Phương án tối ưu nhất
Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại phương án tối ưu nhất để giải cứu 12 người mắc kẹt chính là việc đào 2 đường hầm nhỏ bên trái và bên phải ở vị trí sập, theo lối đi vào từ cửa chính. Lực lượng gồm nhiều đơn vị phối hợp chia làm 6 tổ, mỗi tổ 10 người luân phiên nhau đào 2 đường hầm này.
Đoàn hầm phía bên phải gặp khó khăn khi đào trúng đá cứng.
Được biết việc quyết định đào con đường hầm thứ 2, ở bên phải, chỉ được Ban chỉ huy cứu nạn tại hiện trường thông qua, sau khi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào chiều 18/12. Con đường hầm đào trước đó, ở bên trái, thực hiện được 1 ngày đêm nhưng đến nay gặp trở ngại khi chạm phải đá cứng, chỉ làm được 6m.
Đào 2 đường hầm chính là để… đua nhau. Đường hầm nào ít trở ngại, tiếp cận nhanh nhất đến vị trí 12 người thì sẽ giải cứu họ ra ngoài.
Giữ vai trò chính trong công tác này là lực lượng của Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam và Công binh của Quân đội – vốn là 2 đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc đào, xử lý các sự cố sụt lún đường hầm, mỏ than.
Lực lượng gồm nhiều đơn vị phối hợp đang ngày đêm chạy đua với thời gian.
Trả lời câu hỏi của P.V về thông tin dùng mìn phá vỡ lớp đá cứng, giúp việc đào hầm thuận lợi hơn nhưng có thể gây nguy hiểm cho nhiều phía? Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận, đó là phương án được tính tới. Tuy nhiên, theo ông Yên, loại mìn nếu được sử dụng là “mìn om”, chỉ có sức phá hủy 1 khối đá với điều kiện địa chất xung quanh phải cứng, giảm thiểu nguy cơ sụp, lún…
Được biết trong sáng cùng ngày có 1 số doanh nghiệp điều kỹ sư, chuyên gia đến hiện trường, xin cùng vào cuộc “giải cứu” 12 người bên trong.
Tất cả các trường hợp trên Ban chỉ huy cứu nạn đều yêu cầu phải trình bày chi tiết và nhanh gọn phương án thực hiện. Thế nhưng tất cả đều không khả thi, có khả năng gây sụt lún thêm tại vị trí đoạn hầm bị sập, ảnh hưởng đến tính mạng của những người bên trong nên đều bị từ chối.
Chuyên gia trình bày phương án tiếp cận, giải cứu 12 nạn nhân với Ban chỉ huy cứu nạn.
Ông Yên khẳng định: “tất cả các phương án đều đã được tính tới, tuy nhiên điều quan trọng là không thể mạo hiểm với tính mạng của 12 người. Mục tiêu hàng đầu là cứu sống những người kẹt. Thà chậm nhưng chắc chắn…”.
Còn nhiều khó khăn, hiểm nguy
Đến thời điểm hiện tại, “cửa” giao tiếp duy nhất với 12 người bên trong là qua 2 mũi khoan phía chính diện. Đây cũng chính là con đường để truyền ôxy, sữa, cháo loãng vào trong và con đường hút nước ngập trong hầm ra ngoài. Trong khi đó nhiều mũi khoan ở các hướng khác nhau đều đã gặp trở ngại nhất định.
Dù được gia cố nhưng đoạn hầm dẫn đến vị trí sập vẫn tiềm ẩn nguy hiểm tiếp diễn
Cụ thể mũi khoan ở cuối hầm, phía hạ lưu, trong ngày 18/12 liên tiếp gặp 2 sự cố gây… cháy máy khoan. Sau đó sự cố đã được khắc phục mà đến nay vẫn đang tiến hành khoan nhưng rất chậm. Vị trí mũi khoan ở trên đỉnh núi xuống, được khoảng 43m thì gặp đá cứng buộc phải tiến hành khoan lại từ đầu 1 mũi khác, cách vị trí cũ chừng 10m.
Tại vị trí mũi khoan cuối đường hầm, tiếp xúc với P.V VietNamNet, nhiều công nhân cho biết, có nguồn nước và cát chảy ngược từ bên trong ra. Họ chưa xác định rõ nguồn nước, cát từ đâu nhưng không loại trừ là hiện tượng xảy ra khi mũi khoan đi vào gần vị trí đoạn hầm bị sập.
Mũi khoan ở trên đỉnh núi xuống trong đêm 18/12 buộc phải khoan lại cách đó chừng 10m do trúng đá.
Về phía nhóm công nhân thực hiện mũi khoan thủ công trên đỉnh núi lại có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Khoảng buổi trưa nhóm này thấy mũi khoan phía dưới trồi lên bùn trộn cát, báo hiệu tới tầng địa chất yếu trong lòng núi, có thể đã đến đoạn hầm bị sập. Nhưng đến cuối ngày, họ lại thất vọng khi khoan trúng vào đá cứng phải tiến hành lại từ đầu bằng 1 mũi khoan khác ở vị trí gần đó.
Về 2 đường hầm nhỏ bên phải và trái chính diện, con đường chính cứu 12 người ra ngoài, dù đang tiến hành đào nhưng Ban chỉ huy công tác cứu hộ - cứu nạn không khỏi lo lắng vì sợ gặp phải đá cứng. Tuy nhiên ở đường hầm thứ 2 (bên trái) do công binh tiến hành đã hé hi vọng khi họ tính toán có khả năng rút ngắn chiều dài đường hầm được 4,5m, rút ngắn thời gian và tránh những rủi ro như đường hầm bên phải đã gặp trở ngại.
Tuy nhiên việc thi công 2 đường hầm không phải không có những quan ngại. Đó là đoạn hầm dẫn từ miệng hầm đến vị trí bị sập có hiện tượng rỉ nước càng gia tăng. Phía trần và vách dù được gia cố nhưng chưa thể đảm bảo…
Tốp công nhân chuẩn bị vào hầm thay cho tốp khác.
Theo thông tin mà nhiều người tại hiện trường đặt vấn đề, nên tính toán 1 đường ống thoát hiểm từ bên trong ra đến miệng hầm cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Nếu trường hợp sự cố xảy ra bất ngờ ở đoạn đường hầm này thì họ có thể chui vào đường ống, thoát ra ngoài an toàn.
Đến đêm 18/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã triển khai xong hệ thống thông tin liên lạc hữu tuyến từ bên ngoài miệng hầm đến vị trí hầm bị sập. Do đó việc thông tin thông suốt từ sở chỉ huy cứu nạn bên ngoài vào sâu bên trong với lực lượng đang làm nhiệm vụ, đảm bảo cho việc cứu hộ - cứu nạn diễn ra suôn sẻ hơn.
Đến nay, vẫn chưa thể khẳng định được điều gì. Tất cả các lực lượng, đang triển khai các phương án có chung mục đích là chạy đua với thời gian để cứu người. Tình trạng sức khỏe ngày càng suy kiệt của 12 người đang mắc kẹt ở bên trong là một thực tế mà những người cứu hộ đang đối mặt.