"Còi to cho vượt" - Thói quen xấu xí "tiếp tay" cho những tai nạn khôn lường

Nhóm PV, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 27/08/2015

TS. Khuất Thu Hồng kể rằng, chính bà đã từng vài lần giật mình, "tim đập chân run", suýt bị tai nạn vì tiếng còi xe tải rú ầm ĩ. Bà cho rằng, bấm còi bừa bãi thực sự là hành vi thiếu văn hóa và đáng lên án trong xã hội.

Giống với nhiều quốc gia phát triển, luật giao thông của Việt Nam cũng quy định rất cụ thể, chi tiết khung xử phạt đối với việc bấm còi xe thiếu ý thức. Thế nhưng, câu chuyện làm sao để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do còi xe đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi mà nhiều người vẫn quan điểm, "đi đường Việt Nam, không thể không bấm còi".

"Còi to cho vượt" - thói quen xấu cần được dẹp bỏ càng sớm, càng tốt

Nạn còi xe bừa bãi - câu chuyện muôn năm cũ ấy tưởng như ai cũng phải cảm thấy ngán ngẩm mỗi khi nhắc đến vì "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà có giải quyết được đâu. Hàng ngày, hàng giờ, cứ khi bước chân ra đường là nhiều người lại cảm thấy choáng váng vì nạn tắc đường, khói xe và tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do còi xe gây ra.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội khẳng định, ở Việt Nam, người tham gia giao thông đang bấm còi xe quá nhiều, quá to và quá không thực sự cần thiết. "Bấm còi quá nhiều kết quả là không ai nghe, không ai để ý mà chỉ khiến người khác bị đau đầu, nhức óc", bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, bấm còi xe bừa bãi là hành vi vô văn hóa và đáng lên án. "Bản thân tôi đã từng vài lần giật mình, “tim đập chân run”, suýt bị tai nạn vì tiếng còi xe tải rú ầm ĩ. Tôi cũng từng chứng kiến một phụ nữ trung niên đi xe đạp bị ngã vì người đi xe máy bấm còi hơi rất to. Bác ấy giật mình và bị ngã đau, phải có người giúp mới đứng dậy được, mặt mũi xây xát, quần áo lấm bẩn. Tôi và những người chứng kiến cảm thấy rất bất bình còn chiếc xe máy kia thì ung dung vừa tiếp tục đi vừa "hú" còi", TS. Hồng kể lại.

tp1-83ed2
Suy nghĩ "còi to cho vượt" là một trong những nguyên nhân "tiếp tay" cho nạn bấm còi thiếu kiểm soát - (Ảnh: Họa sĩ Thành Phong).

ABC_6824-09183
Lý do đường xá chật hẹp, các phương tiện chen lấn làn đường của nhau cũng được nhiều người viện dẫn để biện minh cho việc thường xuyên phải dùng đến còi xe - (Ảnh: Doãn Tuấn).

Theo bà Hồng, ở nước ngoài, hiếm khi nghe tiếng còi xe vì họ chỉ sử dụng trong tình huống nghiêm trọng và thể hiện sự không hài lòng của người điều khiển phương tiện đi sau do hành vi trái pháp luật gây ra. Tuy nhiên, ở nước ta, người ta bấm còi mọi nơi, mọi lúc, thích thì bấm. Đứng chờ đèn đỏ cũng bấm còi, vắng cũng bấm, đông cũng bấm… Hành vi này chứng tỏ sự thiếu tôn trọng của người điều khiển phương tiện đối với cộng đồng, bất chấp những người xung quanh.

Bà Hồng cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ thói quen thích thể hiện “quyền lực” và thích gây ra sự chú ý đối với người khác khi tham gia giao thông. "Người bấm còi như muốn hét lên: “Ta đang điều khiển một động cơ có thể đè bẹp các người nếu không tránh đường cho ta. Theo tôi, bấm còi thường xuyên tạo nên thói quen cho người điều khiển phương tiện, không bấm còi cảm thấy mình kém cỏi, không được chú ý. Điều này ở một mức độ nào đó phản ánh tâm lý đua chen, cạnh tranh và bạo lực", bà Hồng nói.

"Nạn bấm còi bừa bãi chỉ có thể bị dẹp bỏ khi tất cả mọi người tôn trọng luật giao thông. Tránh để tình trạng đi đường ai cũng bấm còi nhưng kết quả là chẳng ai nghe và chỉ gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn, khiến người đi đường đinh tai nhức óc", bà Hồng nhấn mạnh.

Clip sử dụng còi xe bừa bãi khi tham gia giao thông.

Luật đã rõ nhưng rất khó áp dụng

Nói về quy định xử phạt hành vi bấm còi thiếu ý thức, luật sư Giang Hồng Thanh (công tác tại văn phòng luật Giang Thanh) cho biết: "Chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về việc sử dụng còi đã rất rõ ràng, cụ thể. Khung xử phạt hành chính cao nhất có thể lên tới 800.000 đồng và đây là mức xử phạt không hề nhẹ tay".

Tuy nhiên, luật sư Thanh cũng khẳng định, vì nhiều lý do khách quan nên việc áp dụng các chế tài này đối với hành vi vi phạm thực tế hiện vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Đó chính là nguyên nhân khiến hiện tượng sử dụng còi vô ý thức rất phổ biến, nhưng ít khi chúng ta thấy người sử dụng còi xe sai luật bị xử phạt.

"Ví dụ đối với quy định phạt tiền dành cho hành vi bấm còi làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, thì thông thường thời gian này lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông rất mỏng, không thể phát hiện đúng lúc hành vi vi phạm để xử lý. Hoặc đối với hành vi bấm còi liên tục trong đô thị cũng rất khó bị phát hiện kịp thời để xử phạt", ông Thanh nói.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Nguyễn Huy An phân tích: "Theo thông tư số 10/2009 ngày 24/6/2009 của BGT&VT, còi xe có âm lượng từ 90dB (A) + 115dB (A), nếu thấp hoặc cao hơn đều không được. Như vậy, ngay trong bản thân luật đã quy định tiếng ồn do còi xe ở mức khá lớn và nếu chỉ nghe bằng tai thường, trong môi trường đường xá đông đúc, chật hẹp, rất khó để biết các phương tiện có bấm còi vượt âm lượng hay không".

Theo luật sư An, việc bấm còi không đúng lúc, đúng nơi, đúng thời gian quy định gây nên một sự ức chế, khó chịu rất lớn đối với những người tham gia giao thông có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ. Thậm chí có nhiều trường hợp, việc sử dụng còi không tuân thủ các quy định của pháp luật còn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Tuy nhiên, ông An cũng khẳng định, không phải hành vi bấm còi nào cũng gây ra tai họa khôn lường. "Không phải hành vi bấm còi thiếu ý thức nào cũng có thể gây nên tai nạn nên cần căn cứ vào từng trường hợp để quy trách nhiệm cụ thể. Đó cũng chính là lý do vì sao khung xử phạt việc bấm còi bừa bãi ở Việt Nam vẫn còn khá nhẹ vì cho đến nay, ngoài vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, những tác hại khác của còi xe vẫn chưa được chứng minh một cách thực sự có khoa học và chi tiết", ông An nói thêm.

Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được hướng dẫn tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Trong trường hợp sử dụng còi vượt quá âm lượng đối với ô tô (Theo tiêu chuẩn của Cơ quan đăng kiểm), người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; còn sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật đối với xe máy, người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.


Bạn nghĩ gì về tình trạng bấm còi xe ở Việt Nam? Bạn nghĩ sao khi ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng trầm trọng? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách gửi về cho chúng tôi qua email xahoi@kenh14.vn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày