Những phận đời ngắc ngoải bên bờ biển lở

Tam Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 31/12/2015

Sóng dữ đang từng ngày, từng giờ “gặm nhấm” từng thớ đất bờ biển đẹp nhất của Hội An, những “thân cò” lầm lũi mưu sinh giống như những rặng dừa cuối cùng còn sót lại ở Cửa Đại đang ngắc ngoải bên bờ biển lở.

Ngậm ngùi nhìn Cửa Đại bị tàn phá

Gắn bó với mảnh đất và con người Hội An trong suốt những năm tháng cuộc đời, giờ đây khi đứng trước nguy cơ mất tất cả, những con người nơi đây không khỏi bồi hồi, tiếc nuối...

Sinh ra và lớn lên bên bờ biển Cửa Đại, trong hồi tưởng của chị Nguyễn Thị Hương (27 tuổi), Cửa Đại không chỉ là điểm du lịch lý tưởng mà còn là nơi hẹn hò lãng mạn của nhiều đôi uyên ương. 

Với chú Lê Quyền (62 tuổi), Cửa Đại còn là nơi câu cá lý tưởng. Đưa mắt nhìn xa xăm về phía biển, chú Quyền nói trong tiếc nuối: “Biển Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển nên ở đây có nhiều cá lắm. Nhà tôi ở sát biển Cửa Đại nên hồi trước khi chưa xảy ra tình trạng sạt lở, cứ mỗi chiều cuối tuần tôi hay ra đây để câu cá, thú vị lắm nhưng giờ thì hết thật rồi…”.

Hằng ngày, những người dân Hội An lại ra đứng ngắm bờ biển đang bị tàn phá trong niềm xót xa, tiếc nuối

“Hồi trước cách biển cả trăm mét nhưng nay quán ăn của tôi cách mép nước chỉ vài mét. Đứng trên bờ nhìn xuống dưới thấy vực sâu thẳng đứng, hun hút mà rợn cả người… Cũng may năm nay chưa có cơn bão lớn mô chứ nếu ông thần gió vào “quậy” thì chắc bờ biển này “tuyệt chủng” luôn. Mấy bao cát chắn sóng kia nhằm nhò chi, nhìn biển đang mất dần mà lòng tôi đau xót quá”, chú Quyền tâm sự thêm. 

Đau xót cũng đúng thôi, bởi những người dân phố Hội luôn xem Cửa Đại như một người bạn. Cũng chính nhờ bãi biển ấy ban ân huệ đã giúp họ có kế sinh nhai. Thế nhưng, giờ đây, cũng chính bãi biển ấy đang đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm phận đời. Thường trực bên nỗi lo cơm áo, họ còn canh cánh thêm nỗi lo “thần biển” sẽ lấy đi những rặng dừa, bãi cát cuối cùng của biển Cửa Đại.

Bãi tắm quyến rũ nhất Châu Á bây giờ đã đặt bảng cấm tắm.

Nhà ở khá gần Hội An nên chị Lê Thảo Vy (25 tuổi, trú Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) thường hay vào Hội An chơi vào những ngày cuối tuần. 

“Mình nhớ cách đây khoảng 2 năm, ở bãi biển này, người dân địa phương thường buôn bán hải sản tươi sống, khô mực nướng với giá rất rẻ… Bạn bè, gia đình quây quần bên nhau, ăn uống trò chuyện bên bờ biển, cùng ngắm trăng và nghe tiếng sóng vỗ rì rào thật thú vị. Đặc biệt, nếu bạn có dịp đón bình minh hay ngắm hoàng hôn trên bãi biển này thì quả là rất tuyệt… Thế nhưng chỉ mới mấy tháng mà giờ nhìn Cửa Đại tang hoang hết cả rồi… Nhìn xót quá!”, chị Vy chia sẻ.

Chú Nguyễn Văn Đức đang chỉ vào một hố sâu gần 5 mét mới vừa bị sóng biển “ngoạm” cách đây mấy ngày

Có thâm niên bán nước hơn nửa đời người ở bãi biển này, có lẽ hơn tất thảy mọi người, ông Nguyễn Bi là người có tình cảm sâu nặng nhất với biển Cửa Đại. Ngày trước, ông Bi phụ vợ bán nước ở đây, sau này vợ ông mất, một mình gà trống nuôi con, sẵn trong người bệnh tật không thể lao động được thế là ông lại “nối nghiệp” của vợ ngót nghén cũng đã gần 5 năm nay.

Nói là quán nước cho oai chứ thật ra chỉ có vài ba chiếc bàn cũ kỹ, khoảng chục chiếc ghế và một chiếc tủ nhỏ đựng vài chai nước ngọt với mấy gói thuốc lá... Nhưng cũng nhờ quán nước này mà con cái ông bây giờ đã ăn học thành tài. Họ nhiều lần muốn đón ông vào Sài Gòn để tiện chăm sóc nhưng ông nhất quyết không chịu.

