PV: Thưa thầy, trong thời gian vừa qua thầy có theo dõi kỳ thi THPT Quốc gia không?
PGS Văn Như Cương: Kỳ thi THPT diễn ra ngay từ đầu với việc ghép 2 kỳ thi vào làm 1 cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh đang sử dụng điểm của kỳ thi THPT Quốc gia để làm điểm xét tuyển vào các trường đại học phù hợp và như mong muốn, tôi luôn theo dõi từng đường đi nước bước của kỳ thi này.
PV: Sau khi thí sinh biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia Bộ GD-ĐT đưa ra những đề án xét tuyển khá tỉ mỉ . Theo thầy những việc làm đó có ưu và nhược điểm gì?
PGS Văn Như Cương: Thí sinh khi biết điểm và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa / trường/ nguyện vọng 1, 12 khoa/3 trường/ nguyện vọng 2... tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/ lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình như Bộ đã đưa ra trước đó.
Cách làm này không có bất cứ một ưu điểm nào hết. Thí sinh không hề được định hướng rõ ràng như vẫn nghĩ mà đang lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.
PV: Thí sinh được gì và các trường xét tuyển được gì từ phương thức xét tuyển đại học đó?
PGS Văn Như Cương: Trong "ván bài" này, cái học sinh biết là điểm của mình, bao nhiêu thí sinh hơn điểm mình, có bao nhiêu trường có thể tuyển, mỗi trường tuyển bao nhiêu.
Cái mà các trường biết là: Mình được tuyển bao nhiêu người, biết phổ điểm (cho tất cả thí sinh thi THPT Quốc gia, chứ không phải thí sinh theo nguyện vọng từng ngành). Cuối cùng đi đến đâu, giải quyết như thế nào, các trường luôn tỏ ra lúng túng trước đề án của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Tất cả những hành động đó, không có gì là chắc chắn, các thí sinh đang phải chạy đua nhưng không biết hướng đi. Những thông tin mà Bộ liên tục cung cấp phổ điểm chung của từng khối, được nộp nhiều nguyện vọng, liên tục công bố điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển, được phép rút hồ sơ trước 20 ngày... thực chất không có một tác dụng gì cả.
PV: Những khó khăn mà phụ huynh học sinh và các bạn thí sinh gặp phải là gì? Thầy có thể nói cụ thể hơn không?
PGS Văn Như Cương : Mới đây, có một số trường sau khi nhận đủ số lượng thí sinh đã cấp ngay giấy trúng tuyển tạm thời cho thí sinh. Giấy này không có ý nghĩa đã đem lại những phản ứng tiêu cực cho thí sinh và người nhà, hy vọng và thất vọng. Điều ngay lập tức đã bị phê phán và sửa đổi.
Vì những bất cập như trên đã nói, các trường đã phải đưa ra những phương án tuyển sinh với những yêu cầu vòng sơ loại riêng, dùng học bạ để tính điểm xét tuyển vòng sơ loại, như thế là không công bằng, nhưng đối với các trường đó là biện pháp an toàn, và chỉ có thể sử dụng cho năm nay.
Kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều.
Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
Phụ huynh học sinh cùng con em phải ra tận nơi để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, đó là điều dở nhất. Tại sao không đăng ký trực tuyến.
PV: Thầy đánh giá về đề án mới này - kỳ thi chung THPT Quốc gia của Bộ như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Không có một phương án nào đảm bảo và có lợi cho thí sinh. Số lượng hồ sơ ảo quá nhiều, loại không kịp, đỗ không hiếm. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện tính đến thời điểm hiện tại chưa có một thành công nào từ đề án. Bất cập và khó khăn hiện ra khá rõ nét.
PV: Triển vọng của đề án THPT Quốc gia?
PGS Văn Như Cương: Tôi có thể khẳng định rằng, kỳ thi này cùng với những đề án sau đó, sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau nữa thì nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại một cách thảm hại.
PV: Từ những bất cập và khó khăn trên thầy có lời khuyên như thế nào dành cho thí sinh xét tuyển năm nay?
PGS Văn Như Cương: Thí sinh cần phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, ứng phó với mọi tình huống để có một vị trí xứng đáng với mong muốn và số điểm đạt được của mình.
PV: Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ thẳng thắn này!./.