Lịch sử thế giới đã từng ghi nhận rất nhiều những cơn bão có sức hủy diệt vượt xa thang đo cấp gió của nhiều quốc gia như trận siêu bão Katrina (2005), siêu bão Sandy (2012) hay siêu bão Bopha (Philippines)... Tất cả những trận siêu bão đi qua đều để lại những hậu quả to lớn về người và của, mà phải mất rất nhiều thời gian sau đó, người dân địa phương mới có thể phục hồi lại được phần nào sự tàn phá của thiên tai.
Bà Phạm Thị Thanh Thư - Quyền Giám đốc Trung tâm thời tiết và cảnh báo thiên tai của Đài THVN đánh giá về bão Haiyan trong bản tin thời sự lúc 19h hôm nay trên VTV1 (clip: VTV.vn)
Tiêu biểu trong số những siêu bão gây kinh sợ của loài người là trận bão Katrina xảy ra vào năm 2005 tại Mỹ, tàn phá miền Đông Nam nước Mỹ và trở thành một trong những trận thiên tai gây tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với sức gió 280km/h, cơn bão khiến 1.833 người chết và gây thiệt hại 108 tỷ USD.
Tháng 10/2012, siêu bão Sandy cũng đổ bộ vào Mỹ, gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia này. Trước khi đổ bộ vào Mỹ, siêu bão này cũng đã tấn công vào các quốc gia như Jamaica, Cuba, Bahamas, Haiti và Canada. Với sức gió lên đến 185km/h, bão Sandy khiến gần 300 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD.
Cũng vào năm 2012, cơn bão mạnh nhất năm 2012 có tên quốc tế Bopha với sức gió mạnh 280km/h đã tấn công vào đảo Mindanao, Philippines khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, so về cường độ, siêu bão Haiyan vẫn được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử. Bằng chứng là vào sáng ngày hôm nay, sức gió ở vùng gần tâm bão lên tới trên 370km/h, và vào trưa nay sức gió vùng tâm bão dù đã suy yếu nhưng vẫn đạt 234km/h, gió giật lên tới 324km/h. Với vận tốc này, siêu bão được đánh giá là có sức di chuyển nhanh hơn cả tốc độ di chuyển của tàu hỏa siêu tốc.
Sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Haiyan. Ảnh: NOAA.
Hình ảnh vệ tinh của Nasa cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của siêu bão Haiyan khi tiến sâu vào Philippines.
Siêu bão Haiyan được đánh giá tương đương với bão cấp 5 của Mỹ theo thang đo Saffir-Simpson. Thang bão này chia các cơn bão biển thành 5 cấp khác biệt, dựa trên sức gió, khí áp trung tâm và sóng cồn. Trung tâm dự báo bão quốc gia Hoa Kỳ phân loại bão cấp 3 trở lên là các trận bão lớn. Theo đó, bão cấp 1 sẽ có tốc độ từ 118 tới 152km/h, trong khi cơn bão cấp 5 sẽ di chuyển với tốc độ từ 250 km/h trở lên. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu cấp số 6 ra đời, những cơn bão trong cấp đó sẽ có tốc độ từ 280 tới 314 km/h.
Là một trong những siêu bão mạnh nhất trong lịch sử, phần mắt bão nhìn rất rõ từ bên ngoài không gian. Ảnh: AP.
Siêu bão Haiyan với hoàn lưu và mắt bão rộng gây nên nỗi sợ hãi cho người dân không chỉ ở Philippines mà còn cả những nước khác trên thế giới. Với sức gió khủng khiếp như dự báo, siêu bão Haiyan sẽ có thể phá hủy tất cả các căn nhà cấp 4 kiên cố, làm bật tung nóc nhà hay các khung sắt, cây cối cổ thụ cũng có thể bật tung gốc, cột điện đổ, cô lập các khu dân cư khiến người dân sống trong tình trạng thiếu nước lâu dài.
Tính đến thời điểm hiện tại, siêu bão Haiyan đã khiến ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương, đồng thời lật tung mái của rất nhiều tòa nhà, bật tung gốc cây và làm sạt lở đất, giao thông đình trệ. Một số khu vực ảnh hưởng nặng nề của bão đã mất liên lạc.
Dự kiến, sau khi đổ bộ vào Philippines, siêu bão Haiyan sẽ di chuyển vào biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, Lào.
Cấp bão số 5 (theo thang của Mỹ) có sức tàn phá khốc liệt: Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ bị thương hoặc tử vong rất cao do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi ở trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung sắt kiên cố. Bão có thể phá hủy gần như hoàn toàn tất cả các nhà cấp 4, bất kể đã xây dựng bao nhiêu năm hoặc kết cấu tốt thế nào. Một tỷ lệ cao của các nhà khung sắt hoặc khung bê tông sẽ bị phá hủy, với toàn bộ mái và tường sụp đổ. Số lượng lớn các mảnh vỡ do gió bay trong không khí cũng rất nguy hiểm. Các khung quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích cũng sẽ bị phá hủy. Các cây sẽ gãy hoặc bật gốc và cột điện bị đổ, cô lập các khu dân cư. Mất điện sẽ kéo dài hàng tuần, liên lạc đình trệ, giao thông bị chia cắt và gián đoạn có thể cả tháng. Tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm tăng khốn khó cho người dân. Phần lớn diện tích nhà sẽ không thể ở được trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. |