Xôn xao "Cô Phú" chữa bách bệnh
Mấy ngày nay, trên nhiều diễn đàn mạng xôn xao chia sẻ thông tin và hình ảnh về một người phụ nữ được cho là chữa được bách bệnh thậm chí cả bệnh nhân ung thư mà bệnh viện trả về. Người này đơn giản chỉ chữa bằng cách giẫm chân lên lưng người bệnh mà không cần uống thuốc, không mất tiền, điều đó khiến không ít người tò mò.
Status của Le.T.H. gây bão cộng đồng mạng.
Trên trang cá nhân của mình, Lê.T.H chia sẻ: "Nghe danh Cô Phú Bồ Tát chữa bệnh cứu người, khỏi 100% các ca ung thư bệnh viện trả về và đặc biệt là chữa bệnh không mất tiền, không bắt bệnh nhân phải uống bất cứ loại thuốc nào hay thanh toán chi trả lệ phí khám chữa bệnh nên hôm nay cả gia đình mình không quản đường sá xa xôi đến tận nơi xem thực hư thế nào!”.
Khi đến nơi, Lê.T.H. tận mắt chứng kiến cảnh: "500 - 600 người xếp hàng la liệt trong một buổi sáng để mong đến lượt chữa bệnh. Hàng đoàn xe từ Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Lạng Sơn... Tứ xứ đông hoa cả mắt". Thậm chí, cô còn chia sẻ gặp cả nghệ sĩ nổi tiếng đến chữa bệnh.
Cảnh gần trăm người trong tư thế gần như khỏa thân nằm úp chờ được dẫm lên cơ thể. Ảnh: Le.T.H.
"Được chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le đến nỗi ăn sáng bằng mỳ tôm 3-5 nghìn mà đối với người ta còn là quá xa xỉ không dám ăn nói gì tới tiền chữa bệnh, rồi em bé mới 1-2 tuổi đã ung thư xương di căn... nhìn mà xót xa, mong cho họ ai cũng khỏi bệnh nơi cửa Cô", H. viết tiếp.
Kèm theo những thông tin là một số hình ảnh chụp lại cảnh cả trăm người gần như khỏa thân, hở phần mông nằm úp người xuống được gọi là “Cô Phú” giẫm lên lưng.
Cổng lớn khang trang nhà bà Phú nằm sát sườn đồi.
Chỉ sau gần 3 ngày đăng tải, thông tin trên đã thu hút gần 60.000 like hơn 33.000 lượt chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Không ít người tỏ ra ngạc nhiên về khả năng chữa bệnh thần diệu của người phụ nữ trên. Thậm chí còn "mắt tròn mắt dẹt" vì có hàng trăm người đổ đến "cửa Cô" để chữa bệnh theo kiểu khác lạ này.
"Cô Phú" khẳng định: Chỉ là tẩm quất bình thường
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã lần tìm về địa chỉ nơi có người phụ nữ được gọi là “Bồ Tát” sinh sống. Theo đó, người này tên là Phạm Thị Phú (44 tuổi, ở xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).
Clip Thực hư "Cô Phú" chữa bách bệnh bằng cách giẫm chân lên người bệnh nhân - (Thực hiện: Nguyễn Xuân Hoàng - Thế Anh).
Bên trong nhà cảnh hàng trăm người dân nằm la liệt chờ để được "tẩm quất" (từ do bà Phú dùng)
Một người bệnh ốm nặng, kiệt sức được đưa đến cầu cạnh cô Phú.
Bên ngoài sân, ô tô đủ loại lớn bé xếp thành hàng dài.
Nhà người phụ nữ này nằm sát bên sườn đồi, khá khang trang. Hai bên lề đường, ô tô đủ loại lớn bé xếp thành hàng dài. Vào trong, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh hàng trăm người dân với đủ các loại bệnh từ người bị ung thư, tàn tật, liệt nửa người, câm điếc, viêm phổi… đến từ nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang, thậm trí trong miền Nam… về đây “cầu cạnh” để được cô Phú giẫm lên lưng(?!)
Cùng với đó là cảnh người ngồi, người đứng la liệt trong không gian sân rộng khoảng hơn 100m2. Mới hơn 8h sáng nhưng không khí ở đây đã rất tấp nập, đông đúc với cảnh người đứng, người ngồi chờ xếp hàng để lấy số thứ tự.
Cảnh người bệnh xếp hàng đợi để vào trong "trị bệnh".
Nhiều người không đến lượt đành ngồi đợi đến ngày hôm sau.
Đội quân giúp việc cho bà Phú giải đáp cho nhiều người ở xa đến muộn.
"Đội quân" giúp việc cho cô Phú hoạt động không ngừng nghỉ, người phụ bàn, người sắp xếp chỗ ngồi, người canh điện thờ… Tuy nhiên, do lượng người quá đông nhưng số lượt được cô “chữa bệnh” thì có hạn nên nhiều người đành ngậm ngùi chờ đến ngày hôm sau.
Sau một hồi chờ đợi lâu, khi cô Phú bước ra ngoài, hàng trăm người dân không ai bảo ai vỗ tay vui mừng vì sự xuất hiện của "Bồ Tát". Khác với một số lần trước, mọi người được cô “chữa bệnh” ở ngoài sân nhà thì hôm nay từng tốp 20 người được gọi vào trong, cánh cửa được đóng kín lại để không ai ở ngoài thấy sự việc diễn ra bên trong.
Ngồi xếp hàng chờ đến lượt, ông Lê Văn Dũng (quê ở Bắc Giang) cho biết, ông bị viêm phổi đi chữa khắp bệnh viện nhưng không khỏi, nay đến “cầu cạnh” cửa Cô Phú để mong sớm lành bệnh. “Vợ chồng tôi đi xe máy lên đây từ sáng. May là đến sớm, nhiều người đến muộn không còn lượt thì đành phải ở trọ chờ sang ngày hôm sau”, ông Dũng nói.
Được biết, ở đây không thu tiền khám chữa. Nhưng mỗi người đến xoa bóp chữa bệnh nhà cô Phú là “tùy tâm” ủng hộ vào hòm công đức đặt ở điện thờ trong nhà. Bên ngoài nhiều dịch vụ cho thuê chiếu, võng nằm chờ đợi diễn ra hối hả, ngoài ra đội quân trông xe cũng hoạt động hết công suất. Trong ngày hôm qua, theo ghi nhận của chúng tôi, phải có đến gần 200 người có mặt trong khuôn viên của nhà bà Phú, chờ đến lượt mình để được cô giẫm lên lưng. Lượt ô tô xe máy ra vào dập dìu tấp nập. |
Ông Dũng cũng cho biết: “Nghe hàng xóm đồn là cô Phú chữa được bách bệnh mà không cần uống thuốc thang gì, chỉ dẫm lên lưng là bệnh đỡ. Căn bệnh viêm phổi khiến tôi thở khó, tức thở nên cứ lên xem sao. Không chỉ chữa được viêm phổi mà mọi người còn đồn thổi cô chữa được nhiều chứng bệnh khác nữa. Cô nói rằng, chữa được bệnh của tôi phải đi cửa cô 7 lần, còn đối với phụ nữ là 9 lần".
Đến trưa muộn, khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận và trò chuyện được với người phụ nữ được xưng là “Bồ Tát” sống và bà Phú cho biết, đây chỉ là cơ sở có chức năng tẩm quất bình thường chứ không chữa bệnh như mọi người vẫn đồn đoán (?!)
Bà Phú khẳng định: "Đây chỉ là cơ sở tẩm quất bình thường, không có chức năng chữa bệnh".
“Mọi người xưng tôi là Bồ Tát, là thánh thần… tôi khẳng định tôi không phải như thế, tôi chỉ là người dân bình thường. Tôi chỉ làm cho mọi người cảm thấy khỏe lên, chỉ tẩm quất ngoài ra không chữa được bệnh. Mọi người đến đây là tự nguyện và mỗi ngày tôi chỉ xoa bóp cho khoảng 100 đến 150 người. Còn đông quá thì về chờ đến lượt ngày hôm sau”, bà Phú cho biết.
Theo bà Phú, ngay sau khi thông tin bà có thể “chữa” được bách bệnh kể cả ung thư bệnh viện trả về đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của bà.
“Tôi gần như phát điên. Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi là thánh thần. Chỉ là tẩm quất giúp mọi người. Tôi khuyên mọi người có bệnh nên đi đến các bệnh viện. Còn tôi chỉ thực hiện đúng chức năng của tẩm quất”, bà Phú khẳng định.
Kiểm tra thì dễ, xử phạt lại khó (!)
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Thép, Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn cho biết, bà Phạm Thị Phú chuyển về xã Vinh Sơn từ năm 2010, trước sinh sống ở phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công và lên cơn tâm thần phải xuống Bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để điều trị và sau đó hành nghề xoa bóp từ năm 2004 đến nay.
“Do lượng người nghe đồn từ các nơi đổ về địa phương đông nên chúng tôi thường xuyên cùng với các đoàn liên ngành kiểm tra. Bà Phú chỉ có chứng chỉ hành nghề tẩm quất, ngoài ra không có chức năm khám chữa bệnh”, ông Thép cho hay.
Về thông tin bà Phú giúp người và không lấy tiền, ông Thép cho biết: “Bà ấy hành nghề, còn tiền là mọi người tùy tâm cho vào hòm công đức. Bản thân bà Phú chắc chắn là có lợi nhuận từ việc xoa bóp, tẩm quất này”.
Ông Đào Văn Thép, Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn.
Trước đó, năm 2010 khi dư luận rộ lên tin đồn về hiện tượng chữa khỏi bách bệnh nhờ giẫm đạp ở thành phố Sông Công, Thái Nguyên, một đoàn công tác của Bộ Y tế, do lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến địa phương để tìm hiểu.
Sau quá trình làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kết luận bà Phạm Thị Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về đào tạo y khoa; không có giấy chứng nhận lương y; không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh… nên không đủ tiêu chuẩn thực hiện việc khám chữa bệnh dưới bất cứ hình thức nào, vì thế đoàn công tác đã yêu cầu đình chỉ phương pháp khám chữa bệnh này.
Tuy nhiên, sau đó bà Phú đã lui về xã Vinh Sơn hành nghề tẩm quất. Dù vậy nhưng lượng người dân các nơi nghe đồn đổ về cũng rất đông còn người địa phương thì không ai đến bao giờ.
Bà Trần Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Y tế TP Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, sau khi bị đình chỉ hoạt động từ năm 2012, cơ sở của bà Phú chuyển sang đăng ký dịch vụ “tẩm quất và ăn uống".
“Theo quy định, thì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn phải tẩm quất theo phương pháp như nào mới đúng. Chính vì vậy, việc kiểm tra thì rất dễ mà chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra nhưng để mà căn cứ theo quy định nào để xử phạt thì rất khó. Trước mắt, chúng tôi cũng báo cáo với lãnh đạo cấp trên, phối hợp với các liên ngành họp bàn để tìm hướng xử lý cho phù hợp”, bà Hằng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã nắm được việc bà Phú hoạt động như vậy. Nhưng hiện tại bà Phú đăng ký dịch vụ là “tẩm quất và ăn uống”, nên xử lý ngay là rất khó, chúng tôi cũng đã giao cho địa phương theo dõi và xử lý. Trường hợp cần hỗ trợ từ phía Sở chúng tôi sẽ cùng bàn bạc để tìm cách xử lý, nhưng cũng phải căn cứ theo những quy định của pháp luật”
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.