Sẽ không còn cảnh học sinh Trường tiểu học Bà Triệu phải xuống lòng đường

Thu Hường – Ảnh: Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 00:30 27/05/2015
Chia sẻ

Chuẩn bị đón lễ bế giảng cuối cùng trước khi chia tay ngôi trường cũ nhưng thầy trò trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) đều vui mừng bởi một thời gian ngắn nữa, họ sẽ không còn phải dạy và học trong không gian chật hẹp; sẽ không còn phải xuống lòng đường nườm nượp xe cộ để chào cờ, hay tập thể dục.

Đến thăm trường Tiểu học Bà Triệu vào đúng dịp cuối năm học, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì không khí làm việc khẩn trương ở đây.

Giữa không gian chật chội cùng tiết trời oi nóng, hàng trăm giáo viên, học sinh đang hăng say hoàn tất các công việc chuẩn bị cho lễ bế giảng cuối cùng trước khi chuyển đến địa điểm mới.

Cô Lê Thu Hằng (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này là thầy và trò đều phải làm việc hết công suất để hoàn thành mọi công việc trước khi bước sang một kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, năm nay mọi người có phần háo hức hơn vì sắp tới có thể sẽ là lễ bế giảng cuối cùng phải đi mượn địa điểm ở trường khác. Đây cũng là một dấu mốc đáng nhớ vì sang năm, thầy và trò nhà trường sẽ được chuyển đến một ngôi trường mới khang trang, hiện đại hơn”.

Niềm vui này xuất phát từ hành trình hiện thực hóa giấc mơ được học tập, giảng dạy trong một khuôn viên có sân chơi là một con đường hết sức gian nan mà họ đã phải kiên trì theo đuổi suốt hơn 20 năm qua. 

Ký ức "chào cờ, hát quốc ca giữa lòng ngã tư phố"

Nhiều năm qua, trường Tiểu học Bà Triệu nổi tiếng là ngôi trường có không gian chật hẹp nhất Thủ đô. Do diện tích quá nhỏ, trường được chia làm 3 điểm, nằm rải rác ở phố Tô Hiến Thành, Bà Triệu. “Những năm qua, chúng tôi luôn phải gắn bó với không gian chật chội, ngột ngạt, học sinh phải chào cờ, học thể dục dưới lòng đường. Điều đó gần như trở thành một ký ức ám ảnh đối với tuổi thơ của các em” – cô Lê Thiện Chi, một giáo viên gắn bó với trường Tiểu học Bà Triệu hơn 30 năm chia sẻ.

Theo cô Hằng, trong 3 điểm này, chỉ có cơ sở trên phố Bà Triệu có sân chơi là sân chung với nhà dân. Các điểm còn lại không có sân trường hoặc chỉ có hành lang rất nhỏ.

"Sân trường" của trường Tiểu học Bà Triệu với diện tích chỉ khoảng 16m2

Khoảng trống "eo hẹp" của trường được tận dụng làm chỗ để xe của thầy cô giáo.

“Tất cả các cơ sở của nhà trường đều là nhà biệt thự được xây theo lối kiến trúc Pháp cổ. Diện tích phòng học nhỏ, không phân ra được bục giảng và bàn học vì kê sát với bảng. Do không có sân, nên hầu như giờ ra chơi, học sinh thường "vận động" trong lớp” – cô Hằng cho hay.

Diện tích ngôi trường này chật hẹp đến nỗi, nơi làm việc của Ban giám hiệu, kỳ thực chỉ là một không gian "đầu thừa đuôi thẹo" nhờ dựng tường, lợp mái mà thành. Thậm chí, nhà trường còn tận dụng hành lang trên tầng 3 để xây thêm một phòng học nhỏ, chỉ kê vừa 8 bộ bàn ghế.

Cửa lớp được chắp vá bởi những mảnh gỗ khác


Thậm chí các lớp học ngay sát vách nhau.

Hai lớp học cùng chung một hành lang khiêm tốn để di chuyển

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà thầy và trò nhà trường gặp phải là việc không có sân chơi. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các hoạt động tập thể, ngoại khóa của học sinh.

Theo nhiều thầy cô, ký ức ám ảnh nhất với họ là những lần chào cờ dưới lòng đường, trước cổng trường. Mỗi giờ chào cờ đều diễn ra rất nhanh gọn và để đảm bảo an toàn cho học sinh, tất cả các thầy cô đều phải đứng xuống cuối hàng tạo thành hàng rào chắn bảo vệ các em. 

“Trong lòng chúng tôi luôn luôn lo sợ vì cảm thấy việc làm đó khá nguy hiểm. Tuy nhiên rất may mắn là các thầy cô luôn sát sao học sinh nên chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra” – cô Đặng Thanh Huyền, giáo viên tổng phụ trách của trường chia sẻ.





Khoảng không gian học tập và vui chơi chật hẹp mà thầy trò trường Tiểu học Bà Triệu phải sử dụng hơn 30 năm qua

Bên cạnh đó, vì khuôn viên trường gần ngay với khu dân cư nên các giáo viên ở đây luôn phải tìm cách hạn chế việc học sinh chạy nhảy, gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Một trong những giải pháp hữu hiệu được họ thực hiện nhiều năm qua là xây dựng các tủ sách để học sinh đọc trong giờ giải lao. 

Tuy nhiên, theo nhiều bậc phụ huynh, đây chỉ là giải pháp tình thế và chưa thực sự thuyết phục vì lứa tuổi của các em cần được vui chơi và có các hoạt động thể chất phù hợp. “Các bé đi học đã rất vất vả, căng thẳng nhưng đến giờ ra chơi cũng không được chạy nhảy mà phải “vận động” trong lớp thì khá bức bối” – chị Ngọc, một phụ huynh học sinh tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Mai, một phụ huynh học sinh cũng phàn nàn: “Tôi sống ở đây đã lâu nên rất quen thuộc với những phòng học chật hẹp và lối lên cầu thang cheo leo của ngôi trường này. Tuy nhiên, điều khiến tôi hơi ái ngại nhất là việc phải nhìn con mình tập thể dục, chào cờ dưới lòng đường và giờ ra chơi thì chỉ quanh quẩn trong lớp học. Tôi có cảm giác việc suốt ngày chỉ quanh quẩn trong lớp, ít vận động khiến bé nhà tôi béo và chậm chạp hơn”.

Mong từng ngày được chuyển về trường mới

Nhiều năm gắn bó với không gian chật chội, bí bách, ước mơ được học tập, làm việc trong một ngôi trường khang trang, có sân chơi đủ rộng cho các em học sinh gần như đã trở thành niềm khao khát cháy bỏng của tất cả giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường.

Theo cô Hằng, nếu việc thi công diễn ra theo đúng tiến độ thì đến tháng 2 năm sau nhà trường sẽ di chuyển sang địa điểm mới. “Bình thường khi mọi người chia tay với trường cũ sẽ có chút lưu luyến, tiếc nuối (cười), nhưng lúc này, tất cả giáo viên, học sinh đều hết sức phấn khởi và mong ngày chia ly ấy đến nhanh hơn” – cô Hằng hồ hởi.



Được học tập tại ngôi trường mới khang trang, rộng rãi hơn là ước mơ và khát khao cháy bỏng của thầy trò trường Tiểu học Bà Triệu

Trong khi đó, cô Chi lại cho biết: “Chúng tôi chỉ mong sao dự án sẽ được thi công đúng tiến độ, không bị chậm trễ để các em học sinh sớm kết thúc cảnh chào cờ, hát quốc ca dưới lòng đường, vỉa hè đông đúc xe cộ”.

Không chỉ có giáo viên vui mừng mà học sinh và các bậc phụ huynh đều hết sức phấn khởi, ngóng đợi việc nhà trường chuyển địa điểm mới. Anh Nguyễn Quang Thao, một phụ huynh học sinh cho biết: “Hàng ngày nhìn thấy con gái học thể dục dưới lòng đường tôi cũng rất ái ngại. Bây giờ biết con sắp được đi học ở ngôi trường hiện đại, có phòng học chức năng, sân chơi rộng rãi, tôi thực sự rất vui và hy vọng khi chuyển đến trường mới, con tôi sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn”.

“Ban đầu chúng tôi còn không dám tin chuyện sắp được chuyển về trường mới là thật. Thực sự đó là niềm vui quá lớn sau hơn 20 năm ròng rã kiến nghị, đợi chờ” – cô Huyền chia sẻ niềm vui không gì tả xiết trước lễ bế giảng cuối cùng ở trường cũ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày