẽ lan rộng và sâu hơn, thậm chí tạo mủ. Vì thế, khi có dấu hiệu trên, đặc biệt ở trẻ nhỏ tốt nhất nên đưa con tới viện khám để bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cách xử lý. Nhưng việc quan trọng đầu tiên là rửa ngay vết đốt dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt nọc độc của côn trùng”, BS Hùng khuyến cáo.
Để ngừa viêm da tiếp xúc do côn trùng, cần kiểm tra quần áo, khăn trước khi mặc, rửa mặt, kiểm tra giường chiếu trước khi ngủ. Đề phòng côn trùng ào nhà có thể lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào, không nên bật điện sáng trong phòng, mà bật điện sáng ngoài sân, hành lang để thu hút côn trùng…