Nghị lực phi thường của người thầy đặc biệt viết chữ bằng miệng

Linh Đan, D.Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 03/05/2014

Từ một người tàn tật, anh Trường đã miệt mài khổ luyện để viết chữ bằng miệng và trở thành người thầy giáo đặc biệt.<br/>

Đó là câu chuyện cảm động về anh Phùng Văn Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội. Kể về cuộc đời mình, anh Trường không khỏi nghẹn ngào: "Sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác trong thôn Nhân Lý. Thế nhưng, mãi đến năm lên 3 tuổi, tôi vẫn chưa thể đứng dậy được, tay chân bị liệt và không nắm được vật gì. Chạy vạy khắp nơi, gia đình đưa tôi tới bệnh viện khám thì được biết chân và tay của tôi đều bị liệt".

Thầy giáo đặc biệt Phùng Văn Trường.

Lúc này, đôi tay anh Trường vẫn cử động được nhưng rất yếu và cầm nắm các vật rất khó. Với nghị lực của bản thân và sự động viên của gia đình, anh Trường vẫn đi học bình thường. Tới năm lớp 8, một phần vì khó khăn trên đường tới trường và các bạn đi học cùng cũng đã tách lớp, không còn bạn hữu dìu đi nữa nên anh đã nghỉ học.

Bản thân ham học, anh Trường rất tiếc nuối khi phải bỏ dở việc tới trường, không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập. Với một cậu học sinh lớp 8 tật nguyền, việc phải dừng đến lớp khiến anh suy sụp đi nhiều. Anh Trường nhớ lại: “Ngày đó tôi vẫn cố gắng chống nạng tới lớp, nhưng tay và chân quá yếu, bị ngã thường xuyên. Đặc biệt, đôi tay không thể cầm được cây bút để viết chữ, bởi vậy mà việc học hành đành dang dở. Tôi rất buồn nhưng sức khỏe của mình không cho phép nên đành khép lại giấc mơ đến trường”.

Không chịu khuất phục trước số phận, anh Trường đã luyện viết chữ bằng miệng

Những dòng chữ từ những ngày đầu luyện viết bằng miệng được anh Trường giữ gìn cẩn thận như một kỉ vật.

Không chịu khuất phục trước số phận, anh Trường quyết tâm quay trở lại với từng trang sách, con chữ. Và công việc đầu tiên của anh là luyện cầm bút để viết. Với đôi tay yếu ớt cầm bút lên rồi lại rơi xuống, cứ bao lần như vậy khiến anh Trường cảm thấy rất bất lực. Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh chợt có ý định ngậm bút vào miệng mà viết chữ. Và chàng trai tật nguyền đã bắt đầu những ngày tháng khổ luyện ngậm bút vào miệng để viết. 

Thời gian đầu tập luyện viết chữ bằng miệng, anh Trường gặp rất nhiều khó khăn. “Khó nhất là việc điều khiển cây bút với hai hàm răng. Việc điều khiển bút theo nét chữ cũng khiến cổ tôi nhức mỏi rất nhiều. Chữ nguệch ngoạc, nhiều lần định bỏ cuộc, nhưng nghĩ về gia đình, nghĩ rằng phải làm được việc gì đó để bản thân không còn là gánh nặng cho gia đình nữa nên tôi lại tiếp tục cố gắng” - anh Trường nhớ về những tháng ngày khổ luyện của mình.



Những nét chữ đều, đẹp là thành quả sau những tháng ngày khổ luyện của anh Trường.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi, cuối cùng anh Trường đã viết chữ thành thạo bằng miệng. Không những viết thành thạo, mà những nét chữ anh Trường viết ra rất đẹp, nhìn vào khó có thể tin đó là những nét chữ được viết ra từ miệng của một người tàn tật như anh.

Cảm phục nghị lực của anh Trường, một người phụ nữ thôn kế bên là chị Ngô Thị Hường đã quyết kết duyên cùng anh để chăm sóc anh và cùng anh vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Giữa năm 2012, đám cưới của anh Trường và chị Hường được tổ chức giản dị trong sự chúc phúc của người dân thôn Nhân Lý.

Anh Trường đang viết chữ bằng miệng.


Từng nét chữ được viết ra bởi nghị lực của một người không chịu khuất phục trước số phận.


Khi anh Trường viết chữ bằng miệng đã thành thạo, thấy anh viết chữ đẹp nên họ hàng gửi con cái cho anh nhờ anh hướng dẫn viết chữ và kèm cho các cháu học. Dần dần, nhiều người trong thôn cũng mang con đến nhờ anh Trường kèm cặp việc học. Anh lấy đó làm niềm vui, vừa rèn chữ viết cho các cháu, vừa dạy cho các cháu học toán. Hằng ngày, những phép tính của môn toán được anh soạn cẩn thận để đến giờ học các cháu nhỏ ngồi làm, sau đó anh chỉ bảo tận tình từng em học sinh để các cháu nhanh tiến bộ. Nhiều cháu nhỏ trong thôn đã tiến bộ rõ rệt nhờ sự kèm cặp chỉ bảo của anh Trường. Anh Trường cho biết không muốn nhận đông học sinh vì sợ không bảo ban kĩ càng được cho các cháu.
 
Hạnh phúc đến với anh Trường khi một người phụ nữ ở thôn kế bên hiểu, đồng cảm và kết duyên trọn đời cùng anh.

Anh Trường và con trai.


Anh Trường và các học sinh của mình.


Đến với lớp học của anh Trường, các cháu không những được học về kiến thức mà còn được nghe những bài học về nghị lực cuộc sống.

Lớp học đặc biệt của anh Trường tại thôn Nhân Lý.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Trường nói: "Là người tàn tật, thấy gia đình khổ sở chạy vạy chữa trị cho mình, tôi đau xót lắm. Dù còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống. Dù ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng vẫn có các cháu đến với tôi hàng ngày, nghe tôi chỉ bảo về kiến thức, về những bài học trong cuộc sống. Như vậy là cuộc sống đã thêm phần ý nghĩa với một người tàn tật như tôi".

Nghề giáo đến với anh từ những nỗ lực của bản thân, từ sự cảm phục của những người xung quanh về nghị lực phi thường của anh. Chính anh là bài học quý giá nhất cho những học sinh của mình noi theo.

Mời quý vị độc giả theo dõi những câu chuyện xúc động của "Điều ước thứ 7" được phát sóng vào 13h chiều thứ bảy hàng tuần trên VTV3.

Trong mỗi số phát sóng, chương trình sẽ biến ước mơ của một nhân vật thành hiện thực.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày