Nữ trung tá kể chuyện My "sói" uống xà phòng tự tử

infornet, Theo 13:46 20/10/2012

"Con bé như một ngọn cỏ hoang, một sớm một chiều khó uốn nắn lắm. Có hôm đang cười nói Hương nhảy xuống giếng, rồi có đêm, tự dưng dậy pha xà phòng uống tới ngất xỉu”...

Trung tá Nguyễn Thị Liên, làm cán bộ quản giáo tại trại tạm giam số 1 Hà Nội đã vài chục năm. “Đội quản số 3 của mình có hàng trăm can phạm nữ. Họ phạm đủ các tội, ở các độ tuổi khác nhau. Tâm lý phụ nữ vốn đã phức tạp, vào trại họ còn phức tạp hơn. Nhiều người còn dưới tuổi thành niên, lần đầu bị bắt nhưng nhiều người ở tuổi ngoài 70 và vào trại tới 5 – 7 lần. Những người mới vào trại, tâm sinh lý thường chán nản, nhớ gia đình, hay khóc, bỏ ăn và quậy phá” – chị Liên kể về những phạm nhân của mình.

Nữ trung tá kể chuyện My "sói" uống xà phòng tự tử 1

Gắn bó với nghề bao năm, kinh nghiệm tiếp xúc với hàng nghìn con người đã giúp chị chiếm được tình cảm, sự kính trọng của các can phạm. Ngày nào cũng vậy, khi nhận bàn giao ca, chị đi qua một vòng các phòng ở, điểm danh, hỏi han để nắm bắt chung tâm lý can phạm. Sau đó, chị dành thời gian tìm hiểu, chuyện trò để biết được hoàn cảnh gia đình, tội danh từng người nhằm tạo sự gần gũi, quan tâm, rồi động viên giáo dục họ. “Họ phạm tội với nhà nước, xã hội chứ đâu có phạm tội với mình nên đối xử tốt để họ hiểu được việc làm sai trái, rồi cải tà quy chính”, nữ quản giáo tâm sự.

Gần đây nhất đội chị Liên có can phạm Nguyễn Thu Hương (tức My “sói”), khi phạm tội vẫn đang ở tuổi vị thành niên. Chị nhận xét, My là đứa trẻ ngổ ngáo và bất trị ngay cả khi vào trại tạm giam. “Cô bé quậy lắm, làm những điều theo ý thích của mình. Hương vốn bị bỏ bê, sống như ngọn cỏ giữa cánh đồng hoang nên một sớm một chiều uốn nắn được là rất khó khăn”, chị kể về can phạm tuổi teen My “sói”.

Chị Liên đã tâm sự với cô bé như một người bạn. My “sói” khóc khi kể về bố mẹ ly hôn. Cũng từ đó, My phải sống với bà ngoại già yếu, rồi bị cuốn vào cuộc sống giang hồ lúc nào không hay. “Mỗi lần có ca trực của tôi, nó bảo tôi là mùa xuân của nó, rồi ôm chầm lấy tôi, gọi là mẹ”.

Nữ trung tá kể chuyện My "sói" uống xà phòng tự tử 2

“My là đứa mạnh mẽ nhưng thời gian đầu có những tư tưởng tiêu cực. Có lần, nửa đêm My xuống khu vệ sinh, pha xà phòng uống, bất tỉnh, may có người phát hiện kịp thời. Lần khác, đến ngày vào thăm, đợi mãi mà bố chưa tới, đang cười nói vui vẻ, My nhảy xuống bể nước tự tử. Lúc đó, tôi vừa phải nghiêm khắc phê phán, vừa chỉ ra những cái sai trái để cháu sửa chữa và không được làm việc dại dột như vậy” - trung tá Liên chia sẻ.

Càng gần ngày đưa ra xét xử, My “sói” càng lành tính hơn. Có đợt My bị ốm liền 2 tháng. Thuốc men của trại có hạn, nhiều lúc phải mua bên ngoài để chữa trị. Các thầy cô ở trại đã phải rất vất vả chăm sóc bệnh nhân đặc biệt này.

“My bị kết án 12 năm. Lúc đi, cháu kết một trái tim bằng những ống hút nhựa tặng mẹ. Tôi chỉ kịp dặn con cố cải tạo, để sớm làm lại cuộc đời”, chị Liên rớm nước mắt khi kể về My “sói”.

My là đứa trẻ giang hồ, có kiểu tự tử kiểu giang hồ. Còn can phạm Ngọc Anh (quê ở Hải Phòng, phạm tội mua bán người) thì lại khác. Khi bị bắt, Ngọc Anh cũng chưa tròn 18 tuổi. Cô bé ấy dạt về Hà Nội sống nay đây mai đó ở các quán net, nhà nghỉ. Khi bị bắt, bố mẹ cô bé ở Hải Phòng không có điều kiện thăm nuôi nên đến bộ quần áo Ngọc Anh cũng không có để mặc. Chị Liên phải lo từng chiếc quần áo lót tới áo rét cho Ngọc Anh. “Ngọc Anh là đứa mạnh mẽ nhưng sâu thẳm vẫn yếu đuối. Nó hai lần cắt ventự tửkhông thành”, chị Liên kể.

Trung tá Liên bảo, với những can phạm tuổi mới lớn, người làm quản giáo như là người mẹ thứ hai. Chị vừa thủ thỉ tâm sự vừa phải cứng rắn để chúng hiểu được hành vi sai trái, sau này mới cải tạo nên người.

Giáo dục, quản lý can phạm là nhiệm vụ trên hết đối với những người như chị Liên. Họ thậm chí phải hy sinh cả việc chăm sóc gia đình, con cái để hoàn thành nhiệm vụ. “Công việc khó khăn, vất vả nhưng các chị em phụ nữquản giáoở đây ai cũng phấn đấu hoàn thành tốt. Nhiều phạm khi hoàn thành án, họ còn viết thư gọi mẹ và nói lời cảm ơn. Khi đó, mình mới thấy niềm hạnh phúc của việc trồng người” – chị Liên cười rạng rỡ.