Nhà báo nữ trải lòng chuyện đời, chuyện nghề

Infornet, Theo 08:52 21/06/2015

Ngoài việc làm báo, các nhà báo nữ còn phải làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chính lòng yêu nghề đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống và có nhiều tác phẩm báo chí có ý nghĩa.

Hãy nghe một số phóng viên, nhà báo nữ trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề của họ.

Kiều Tuyết Hoa, phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận



Tôi chọn nghề báo đơn giản chỉ vì thích được viết, thích sự mới mẻ và được “chảy” theo dòng chảy của sự kiện, được khám phá kho tri thức vô cùng rộng lớn.

Bước chân vào nghề được 5 năm, nhưng tôi chính thức gắn bó với Báo Thương hiệu & Công luận được hơn 3 năm. Ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt quá trình làm việc của tôi là khi thực hiện loạt bài viết phản biện về Thông tư 16/2010 hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ chung cư của Bộ Xây dựng. Tôi đã đi khảo sát rất nhiều dự án, nhận được đơn kêu cứu của rất nhiều hộ dân ở Nam Cường, Royal City, Keangnam về cách tính diện tích theo Thông tư 16 gây thiệt thòi rất lớn cho người dân.

Sau khi về trao đổi với tòa soạn, tôi được phân công viết một loạt bài phản ánh việc ăn gian diện tích các dự án, cũng như cách tính của Thông tư 16 gây thiệt hại rất lớn cho người mua nhà. Và kết quả, sau nhiều loạt bài phản ánh từ thực tiễn với rất nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia đăng tải trên báo, Bộ Xây dựng đã phải đưa ra quyết định sửa đổi, ban hành một Thông tư mới thay thế.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác trong quá trình tác nghiệp của tôi là một chuyến đi công tác Lào Cai. Sau 1 đêm trên tàu, 9h sáng hôm sau lên tới Lào Cai, ngay sau đó, tôi cùng đồng nghiệp tới liên hệ làm việc với Cục Hải quan và được họ bố trí để 2 giờ chiều đi Mường Khương để tìm hiểu về công tác giao thương hàng hóa. Đợt đấy có hàng trăm xe container đông lạnh phải ăn đợi nằm chờ để chờ thông quan sang Trung Quốc.

Đường lên cửa khẩu Mường Khương toàn đèo, núi với những ổ trâu, ổ voi ngoằn ngoèo và những khúc cua tay áo rất gấp. Hơn 1 ngày nằm trên tàu rồi lại ngồi trên xe ô tô, tôi thấm mệt, huyết áp tụt cộng với say xe khiến toàn thân như đi mượn. Qua hơn 80km từ Thành phố Lào Cai lên cửa khẩu, trời đã xế chiều.

Lên tới Chi cục hải quan cửa khẩu Mường Khương cũng đã 4h30 chiều. Với bộ dạng mặt tái mét, xanh lè, tôi vẫn cố gượng vào làm việc. Sau khi đã xin hết số liệu và lấy ý kiến của lãnh đạo Chi cục về tình hình số xe container tồn đọng hàng cũng như thiệt hại, đoàn lại lên đường đến cửa khẩu Mường Khương. Từ Chi cục hải quan lên tới đó, quãng đường còn hơn chục cây số, nhưng thú thực, đến giờ phút ấy, tôi đã quá mệt.

Chưa bao giờ thấy sợ đi xe ô tô như vậy. Đường lên cửa khẩu rất xấu, toàn dốc, núi và những đoạn đường sạt lở vì mưa. Cuối cùng thì vẫn lên tới nơi. Sự gắng sức của tôi đã được đền bù bằng những số liệu và hình ảnh thực tế cho một bài viết chân thực, hấp dẫn về đoàn xe ách tắc ở cửa khẩu.

Lưu Huyền, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)



Tôi vốn yêu thích nghề báo từ khi còn là sinh viên Sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã mạnh dạn thi vào Trung tâm Tin, Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là nơi cung cấp tin, bài thời sự cho cả Đài. Nghề báo cho tôi nhiều thứ, giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống này.

Gần 5 năm làm báo, tôi có rất nhiều kỷ niệm cả vui, cả buồn trong quá trình tác nghiệp. Tôi vẫn nhớ như in chuyến đi đến Mường Nhé, Điện Biên. Gặp gỡ, trò chuyện với những giáo viên cắm bản, tôi cảm thấy họ dũng cảm vô cùng. Có cô giáo trẻ quê ở Hà Nam nhưng đã chấp nhận xa chồng để lên đây công tác. Đã từng học nghề sư phạm, tôi thực sự khâm phục họ. Giữa núi rừng, họ vẫn cười, vẫn cần mẫn vận động từng em nhỏ tới trường, dạy chữ cho các em. Nghề báo đã giúp tôi có được những chuyến đi như thế, gặp gỡ những con người như thế. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên.

Tôi làm chuyên mục thời sự, vì vậy những tác phẩm của tôi chủ yếu là tin, bài phản ánh, phóng sự “nóng” đang được dư luận quan tâm. Như sự việc nông dân nuôi bò sữa ở Gia Lâm phải đổ sữa đi vì đầu ra không đảm bảo. Tôi cùng với đồng nghiệp đã liên tục đưa tin, bài. Nhiều báo cùng lên tiếng. Cuối cùng, các bên liên quan phải họp và đi đến cam kết tiếp tục đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sữa của bà con.

Thật sự làm những vấn đề “nóng” như vậy khá áp lực, nhất là đối với những phóng viên thời sự. Về nhà lúc đường phố đã lên đèn, ăn những bữa ăn muộn, thức đêm viết bài... là chuyện thường xuyên đối với chúng tôi. Từ khi có con nhỏ, tôi càng phải sắp xếp hợp lý để đảm bảo hài hòa việc nhà và việc cơ quan. Có lần tôi về đến nhà là 21h, con đã sắp đi ngủ. May mắn là chồng và gia đình chồng đã hết sức giúp đỡ, thông cảm để tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, vẫn tiếp tục được đi, được viết…

Mong muốn của tôi là được đến Trường Sa, nơi biển đảo thiêng liêng mà tôi đã nghe, đã đọc, đã xem rất nhiều, nhưng chưa có cơ hội đặt chân đến. Nhà báo mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là nhà báo Hồ Chí Minh. Tôi luôn ghi nhớ những lời răn dạy của Bác: phải giữ cho bút sắc, mắt sáng, lòng trong, phải “gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”… Bác còn dạy, “ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta” và “Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.

Nguyễn Thùy Dương, Biên tập viên - MC VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)



Tôi rất may mắn khi được tham gia vào hầu như tất cả các công việc từ biên tập, sản xuất các chương trình cho ban truyền hình đối ngoại và cụ thể là phòng thời sự, đến dẫn bản tin và đặc biệt là cả những chuyên mục mang tính chính luận như Việt Nam 7 ngày. Đó là một sân chơi rất tốt để tôi rèn luyện kỹ năng cũng như trau dồi thêm kiến thức cho mình.

Dẫn chương trình chỉ là một phần công việc của tôi. Tôi vẫn đi sản xuất phóng sự. Và với tôi, điều đó thú vị hơn gấp nhiều lần việc chỉ ngồi dẫn trường quay vì nó cho tôi những cái nhìn mới, những trải nghiệm thực tế vô cùng thú vị mà chắc chắn không điều gì dạy bạn nhanh hơn việc "đi" cả, nhất là những chuyến đi công tác xa. Nó cho tôi rất nhiều thứ, sự trưởng thành hơn về nghề, được tiếp xúc với rất nhiều người, kinh nghiệm sống... và quan trọng nữa nó cho tôi một hệ thống kiến thức xã hội rất lớn.

Tôi là người làm thời sự và là một phóng viên. Tôi rất thích những người dẫn chương trình nắm chắc vấn đề và thực sự tâm huyết với từng câu dẫn. Những người như thế trong VTV và cả các kênh truyền hình khác không phải là ít. Các anh, các chị ấy và cả các em nhỏ tuổi hơn tôi đều là những tấm gương mà tôi phải học tập. Họ có những cái mà không phải ai là người dẫn cũng có được. Đó là sự trí tuệ, là sự nghiêm túc trong nghề nghiệp và quan trọng nhất là lòng tự trọng với nghề. Những biên tập viên, phóng viên chúng tôi luôn đau đáu mỗi khi được giao chương trình mới, đau đáu mỗi khi ra hiện trường làm phóng sự: phải làm sao thật hay, thật tốt để góp phần làm cho sóng VTV ngày càng được khán giả yêu mến hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày