Người Sài Gòn, Hà Nội chen chúc đi lễ chùa trong ngày Vu Lan báo hiếu

Thu Hường - Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 15:35 28/08/2015

Dù dịp lễ Vu lan năm nay rơi vào giữa tuần nhưng tranh thủ lúc nghỉ trưa, rất nhiều người dân Hà Nội và Sài Gòn vẫn tìm đến các chùa chiền để dâng hương, tỏ lòng thành kính.

Ngày rằm tháng 7 (âm lịch) từ lâu đã được người Việt lựa chọn là ngày lễ Vu Lan. Đây là dịp lễ tiết vô cùng quan trọng, là thời điểm để con cái nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Ngày này, rất nhiều người đến chùa thành tâm cầu an sức khỏe cho đấng sinh thành.

Theo quan điểm của nhiều người Việt, ngày rằm tháng 7 được coi là ngày quan trọng nhất trong năm. Nói như cố hòa thượng Thích Thanh Tứ (chùa Quán Sứ, Hà Nội), lễ Vu Lan có nghĩa là ngày báo hiếu cha mẹ. "Ngày rằm tháng 7, ta phải cầu nguyện để đức Phật xá tội cho các linh hồn. Con cái phải hiếu thuận với cha mẹ ngay từ khi họ còn sống để sau này không phải hối tiếc".

Cũng chính bởi quan niệm đó mà dù lễ Vu Lan năm nay rơi vào đúng ngày làm việc trong tuần nhưng vào trưa nay (ngày 28/8, tức 15/7 âm lịch), rất nhiều người dân Thủ đô vẫn tranh thủ thời gian nghỉ trưa đến các ngôi chùa lớn, nổi tiếng linh thiêng để dâng hương, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và mọi người trong gia đình.

20150828_103258-7383e
Rất nhiều người dân Thủ đô tranh thủ đến chùa Hà (Cầu Giấy - Hà Nội) dự lễ cầu siêu nhân dịp rằm tháng 7 - (Ảnh: Doãn Tuấn)

5-eb932
Tại Sài Gòn, chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận, TP. HCM) là điểm đến của nhiều người trong ngày rằm tháng 7 - (Ảnh: Tứ Quý)

Tại Hà Nội:

Theo nhiều người dân cho biết, năm nay, để bảo đảm phục vụ nhu cầu lễ chùa của người dân, một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phúc Khánh, Quán Sứ, Phủ Tây Hồ còn mở cửa nhận yêu cầu dâng sớ, lễ chùa của người dân từ đầu tháng 7 âm lịch.

Chị Hồng (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: "Tuần trước mình đã ra Phủ Tây Hồ đề tên để được ghi sớ rồi nên hôm nay chỉ mang thêm ít hoa quả để đến thắp hương, cầu nguyện thôi. Mình tranh thủ đi một lúc buổi trưa rồi lại tạt về cơ quan làm việc như bình thường".

Chị Hồng phân tích, ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Vì thế, theo chị, ngoài việc đi lễ chùa, trong ngày lễ này chủ yếu vẫn là thờ cúng tổ tiên tại nhà. "Ngày Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian, còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa. Vì thế, đi cúng ở chùa chủ yếu để cúng chúng sinh và cầu nguyện một phần cho cha mẹ, gia đình và người thân. Bên cạnh đó, dịp lễ này không thể thiếu mâm cơm cúng tổ tiên tại nhà. Vì thế, bản thân mình nghĩ rằng, riêng lễ Vu Lan, quan trọng nhất là lòng thành tâm và dành thời gian, tự tay làm mâm cơm dâng lên tổ tiên", chị Hồng nói thêm.

Cũng như chị Hồng, chị Vũ Thị Bình (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: "Lễ Vu Lan năm nào tôi cũng tranh thủ ra chùa Hà cầu nguyện. Ở đây tuy đông nhưng không đến nỗi phải chen chúc như một số nơi khác. Lễ chùa chủ yếu là tự mình thành tâm. Năm nào mà vì bận việc, không đi được là tôi lại thấy rất bất an".
 
Tương tự, bà Nga (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: "Tôi ở khá xa nhưng vẫn thường đến Phủ Tây Hồ cầu siêu. Nghe nói ở đây linh thiêng nên rất yên tâm, hy vọng những điều ghi trong sớ, đốt cầu đều sớm thành sự thực.

ABC_4362-370c9
Bên trong chùa Hà có rất nhiều người đến khấn lễ, cầu nguyện - (Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4335-370c9
(Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4342-370c9
Khu vực hóa sớ, thắp hương nghi ngút khói - (Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4365-370c9
Dòng người kéo đến các ngôi chùa sắp lễ cầu may cho tháng "cô hồn" - (Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4304-370c9
Chùa Phúc Khánh tấp nập người đến dự lễ Vu Lan - (Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4310-370c9
(Ảnh: Doãn Tuấn)

ABC_4313-370c9
Bên trong khu vực Tam Bảo chùa Phúc Khánh những ngày này lúc nào cũng đông người - (Ảnh: Doãn Tuấn)

Tại Sài Gòn:

Trưa 28/8 (tức 15/7 âm lịch), hàng trăm người dân Sài Gòn tranh thủ giờ nghỉ trưa đến chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận), chùa Phổ Quang (quận Tân Bình)... để thắp hương cầu bình an cho bậc sinh thành. Những người đến viếng trong ngày lễ vu lan báo hiếu tại các chùa chủ yếu là nhân viên công sở, sinh viên và số ít những người nội trợ. 

Thời tiết Sài Gòn khá nắng nóng những vẫn không cản được hàng trăm người đến thắp hương tại chùa để cầu bình an cho cha mẹ. Theo nhiều người, một năm trôi qua, bận rộn với công việc hàng ngày, đây là thời điểm tốt nhất để gửi lời chúc, cảm ơn và lời cầu mong cho bậc sinh thành. Hầu hết, những người đến tham gia được phật tử thực hiện nghi lễ “bông hồng cài áo” với ý nghĩa gợi nhắc trong tâm tưởng mỗi người lòng hiếu kính đối với tổ tiên và các đấng sinh thành, dù họ còn sống hay đã mất.

Cầm nắm hương cầu khấn về cha mẹ, nhiều người đã không cầm được nước mắt. "Từ nhỏ tôi đã không biết mặt cha mình là ai, chỉ còn mẹ chăm sóc tôi đến khi trưởng thành. Cả đời mẹ dành tất cả tình thương yêu cho tôi, cầu mong sao mẹ có sức khỏe sống với con mãi để có cơ hội báo đáp công ơn này", bạn Thanh Huyền (sinh viên) chia sẻ khi đi viếng lễ chùa trong ngày vu lan.

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày này mặc dù công việc bận rộn đến đâu nhưng chị Phan Hoàng Tâm (nhân viên văn phòng quận 3) lại đi lễ chùa cầu bình an cho cha mẹ. Chị Tâm tâm sự: "Năm nào tôi cũng đến cầu mong cha mẹ được mạnh khỏe. Đối với tôi báo hiếu không phải là chuyện một ngày, nhưng ngày này được xem là lễ báo hiếu quan trọng nhất trong năm mà các thế hệ trước đã truyền lại".

2-eb932
Trời nắng gắt, nhiều người đứng ngoài trời thắp hương phải mặc áo khoác, đội mũ - (Ảnh: Tứ Quý)

3-eb932
Nhân viên công sở cài hoa trên áo để tưởng nhớ đến cha mẹ khi đến chùa - (Ảnh: Tứ Quý)

6-eb932
Những người phụ nữ làm công việc văn phòng tranh thủ nghỉ trưa đến thắp hương thành khẩn cầu mong bình an cho cha mẹ - (Ảnh: Tứ Quý)

7-eb932
Một số người không ngại nắng gắt vẫn đứng khá lâu để cầu nguyện - (Ảnh: Tứ Quý)

9-eb932
Sinh viên được cài hoa trên áo trước khi vào bên trong chùa thắp hương - (Ảnh: Tứ Quý)

4-eb932
Cô gái mua chim để phóng sinh. Cô mua số lượng chim yến dựa theo số tuổi của mình, giá 10.000 đồng/con chim - (Ảnh: Tứ Quý)

13-eb932
Chim được phóng sinh trong ngày lễ - (Ảnh: Tứ Quý)