Phượt thủ lão làng cũng sốc trước liên tiếp những tai nạn thương tâm!

, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 19/11/2014

<a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/co-nu-sinh-xinh-dep-tu-nan-tren-duong-phuot-ha-giang-20141118032814999.chn" target="_blank">Cô gái trẻ bỏ mạng trên tuyến đường phượt</a> từ Hà Nội lên Hà Giang bằng xe máy, dân phượt choáng váng và không khỏi đau lòng trước những bài học nhãn tiền phải trả bằng mạng sống.

Cách đây 1 năm, tối 6/12 tại quốc lộ 6, đoạn Tân Lạc, gần đèo Thung Khe xảy ra một vụ tai nạn xe máy thương tâm. Nạn nhân là thành viên của nhóm "Gia đình phượt" với 60 người đi xe máy theo cung đường phượt đêm Hà Nội - Mộc Châu. Nữ sinh ngồi sau đã tử vong và bạn nam điều khiển xe máy phải nhập viện vì chấn thương nặng.

Vụ tai nạn này khiến toàn thể cộng đồng phượt choáng váng và đau xót. Bạn nữ sinh còn rất trẻ đã phải bỏ mạng tại cung đường phượt rất được giới du lịch bụi ưa thích. Đây là một nỗi buồn khó gọi thành tên của dân phượt, và người ta vẫn nhắc lại chuyện này như một bài học đắt đỏ, để dặn nhau phải cực kỳ cẩn thận sau mỗi tay lái nếu trót yêu thích bộ môn du lịch bụi.

Thế rồi ngày hôm qua, cộng đồng mạng lại một lần nữa chao đảo khi chứng kiến sự ra đi của một cô gái cũng còn rất trẻ, trên cung đường phượt Hà Nội - Hà Giang. Theo chia sẻ trên facebook của 1 người tham gia trong nhóm phượt, đoàn phượt xuất phát cuộc hành trình từ tối thứ Năm tuần trước (tức ngày 13/11). Sau khi quay trở về, do trời mờ sương, chiếc xe máy của 1 bạn trong đoàn phượt đã gặp nạn khi đâm vào xe tải ở đoạn cua xuống dốc. Vụ tai nạn khiến nữ phượt thủ bị thương rất nặng. Mặc dù đã được đưa vào bệnh viện để cứu chữa ngay sau đó nhưng cô gái vẫn không thể qua khỏi.

Phượt thủ lão làng cũng sốc trước liên tiếp những tai nạn thương tâm! 1
Hình ảnh xinh xắn của G

Theo tìm hiểu, cô gái trẻ tên G -  năm nay 21 tuổi, quê Hải Dương, đang học tập tại Hà Nội. Bạn bè cho biết G là một cô gái xinh xắn, hiền lành, rất yêu du lịch và thường tham gia các chuyến phượt.

Vụ tai nạn này diễn ra khi mới chỉ cách đây 2 tuần, một thanh niên chạy mô tô cùng nhóm phượt trên đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn đã tử nạn khi cố vượt một xe tải cùng chiều.

Phượt thủ lão làng cũng sốc trước liên tiếp những tai nạn thương tâm! 2
Chiếc xe phân khối lớn màu xanh của nạn nhân trên đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn (Ảnh: Người Lao Động)

Chỉ trong 1 tháng, hai vụ tai nạn cướp đi hai sinh mạng của dân phượt còn rất trẻ, đã khiến cộng đồng phượt rúng động. Bên cạnh những tấm ảnh đẹp long lanh của vùng rừng núi phía Bắc, bên cạnh những nền văn hóa dân tộc đầy hấp dẫn, và các cung đường uốn lượn như trong tranh, người ta vẫn luôn dặn dò nhau sự nguy hiểm mà tai nạn giao thông không chừa một ai, kể cả là tay phượt cự phách nhất cũng chẳng dám lơ là. Vậy mà tại sao, những vụ tai nạn đau lòng vẫn xảy ra, khiến dư luận cảm thấy sợ mỗi khi nhắc tới từ "Phượt"... "Sợ" ở đây không phải vì sợ những điều ồn ào, những thói xấu bên cạnh văn hóa phượt - mà nhắc đến chắc phải dài dòng lắm. Mà sợ, vì đôi khi, chỉ vì sự háo hức khám phá địa điểm, hay háo hức trở về nhà mà các tay phượt trẻ chủ quan, quên mất bảo đảm sự an toàn cho chính mình trước tai nạn giao thông rình rập...

Về vụ bạn nữ tử nạn trên cung đường phượt Hà Giang, anh Cu Trí - một dân phượt lão làng chia sẻ rằng anh không khỏi sốc và buồn khi nghe tin.

Phong trào về phượt đang bị nhìn nhận một cách quá dễ dãi. Thông tin về chuyến đi, những bức ảnh, những cái "được" cứ hiển hiện trên mạng - nhưng đó chỉ là kết quả cuối cùng. Điều đó đã thúc đẩy các bạn trẻ lên xe đi chơi một cách hơi vô thức, không có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như kỹ năng về phượt. Anh Trí cho biết "Trong một chuyến phượt cần rất nhiều kỹ năng, từ kỹ năng điều khiển xe máy đến kỹ năng sinh tồn, không hề đơn giản như việc cứ vặn ga là sẽ tới nơi. Bản thân mình, khi đi xe vào cung đường nào sẽ biết phải sử dụng phanh như thế nào. Ví dụ đi vào đường trải đá răm (cụ thể như cung đường Hà Giang) thì phải dùng phanh sau, không được dùng phanh trước sẽ ngã ngay. Đây là kinh nghiệm, mà kinh nghiệm này phải được các bạn lead truyền đạt lại thật rõ ràng với các tay phượt trong đội mình nếu họ còn thiếu thông tin.

Đối với người chưa có kinh nghiệm, mình khuyên các bạn nên bắt đầu từ những bước nhỏ, hãy bắt đầu từ những cuộc đi nhỏ để tập dần. Chứ không phải thấy người ta đi, mình cũng xách xe và đi. Có thể một vài người đi rồi trở về thành công, đó là sự may mắn. Nhưng chỉ đơn thuần là may mắn mà thôi, phải có trải nghiệm và luyện tập thường xuyên. Mình phải nói điều này: Kỹ năng đi xe máy của nhiều bạn còn quá kém, có bạn đi xe ga hàng ngày nhưng vẫn đòi đi phượt cung Tây Bắc, thử hỏi có nguy hiểm không?

Từ khi các tuyến đường cao tốc được mở nhiều hơn, thì ngoài Hà Giang ra còn các tuyến Lào Cai - Sapa..., dân phượt lại càng có cơ hội thể hiện trên các cung đường. Mình chỉ muốn cảnh báo rằng: không phải cứ ngồi lên xe là sẽ đến nơi. Hãy cứ tập luyện từ những bước nhỏ nhất để tự đút túi kinh nghiệm, kỹ năng cho mình. Cảm nhận, tiên đoán về hiện trường cũng rất quan trọng, các bạn phải biết từng đoạn đường nào nên đi tốc độ bao nhiêu chứ không phải cứ vặn ga theo cảm tính, đổ đèo trên vận tốc thế nào để khi gặp tình huống còn xử lý được. Riêng đường có sương mù, hoặc nguy hiểm, với một tay tài già như mình, mình sẽ dừng hẳn lại chứ không mạo hiểm đi tiếp. Nếu tầm nhìn trong khoảng 2 mét, hoặc mây mù dưới 5 mét mình khuyên các bạn không bao giờ được phép đi nữa, thà chậm 1 chút còn hơn chậm cả đời".


Anh Trí cũng chia sẻ rằng, đi phượt giờ đây phần lớn là theo trào lưu, nhiều bạn trẻ thấy người ta đi được thì mình cũng đi được mà quên đi rằng với mỗi chuyến đi thế này, an toàn phải đặt lên trên hết. Những bài học đắt đỏ vẫn luôn được nêu ra sau mỗi chuyện buồn kể lại về giới phượt, chỉ hy vọng rằng, thói quen rong ruổi trên những cung đường phía Bắc sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với những người đam mê du lịch bụi.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày