22h vẫn có người vào viếng
15h ngày 24/10, trời mưa nặng hạt, con đường từ ngã ba quốc lộ 1A vẫn xuất hiện từng dòng xe máy, ô tô từ hai hướng Bắc - Nam chuyển tín hiệu đèn rẽ về Vũng Chùa, Đảo Yến. Tại nơi đón tiếp, từng nhóm người gạt nước mưa trên mặt đăng ký vào viếng Đại tướng.
Thiếu tá Võ Hữu Thiều, người ghi tên các đoàn viếng cho chúng tôi, xem số thứ tự trong ngày 24/10. “Thường ba ngày, chúng tôi phải thay một cuốn sổ ghi danh sách đoàn viếng mộ của Đại tướng. Ngày vắng cũng trên trăm đoàn, ngày Rằm, thứ bảy, chủ nhật con số phải hơn 200, có ngày 22h vẫn có người đăng ký vào viếng mộ Đại tướng”, Thiếu tá Thiều cho biết.
Bà Trần Thị Bình, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cùng con gái đội mưa đi xe máy đến viếng mộ Đại tướng. Vừa gạt nước mưa ướt trên mặt, vừa chỉ sang người con gái bên cạnh, bà Bình nói: “Bữa 13/10, tui cũng đã ra đây đón Bác về quê nhà nhưng không lên được mộ vì đông quá. Bữa ni sắp xếp được nên dù trời mưa tui vẫn bảo hắn chở xe đến thắp hương viếng Đại tướng”.
"11 ngày, khoảng 18.000 lượt người bất kể trời mưa hay nắng đã vào viếng mộ Đại tướng với lòng thành kính. Không chỉ người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh mà khắp nơi trên cả nước từ: Cao Bằng, Lai Châu, Bạc Liêu… đều đã có tên trong phần địa chỉ của các đoàn đến viếng Đại tướng”.
Không chỉ đến viếng, ông Hoàng Quốc Trị công tác trong ngành Công an Quảng Bình còn đưa đoàn khách của Tổng cục 8, Bộ Công an ra Vũng Chùa viếng mộ của Đại tướng: “Từ 13/10 đến giờ, tôi đã 4 lần ra mộ Đại tướng, trong đó một lần hôm linh cữu Đại tướng được đưa về an táng tại đây. 3 lần sau đó là đưa anh em và khách từ các địa phương về mong muốn được ra thăm, viếng, nơi Đại tướng an nghỉ”.
Trên đường trở xuống sau khi viếng Đại tướng, bà Bùi Thị Bích Luân ở TP Vinh, Nghệ An cho biết, kể từ hôm Đại tướng mất, hôm nào bà cũng mở đài để nghe. Ngày đưa Đại tướng về quê an táng, do bị tắc đường đành quay trở về, đến nay gần 100 người trong Hội Phụ nữ phường đã thuê xe vào viếng Đại tướng.
Nhờ các chú Biên phòng làm chứng…
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Phạm Xuân Diệu, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình, còn nói về những trường hợp đặc biệt đến viếng mộ Đại tướng. Đó là hai người dân đi xe máy từ Hải Phòng và Quảng Nam tới Vũng Chùa chỉ để được viếng và thắp hương cho Đại tướng.
“Trong khi làm nhiệm vụ, tôi được một bác khoảng hơn 60 tuổi dúi điện thoại bắt cầm và nghe hộ: “Chú nghe và nói hộ với con gái tui là tui đang ở Vũng Chùa chuẩn bị lên thắp hương cho Đại tướng”. Hỏi ra mới biết ông giấu người nhà tự đi xe máy từ Quảng Nam mất một ngày để có mặt tại đây. Sợ người nhà lo và không tin, ông phải nhờ anh em bộ đội biên phòng làm chứng”, Thượng tá Diệu nhớ lại.
Thượng tá Phạm Xuân Diệu còn kể về một đoàn học sinh của Trường Tiểu học Quảng Đông mặc trời mưa gió, đeo khăn quàng đỏ đạp xe từ trường vào viếng Đại tướng rồi mới về nhà. Rồi các gia đình cùng hợp đồng tổ chức thuê xe từ các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có đoàn sáng tinh mơ đã vào viếng. “Chúng tôi hỏi thì họ nói đến muộn nên đã thuê nhà nghỉ ngủ bên ngoài quốc lộ 1A chờ đến sáng vào viếng cho yên tĩnh”, Thượng tá Diệu cho biết.