Điểm danh đội tàu xung kích Việt Nam đang đấu với Hải Giám Trung Quốc

Infonet.vn, Theo 14:00 13/05/2014

Dưới đây là một số thông tin về các lực lượng tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang tham gia ngăn chặn giàn khoan trái phép của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tàu CSB 8001

Trong những ngày qua, để ngăn chặn việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 (Haiyang Shiyou 981 – viết tắt là HS 981), Việt Nam đã huy động nhiều tàu để làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Đó là một lực lượng tàu hỗn hợp của nhiều lực lượng: Cảnh sát biển, Kiểm ngư…

Đến nay, bất chấp việc các tàu của Trung Quốc rất hung hăng, tấn công và gây thiệt hại cho các tàu chấp pháp của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn kiên trì theo đuổi biện pháp đấu tranh hòa bình, không huy động các tàu chiến mang pháo lớn hay tên lửa diệt hạm. Chúng ta chỉ sử dụng các tàu vũ trang yếu, nhằm tránh leo thang căng thẳng, dễ bị phía Trung Quốc lợi dụng.

Cảnh sát biển Việt Nam

Hiện nay Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị nhiều tàu tuần tra các loại, từ cỡ nhỏ như TT-120 (lượng giãn nước 120 tấn), TT-200 (200 tấn), TT-400 (400 tấn), các tàu phóng lôi Shershen (Đề án 206 của Liên Xô) chuyển loại, hai tàu tuần tra CSB 2015, CSB 2016 do Hàn Quốc viện trợ (280 tấn)… cho đến các tàu lớn như tàu tuần tra xa bờ 1.200 tấn (do Tổng công ty đóng tàu Sông Thu đóng), tàu tuần tra CSB 8003 do Hàn Quốc viện trợ (1.400 tấn), tàu tuần DN 2000 (2.561 tấn).

Hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của các tàu tuần tra TT-200, TT-400 và tàu CSB 8003 trên vùng biển nơi giàn khoan HS 981 đang hạ đặt trái phép. Đến ngày 11/5, thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho hay: Tàu CSB 8001 - tàu cảnh sát biển lớn nhất Việt Nam cũng đã lên đường chi viện cho đồng đội.

CSB 8001 là tàu tuần tra do Công ty đóng tàu Z189 đóng theo thiết kế tàu DN 2000 của Tập đoàn Damen – Hà Lan, gia nhập biên chế cảnh sát biển Việt Nam ngày 25/10/2013. Tàu dài 90,5m, rộng 14m, lượng giãn nước lên đến 2.561 tấn. Tàu có bốn động cơ, mỗi động cơ có công suất trên 3.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 21,3 hải lí/h, có khả năng hải hành liên tục 40 ngày đêm, tầm hoạt động lên đến 5.000 hải lí.

Tàu có sân đỗ cho máy bay trực thăng, được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại, phục vụ công tác điều khiển, chỉ huy, thông tin liên lạc và trinh sát. Vũ khí của tàu là hai pháo 25mm hai nòng, các trọng liên phòng không 14,5mm, hai vòi rồng phun nước, và đặc biệt là hệ thống vũ khí âm thanh LRAD của Mỹ.

CSB 8003 là tàu tuần tra lớn thứ hai của Cảnh sát biển Việt Nam, do Hàn Quốc viện trợ. Đây nguyên là tàu thuộc lớp sông Hàn, được đóng năm 1983, được công ty đóng tàu Hồng Hà - Z173 - cải tiến và trang bị lại.

Tàu CSB 8003

Tàu dài 81,5m, chiều rộng nơi lớn nhất là 9,8m, lượng giãn nước đầy tải 1.400 tấn. Tàu có hai động cơ, mỗi động cơ có công suất gần 5.300 mã lực, cho tốc độ tối đa 20,7 hải lí/h. Tàu được trang bị nhiều hệ thống điện tử hàng hải hiện đại, có hai pháo 25mm hai nòng và các trọng liên phòng không 14,5mm.

Một số tàu tuần tra TT-200, TT-400 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã có mặt để tham gia ngăn cản giàn khoan trái phép của Trung Quốc, điển hình là tàu CSB 2012 (loại TT-200) và tàu CSB 4033 (loại TT-400) đã bị tàu Trung Quốc làm hư hỏng nặng, phải về bờ sửa chữa ở Tổng Công ti đóng tàu Sông Thu.

TT-200 là mẫu tàu tuần tra cao tốc 200 tấn cho cảnh sát biển Việt Nam, được đóng ở Công ty đóng tàu Hải Long - X46.

Tàu có thể hoạt động trong điều kiện sóng lớn cấp 7, cấp 8, tầm hoạt động lên đến 1.800 hải lí, được trang bị một pháo 25mm hai nòng và hai trọng liên 14,5mm. TT-400 là mẫu tàu tuần tra cao tốc 400 tấn do Z173 đóng để thử nghiệm trước khi đóng các tàu pháo TT-400TP cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nhưng khác với các tàu chiến của Hải quân, tàu TT-400 cho cảnh sát biển Việt Nam chỉ có hai pháo 25mm hai nòng và hai trọng liên 14,5mm.

Trên đây chỉ là số hiệu và thông số của các tàu cảnh sát biển đã được công bố rộng rãi trên báo chí. Cùng với những diễn biến căng thẳng của tình hình, có thể sẽ có thêm nhiều tàu cảnh sát biển được huy động tham gia ngăn chặn giàn khoan HS 981 của Trung Quốc.

Kiểm ngư Việt Nam

Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng thực thi pháp luật trên biển trực thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Là lực lượng non trẻ, mới được thành lập đầu năm 2014, nhưng Kiểm ngư Việt Nam đã tung nhiều tàu tham gia ngăn chặn các tàu Trung Quốc.

Có thể kể ra những tên tàu như KN 628, KN 629, KN 761, KN 762, KN 763, KN 764, KN 765, KN 766, KN 767, KN 768, KN 769, KN 770, KN 9226. Chưa có thông tin rõ ràng về các tàu này, nhưng nhìn chung, đây là các tàu nhỏ, lượng giãn nước chỉ khoảng 200 - 400 tấn. Các tàu kiểm ngư cỡ lớn như KN 781, KN 782 (đóng theo mẫu DN 2000 giống như tàu CSB 8001) vẫn chưa hoàn thành.

Tàu kiểm ngư KN-765

Theo các thông tin được công khai trên báo chí, tàu nhỏ nhất của kiểm ngư Việt Nam hiện nay có chiều dài hơn 38m, rộng 7,8m, từ đó có thể suy luận rằng chúng có lượng giãn nước khoảng 200 tấn. Qua quan sát hình dáng bề ngoài tàu, có thể đưa ra kết luận sơ bộ: Hai tàu KN 628 và KN 629 khá giống với các tàu tuần tra xa bờ 1.200 tấn do Tổng công ty Sông Thu đóng cho CSB Việt Nam. Các tàu kiểm ngư có số hiệu từ KN 761 đến KN 770 là các tàu tuần tiễu cỡ 200 tấn và 400 tấn. Trang bị vũ khí trên tàu là trọng liên 12,7mm, ngoài ra còn có vòi rồng và loa phát thanh.

Tàu vận tải Trường Sa

Hiện nay đã ghi nhận sự xuất hiện của tàu Trường Sa 22 ở “điểm nóng” quanh giàn khoan HS 981 của Trung Quốc trên biển Đông. Các tàu mang tên Trường Sa như Trường Sa 01, Trường Sa 04, Trường Sa 08, Trường Sa 14, Trường Sa 19, Trường Sa 20, Trường Sa 21, Trường Sa 22… Hiện chưa có nhiều thông tin về thông số của các tàu này.

Theo một nguồn tin nước ngoài, các tàu vận tải Trường Sa dài 70,6m, rộng 11,8m, có lượng giãn nước khoảng 1.200 tấn, được đóng tại nhà máy đóng tàu Hạ Long. Vũ khí của tàu là hai pháo 25mm hai nòng. Các tàu vận tải loại này thường làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho quần đảo Trường Sa, cứu hộ ngư dân…

Bên cạnh các tàu vận tải của Lữ đoàn 125, các tàu Vạn Hoa của Công ty 128 cũng thường xuất hiện trong các hoạt động thực thi pháp luật trên biển. Đây là các tàu đánh cá vỏ thép, lượng giãn nước khoảng 400 tấn, tốc độ 11,5 hải lí, do các nhà máy đóng tàu X51 (Hải Minh), X55 (Hải Bình) … đóng cho Hải quân. Bên cạnh nhiệm vụ đánh bắt thủy sản xa bờ, hỗ trợ ngư dân, tàu cũng tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện có tin tức cho biết các tàu Vạn Hoa cũng đã lên đường hỗ trợ cho đồng đội.

Đội hình tàu Vạn Hoa của Công ty 128.

Phương án nào để đuổi giàn khoan Trung Quốc khỏi vùng biển Việt Nam?

Hiện nay, giàn khoan HS 981 đang xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc sử dụng rất nhiều tàu lớn (có cả tàu vận tải 5.000 tấn), bao gồm cả tàu chiến mang đạn diệt hạm để uy hiếp các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Các tàu Việt Nam bị vây ép bởi lượng lớn tàu Trung Quốc, bị đâm va, xịt nước làm hỏng nhiều trang thiết bị.

Theo phân tích tình hình những ngày qua, có thể thấy Việt Nam đang thực thi nhiều biện pháp tổng hợp để khẳng định chủ quyền biển đảo:

Một mặt, tiếp tục huy động các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu vận tải Trường Sa, tàu vận tải Vạn Hoa đến “điểm nóng”. Cảnh sát biển Việt Nam đã cho “xuất tướng”, tung tàu CSB 8001 lớn nhất của mình đến để đẩy đuổi các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, về số lượng và lượng giãn nước của tàu, thì Việt Nam không thể đấu lại với các tàu lớn của Trung Quốc. Các tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam khó có thể được huy động để hỗ trợ đồng đội, để tránh bị Trung Quốc lợi dụng cho mục đích tuyên truyền.

Vì lẽ đó, Việt Nam đã phản công lại Trung Quốc bằng “binh chủng” báo chí. Các nhà báo đã được đi cùng các tàu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam, trực tiếp ghi lại những hình ảnh về hành động ngang ngược của Trung Quốc và gửi về đất liền những tin tức nóng hổi. Những hình ảnh, tin tức quý giá này là bằng chứng chắc chắn, là công cụ đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam. Chúng ta đã và đang nhận được lòng tin và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Mặt khác, để gia tăng áp lực lên giàn khoan HS 981, các tàu Việt Nam không còn bị động chống đỡ, mà khi cần cũng đã chủ động dùng vòi rồng đáp trả lại các tàu Trung Quốc. Diễn biến những ngày qua cho thấy, “vành đai thép” bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã bắt đầu nao núng, các tàu Việt Nam đã có lúc đột phá được tiếp cận gần giàn khoan. Việt Nam cũng có thể tính toán đến việc sử dụng vũ khí âm thanh LRAD của Mĩ để đáp trả, đánh thủng phòng tuyến Trung Quốc.