Đề xuất xử phạt kết hôn đồng tính bị “ném đá” tơi bời

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 01/04/2013

Nhiều chuyên gia đồng loạt lên tiếng phản đối đề xuất phạt người kết hôn đồng giới vì cho rằng vô căn cứ và không thể thực hiện. Trong khi đó, cộng đồng người đồng tính tỏ ra rất thất vọng về đề xuất này của Bộ Tư pháp.

Mới đây, trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đưa ra đề xuất xử phạt 1 triệu đồng đối với các trường hợp kết hôn đồng giới tính. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia luật, chuyên gia xã hội và cộng đồng những người đồng tính.

Nhiều chuyên gia lên tiếng phản bác

TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự (Đại học Luật Hà Nội), một chuyên gia luật hàng đầu trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đã đưa ra nhiều luận điểm để phản bác lại đề xuất trên của Bộ Tư pháp.

TS Cừ phân tích, pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm những người đồng tính có quan hệ hay chung sống với nhau. Đây là vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân, hai người đồng tính muốn ăn ở với nhau thì đó là quyền của họ. Hiện tại, chỉ còn về mặt pháp lý thì Nhà nước chưa thừa nhận cho phép kết hôn đồng giới tính.

“Nhưng cũng chính vì pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng giới tính, tức là việc làm này trên danh nghĩa là không xảy ra. Vậy thì, việc xử phạt ở đây không có căn cứ gì cả, và sẽ không khả thi”, ông Cừ nhấn mạnh.

Thạc sỹ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE), đồng quan điểm với TS Nguyễn Văn Cừ khi cho rằng đề xuất xử phạt những người kết hôn đồng giới tính là không có căn cứ và không thể thực hiện được.

Đề xuất xử phạt kết hôn đồng tính bị “ném đá” tơi bời 1
Thạc sỹ Lê Quang Bình và nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất xử phạt người đồng tính kết hôn là vô căn cứ và không khả thi. Ảnh: Ngọc Phương.

Thạc sỹ Bình cho biết: “Hiện tại, Luật Hôn nhân – Gia đình nước ta cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Chính quyền, cơ quan chức năng sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho những người đồng tính. Như vậy, về mặt pháp lý sẽ không tồn tại mối quan hệ kết hôn giữa những người đồng tính. Vì thế, nếu xử phạt những người đồng tính kết hôn thì sẽ là phạt một thứ không tồn tại”.

“Người đồng tính sẽ rất khó “qua mặt” chính quyền để đăng ký kết hôn. Nếu bằng cách nào đó họ đăng ký kết hôn được, thì đối tượng bị phạt lúc này sẽ là họ hay cơ quan đã cấp đăng ký kết hôn?”,
ông Bình đặt câu hỏi ngược lại.

Thạc sỹ Lê Quang Bình cho rằng, đề xuất xử phạt người đồng tính kết hôn tuy không có căn cứ và khó thực hiện trong thực tế nhưng nó sẽ gây ra những hiểu lầm tai hại liên quan đến việc kết hôn đồng tính và làm đám cưới đồng tính.

“Pháp luật Việt Nam cấm kết hôn đồng tính, nhưng việc làm đám cưới, tiệc cưới giữa những người đồng tính lại là hoạt động dân sự bình thường và hoàn toàn không bị cấm. Đề xuất xử phạt trên sẽ tạo ra sự hiểu nhầm về khái niệm cũng như bản chất của hai hành vi trên. Từ đó, có thể nhiều người đồng tính tổ chức đám cưới sẽ bị xử phạt oan, và nhiều người đồng tính sẽ vì lo ngại mà không thực hiện được các quyền của mình”, ông Bình lo ngại.

Bên cạnh lý do vô căn cứ và không khả thi, đề xuất xử phạt người đồng tính kết hôn còn bị cho là vi phạm các quyền con người.

TS Nguyễn Văn Cừ đưa ra trích dẫn trong văn bản luật: “Ngay ở Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng quy định: “Mọi người có quyền sống” (Điều 21); “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới” (Khoản 3 Điều 27). Điều này thể hiện rõ quyền con người, trong đó có cả người đồng tính”.

Trả lời báo chí, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc chung sống giữa những người đồng tính là vấn đề xã hội, không nên phản bác, quay lưng lại với họ. Cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu thế mở rộng với nhu cầu được kết hôn và chung sống với nhau ngày càng tăng lên.

“Họ không phải là những người bệnh hoạn như một số người nói, họ cũng là con người. Hiện pháp luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng theo tôi, trong tương lai pháp luật phải công nhận. Đấy là nhu cầu tự thân và cũng là quyền của người ta. Theo tôi, nên đưa ra một quy định cảnh báo hay nhắc nhở họ. Nếu quy định phạt là cứng nhắc, chưa tính đến thực tiễn xã hội”, ông Sơn đề xuất.

Trên cơ sở phân tích những điểm bất cập, nhiều chuyên gia đề nghị rút lại đề xuất xử phạt người đồng tính kết hôn trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp.

Cộng đồng người đồng tính thất vọng

Tuy việc tăng mức xử phạt người đồng tính kết hôn lên 1 triệu đồng mới chỉ là đề xuất để đưa vào Dự thảo Nghị định của Bộ Tư pháp, nhưng nó đã có tác động tới tâm lý của những người đồng tính. Đa số họ đều phản đối, buồn và thất vọng với đề xuất trên.