Ông bảo: “Tôi quen và yêu vợ tôi cũng dưới những rặng dừa ở bãi biển này. Cửa Đại đã gắn bó với tôi hơn nửa đời người nên từ lâu tôi đã xem đây như là nhà của mình, ở nơi đây tôi tìm thấy hình bóng ngày xưa của bà nhà tôi. Bởi rứa nên những ngày cuối đời tôi cũng muốn gắn bó với nơi đây. Nhưng nói thật, tôi sợ rồi một ngày, sóng biển sẽ nuốt nốt luôn mấy hàng dừa còn lại chỗ mà lúc còn sống vợ tôi vẫn hay ngồi”.

Cầu mong sẽ có phép màu cứu lấy biển..

Từ ngày bãi tắm công cộng Cửa Đại mất đi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của thành phố Hội An nhưng suy cho cùng, những người dân buôn bán ở đây vẫn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Ở bãi biển này, mỗi phận người bán hàng rong là một cảnh ngộ khác nhau nhưng tất cả họ đều có điểm chung là xuất thân nghèo khó, bám biển mưu sinh.

Là một trong những người gắn bó với biển Cửa Đại từ ngày đầu mới lập bãi, cái nghề bán nước dạo đã giúp cô Lê Thị Bùi có tiền nuôi đàn con thơ ăn học. Từ ngày biển lở, gia đình cô mất đi “cần câu cơm”, các con có nguy cơ bỏ học giữa chừng. 

“Hồi trước khi bãi biển chưa bị phá hủy, khách đến đây đông lắm, mỗi ngày tui cũng kiếm cũng được hai trăm ngàn. Chừ mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn mua mắm cho gia đình là vui lắm, có bữa ngồi từ sáng tới tối tui không bán được chai nước mô”, cô Bùi buồn rầu nói.

Với cô Nguyễn Thị Hường, nỗi lo ấy càng lớn hơn khi cả gia tài của nhà cô đều nằm trong gian hàng đồ phao. Từ ngày bãi tắm Cửa Đại bị xóa sổ, chính quyền địa phương đặt bảng cấm tắm biển, cửa hàng của cô dường như đóng cửa.

Gần một tháng nay, tiệm bán đồ phao của cô Nguyễn Thị Hương luôn trong tình trạng đóng cửa vì vắng khách

Khung cảnh tan hoang, xác xơ bao trùm biển Cửa Đại.

Mất việc làm, 2 đứa con lại đang tuổi ăn học, không biết phải xoay xở thế nào. “Ngày nào tôi cũng ra đây khấn cầu hết, mong sao biển đừng sạt lở nữa", cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hương, vì sợ mất Cửa Đại nên đầu tháng 11 vừa qua, hàng trăm người dân ở làng Phước Trạch (làng gần biển Cửa Đại) đã lập đàn cầu an trong suốt 3 ngày liền. Với những người dân nơi đây, dường như họ có một niềm tin rằng lời khấn cầu của mình sẽ làm thần linh cảm động và ban phép màu cứu lấy bãi biển đã gắn bó với họ cả cuộc đời.

 Nơi đây không còn là chốn tham quan lý tưởng như trước nữa

Những nhà hàng, khách sạn ven biển Cửa Đại vắng hiu không một bóng người

Thẫn thờ nhìn những ngọn sóng đánh tan tác vào bờ kè, ông Lê Cho, chủ nhà hàng Tấn Lộc thở dài hơn tiếng sóng: “Hồi trước khách du lịch đến đây đông lắm, riêng nhà hàng tôi có gần hai mươi nhân viên nhưng giờ chỉ còn lại ba người để quét dọn, trông coi tài sản chứ có ai đến nữa đâu. Từ ngày bờ biển sạt lở, khách đến thưa dần ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh. Mấy ngày qua, tôi phải thuê người thường xuyên gia cố lại bờ kè và mấy cây dừa để bảo vệ tài sản”, ông Cho chia sẻ.


Bây giờ du khách chỉ có thể đứng trên bờ và chụp vài tấm lưu niệm với biển Cửa Đại

Rời khỏi bãi biển Cửa Đại, chia tay những phận người liêu xiêu trên bãi cát mà trong lòng tôi thấy nghẹn đắng khi chợt hình dung đến hình ảnh những “thân cò” kia cũng mong manh như những rặng dừa cuối cùng đang phải sống ngắc ngoải bên bờ biển lở để gồng mình chống chọi lại với những cơn thịnh nộ của “thần biển”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày