Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Ebola ở Việt Nam

Vov/Dân trí, Theo 11:25 12/08/2014

Dòng status trên một nickname mạng xã hội facebook: "Mọi người ơi tin khẩn, Ebola đã đến Việt Nam, ở BV Bạch Mai, vì nội bộ nên chưa lộ ra ngoài" khiến nhiều người hoang mang lo ngại virus chết người Ebola đã xâm nhập Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã có trả lời chính thức về vấn đề này.





Những dòng status từ chiều tối qua loan tin Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Ebola gây hoang mang. Đến nay các status này đã được gỡ bỏ. 

Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, phóng viên theo dõi y tế nhiều báo đài đã lập tức liên lạc với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) để xác minh thông tin. Ông Phu khẳng định với PV, đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Ebola tại Việt Nam. Tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.


Thực hiện kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu (Ảnh: KT).

Ông cũng khẳng định, Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động triển khai phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola như: tăng cường và duy trì giám sát thường xuyên các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, đặc biệt là các quốc gia vùng dịch bệnh; tăng cường giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp ốm chưa rõ nguyên nhân, những người có triệu chứng giống Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày; tổ chức giám sát trọng điểm đối với một số bệnh để kịp thời phát hiện các tác nhân gây bệnh để có kế hoạch phòng chống; kích hoạt hoạt động đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC); phối hợp với các báo đài, thông tin hỏi đáp trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người dân.

Dự kiến các bệnh viện sẽ thực hiện công tác thu dung, điều trị bệnh nhân khi có dịch; công tác xét nghiệm; xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn phòng chống bệnh Ebola; hậu cần chống dịch; hợp tác quốc tế và nêu các hoạt động phòng chống dịch bệnh Ebola trọng tâm trong thời gian tới.

Hiện Bộ Y tế công bố phát hành chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola.

Đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ này đã ban hành các văn bản và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch, ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch Ebola; chỉ đạo các cửa khẩu triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng y tế Công an chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất và nhiều phương án ứng phó khi dịch xảy ra.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có kế hoạch không đưa lao động tới  các vùng dịch; cung cấp thông tin thường xuyên tới các vùng lao động tại nước ngoài; nhắc nhở lao động tại các vùng dịch tự phòng ngừa, có phương án cách li với những trường hợp nghi mắc bệnh.

Các chuyên gia y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có hành động trong kế hoạch phòng chống dịch Ebola, đã tích cực giám sát kịp thời tại các cửa khẩu và vận dụng hướng dẫn của WHO vào Việt Nam, đồng thời cam kết WHO sẽ đồng hành cùng Ngành Y tế Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống bệnh Ebola.

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Ebola tại Bộ Y tế chiều 11/7, ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các Ngành các cấp xây dựng kế hoạch và kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, xác định rõ đơn vị nào là đơn vị thường trực; Công tác truyền thông đưa tin cần khách quan trung thực tránh việc làm người dân hoang mang; khi dịch bệnh xảy ra, không để thiếu thuốc, thiết bị. Văn phòng Chính phủ sẽ trình ngay Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu về cấp kinh phí cho phòng chống dịch.

Với mục tiêu cao nhất là không để lây lan dịch bệnh vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị:

Các Bộ, Ngành, Tỉnh, Thành phố xây dựng kế hoạch hành động phòng chống bệnh do vi rút Ebola; báo cáo định kỳ về Bộ Y tế.

Bộ Công an chỉ đạo cơ quan ở sân bay phối hợp với Bộ Y tế có phương án cưỡng chế cách ly với những đối tượng không chấp hành, an ninh cửa khẩu khi cần thiết, triển khai các hoạt động giám sát dịch bệnh do vi rút Ebola tại các cảng hàng không, đảm bảo công tác an ninh theo đề nghị của Bộ Y tế.

Trong tình trạng khẩn cấp Bộ Quốc phòng thiết lập bệnh viện dã chiến để cách ly, điều trị người bệnh tại cửa khẩu và huy động lực lượng quân đội tham gia phòng chống dịch;

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: chỉ đạo ngay các đơn vị quản lý người lao động Việt Nam ở các nước đang có dịch xảy ra làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động phòng chống dịch, hạn chế đưa người Việt Nam đi lao động tại các nước đang có dịch cũng như đưa người lao động từ nước này vào Việt Nam;

Bộ Ngoại Giao: có công điện hỏa tốc tới đại sứ quán các nước có dịch bệnh để phối hợp phòng chống dịch bệnh.