“Tôi không hiểu lắm. Hiện tại người đồng tính đâu thể kết hôn được đâu mà phạt? Lấy căn cứ nào, khi nào thì mới phạt họ được? Việc họ tổ chức đám cưới chỉ là một dạng tổ chức tiệc gia đình, không có giá trị pháp lý, nên tôi thấy quy định này đặt ra nhưng không thực tế, không thể áp dụng được”, một người đồng tính nam (23 tuổi) thắc mắc.

P.H.M, một người đồng tính nữ 18 tuổi ở TP HCM, gay gắt: “Ngoại tình là việc mang tính chất vi phạm đạo đức, còn người đồng tính yêu thương và đến với nhau bằng tình yêu thì không thể gọi là vi phạm và phạt nặng được. Tình yêu đồng tính chẳng làm hại tới ai cả, đó là chuyện riêng của hai con người, việc phạt những con người yêu nhau thật là vô lý”.

Đề xuất xử phạt kết hôn đồng tính bị “ném đá” tơi bời 2
Kết quả khảo sát của ICS tiến hành trên 5.000 thành viên cộng đồng người đồng tính về vấn đề hôn nhân.

Trước đó, một đoàn công tác liên ngành, trong đó có đại diện Bộ Tư pháp, đã đưa ra đề xuất công nhận người đồng tính sống chung có đăng ký. Đề xuất này được coi là một bước tiến để hướng tới việc cho phép người đồng tính kết hôn ở Việt Nam nên đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng người đồng tính. Nhưng đề xuất xử phạt mới đây của Bộ Tư pháp bị cho là một việc làm khó hiểu, đi ngược lại tiến trình hướng tới công nhận hôn nhân đồng giới tính ở Việt Nam.

“Bộ Tư pháp đang xem xét mở rộng quyền cho người đồng tính trong tiến trình sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình. Rất nhiều người đồng tính hoan nghênh việc này. Tuy nhiên ngay khi dự thảo nghị định đề xuất thì nhiều người đồng tính thấy con đường để đi tới sự bình đẳng vẫn còn rất dài. Hy vọng Bộ sẽ có quy định pháp luật hợp tình hợp lý hơn như Bộ trưởng Hà Hùng Cường từng tuyên bố là sẽ không tạo ra thêm định kiến với người đồng tính”, V.T.S, người đồng tính nam, chia sẻ.

Một người đồng tính nữ (31 tuổi) chung mong muốn đề xuất xử phạt của Bộ Tư pháp sẽ bị bãi bỏ: “Khi phạt 1 triệu rồi thì có lợi hơn gì không? Đóng phạt xong rồi họ có hết đồng tính được không? Hay là họ vẫn quay về sống với nhau? Lúc đó thì làm gì họ nữa, chia tách người ta hay sao? Hy vọng đây chỉ là dự thảo, khi chính thức ban hành sẽ bỏ đi điều khoản này”.

Nói về vấn đề này, ICS – Tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người đồng tính lớn nhất Việt Nam – đã đưa ra ý kiến, quan điểm của mình.

Đại diện ICS cho biết: “Việc xử phạt người đồng tính kết hôn không phải là nội dung mới vì đã tồn tại trong các văn bản pháp luật trước đó như Nghị định 87/2001/NĐ-CP. Đề xuất trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp của Bộ Tư pháp mới đây chỉ tăng gấp đôi mức phạt từ 100.000 – 500.000 lên 200.000 – 1.000.000. Nhưng có điểm mới ở Dự thảo là có thêm hình thức phạt cảnh cáo, bên cạnh hình thức phạt tiền.

Nghị định 87/2001/NĐ-CP đã ra đời 12 năm trước với giá trị đồng tiền khác bây giờ, nên việc tăng gấp đôi mức phạt không phải là dấu hiệu cho thấy luật pháp đang “trừng phạt” hôn nhân cùng giới nặng lên, vì nó cũng áp dụng tương tự với nhiều trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn khác.

Vấn đề ở đây là nội dung về “Kết hôn với người cùng giới” vẫn là điều khoản gây tranh cãi lâu nay, theo chúng tôi về nguyên tắc là rất khó để áp dụng. Đây là một dạng chế tài không thể áp dụng được trong thực tế, vì người cùng giới rất khó để “lừa” chính quyền mà đăng ký kết hôn được”
.

Trung tâm ICS đưa ra khuyến nghị: “Bộ Tư pháp xem xét lại tính thi hành trong thực tế của điều khoản này, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể cho cán bộ tại chính quyền địa phương để tránh trường hợp giải thích pháp luật sai dẫn đến vi phạm quyền con người”.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7/2013. Nghị định này sẽ thay thế một số nghị định, trong đó có Nghị định 87/2001/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2001.

Điều 46 của dự thảo Nghị định trên quy định về “Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”, về cơ bản không có thêm nội dung mới so với quy định hiện hành, chỉ tăng gấp đôi mức phạt từ 100.000 - 500.000 đồng lên 200.000 - 1.000.000 đồng và có thêm hình thức phạt cảnh cáo (Nghị định 87 chỉ có phạt tiền), áp dụng đối với các trường hợp kết hôn cùng giới tính.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày