Chùm ảnh: Cận cảnh nghề cõng sắt lên “nóc nhà Đông Dương”

Thành Nam - Doãn Tuấn , Theo Trí Thức Trẻ 07:00 08/05/2015

Cõng trên lưng hàng chục kg sắt di chuyển trên đoạn đường dài trong điều kiện rừng núi hiểm trở để tới các địa điểm khác nhau, phục vụ công trình xây dựng điện lưới trên “nóc nhà Đông Dương”, những người lao động được trả mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày.

Tại độ cao 2.900m so với mực nước biển trên đường chinh phục đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), một nhóm người lao động địa phương và các tỉnh lân cận tập trung ở đây làm nghề vận chuyển sắt thép xây dựng điện lưới lên “nóc nhà Đông Dương” thuộc Dự án cáp treo Fansipan. 

Do địa hình hiểm trở, việc sử dụng máy móc vào xây dựng là không thể, đòi hỏi phải sử dụng sức lao động của con người nhất là sức khỏe của những người đàn ông bản địa bởi họ quen đường đi lối lại và có sức bền tốt. 

Mặc dù là nghề nặng nhọc, vất vả nhưng vì cuộc sống mưu sinh thường ngày, những người phụ nữ dân tộc Thái ở Lai Châu cũng lặn lội đến đây để có công ăn việc làm. 

Địa hình đường rừng hiểm trở nhưng chị Lò Thị Sòi (26 tuổi, Sì Hồ, Lai Châu) hàng ngày vẫn cõng được hơn 3 – 5 chuyến sắt từ điểm tập kết tới vị trí xây dựng cột điện khác. Mỗi chuyến sắt nặng 20kg và chị được trả 3.000 – 10.000 đồng/kg sắt.   

Cùng với chị Sòi còn có chị Thanh, chị Lờ đến từ Lai Châu. “Ở quê không có việc gì làm kiếm ra tiền, được mọi người giới thiệu, tôi cùng một số người nữa trong bản đã đi lên đây làm việc. Công việc có vất vả nhưng nếu mệt quá thì chúng tôi sẽ nghỉ” - chị Lò Thị Thanh (27 tuổi, người dân tộc Thái, ở Lai Châu) nói. 

Nằm giữa núi rừng, những chiếc lán bạt thiếu thốn đủ thứ trở thành “mái ấm” cho nhóm người lao động vận chuyển sắt này. “Chưa nói tới việc ăn uống thiếu thốn, thời tiết ở độ cao 2.900m này vô cùng khắc nghiệt. Không khí bị loãng, ban ngày thì nắng, đêm thì lạnh. Người không quen sẽ bị ốm ngay” – ông Hạng A Giang (54 tuổi, người dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ. 

Phải lao động nặng nhọc nhưng những bữa ăn của họ lại rất đơn giản. Trong ảnh chị Thanh đang chuẩn bị bữa trưa cho cả nhóm. 

Cuộc sống khó nhọc thường ngày trong công việc là câu chuyện của em Lờ (16 tuổi, người dân tộc Mông, nhà ở Sa Pa). “Em đã đi làm ở đây được 20 ngày cùng cha mẹ và nhiều người trong bản. Công việc thường ngày của em là vận chuyển những thanh sắt về các nơi xây dựng cột điện. Mỗi lần em vác được 30kg sắt trên lưng”- Lờ nói. 

Những đôi chân trai sạn vẫn hàng ngày miệt mài với công việc vất vả của mình. “Phải làm nhiều mới kiếm được tiền. Nếu cứ ở nhà mà không làm gì thì không có tiền để mua sắm gì cả” – Người đàn ông hơn 50 tuổi, là bố của Lờ chia sẻ. 

Nghề vận chuyển sắt để xây dựng điện lưới theo đường leo đỉnh Fansipan đã có được cách đây hai năm về trước. Giá trả cho mỗi chuyến vận chuyển không cố định mà do đơn vị thuê tính khoảng cách, công sức người lao động bỏ ra. (Trong ảnh là những người phụ nữ dân tộc Dao (Sa Pa, Lào Cai) đang vận chuyển sắt từ Trạm Tôn lên độ cao 2.200m). 

Ông Tần Vườn Sinh (58 tuổi, người dân tộc Dao, ở Sa Pa) cho biết, hôm nay cả gia đình ông gồm có vợ, con trai, con dâu và một số người cùng trong bản bắt đầu đi làm công việc này. Chuyển sắt từ Trạm Tôn lên độ cao 2.200m, những người lao động đã quen thuộc địa hình này cần khoảng 2 giờ đồng hồ (nếu là khách du lịch thì phải hết 4 - 6 giờ đồng hồ). Mỗi ngày, ông Sinh đi được khoảng 2 chuyến và được trả công với mức 3.000 đồng/kg. 

Với công việc này, những người lao động phải bỏ ra hơn 100% sức lao động để có một mức thu nhập bình quân từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày. 

Được biết, công trình xây dựng điện lưới lên đỉnh Fansipan có 33 địa điểm hiểm trở nằm trên núi cần phải xây dựng cột điện, giai đoạn đầu nhà thầu điện lưới đã phải huy động hơn 500 công nhân để đảm bảo tiến độ. Trong giai đoạn lắp ráp cột điện, số lượng công nhân chỉ còn khoảng 30 - 40 người. 

Dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ khách tham quan từ Sa Pa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan (Lào Cai) do Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan-Sa Pa - thành viên Tập đoàn Sun Group (đơn vị đã triển khai dự án cáp treo Bà Nà) làm chủ đầu tư. 

Hệ thống cáp treo Fansipan có độ dài toàn tuyến khoảng 7 km, điểm đầu tại tổ 11B, đường Nguyễn Chí Thanh - thị trấn Sa Pa, vượt thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch và lên đỉnh Fansipan. Với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng, đây là hệ thống cáp treo 3 dây lần đầu tiên có tại châu Á, cũng là cáp 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. 

Khi công trình hoàn thành, hành trình chinh phục đỉnh Fansipan sẽ chỉ còn 15 phút, với vận tốc ca bin đạt 8m/s và công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách trong một giờ.