Câu chuyện xúc động của chàng trai "bị giam" trong hình hài một cô gái

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 14/07/2015

Mẹ của Trần Mạnh Cường chia sẻ: "Ban đầu tôi rất buồn khi phát hiện ra Cường là người chuyển giới. Tôi lo sợ con mình bị tổn thương. Với tôi, Cường như thế nào tôi cũng chấp nhận được, nhưng nhìn những người xung quanh kỳ thị con mình, tôi thấy đau lắm...".

Trần Mạnh Cường tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh (SN 1993, quê Bắc Kạn). Mặc dù sinh ra trong gia đình toàn chị em gái, nhưng từ nhỏ Cường nhận thấy mình không như các chị em còn lại. Cường không thích để tóc dài, không thích mặc váy, chỉ thích những trò chơi mạnh mẽ của con trai.

Lớn lên ở một miền quê nghèo khó, nơi mà người dân làm không đủ ăn nói chi đến việc tìm hiểu kiến thức về giới tính, về cộng đồng LGBT. Vậy nên tuổi thơ của Cường gắn liền với những câu hỏi “Sao mày giống con trai vậy?”, “Sao mày con gái mà không ra con gái?”, thậm chí là sự xúc phạm, miệt thị “Sao mày không giống người?”.

Cô gái Ngọc Ánh lúc đó luôn khao khát trở thành một chàng trai, luôn vươn lên trong cuộc sống mặc người đời miệt thị, kinh khi. Tuy vậy, cậu vẫn chưa bao giờ có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về xã hội. Trái lại, từng ngày, cậu luôn phấn đấu để mọi người thấy rằng mình không khác người, mình là một người con trai đúng nghĩa.


Trần Mạnh Cường - chàng trai "bị giam” trong hình hài một cô gái.

Lớn lên với hình hài của một chàng trai tên Mạnh Cường, đi tới đâu Cường cũng bắt gặp những ánh mắt săm soi, những cái chỉ trỏ, có lần Cường ra đường, mặc dù không làm gì ai, không kiếm chuyện ai, vậy mà vẫn bị người ta chỉ tay thẳng mặt và nói “Nó là con gái đó, không phải con trai đâu. Sao mày không giống người như vậy?”.

Khi thấy con gái thứ tư của mình có những biểu hiện không giống như các chị em của nó, ông Trần Văn Vơ (ba của Cường) tự mình tìm tài liệu về giới tính, hỏi thêm những người khác để hiểu hơn về con mình. Khi biết rằng đồng tính, hay chuyển giới,… không phải là một căn bệnh, ông dần đồng cảm với Cường. Là một người cha trầm tính, ông không nói ra nhưng vẫn dõi theo bước đường của con, ngầm ủng hộ Cường trên mỗi quyết định của cậu mặc người ngoài có nói gì, ông vẫn tin Cường là đứa con ngoan và có ích cho xã hội. 

Ông Vơ chia sẻ: “Tôi đã biết được con của mình là người đồng tính từ lúc nó học cấp 2, nhưng tôi không nói ra mà im lặng chấp nhận sự thay đổi từng ngày của Cường. Với tôi, khi đã có con cái, thì con tôi dù nó là nam hay nữ, đồng tính hay sao đi chăng nữa, tôi cũng yêu quý chúng. Những lời nói của người đời không ảnh hưởng đến tình cảm của tôi dành cho con mình. Hơn nữa, Cường là một đứa mạnh mẽ, nó sống tích cực và không làm hại ai. Bản thân tôi cũng quyết tâm để con mình có điều kiện phẫu thuật chuyển giới, vì tôi biết con tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi nó được là chính mình. Tôi muốn nói với con tôi rằng, giới tính không quan trọng, quan trọng là mình sống làm sao để có ích cho bản thân và xã hội, để người khác nhìn mình với thái độ thiện cảm chứ không phải là khinh rẻ hay thương hại”.

Để biết mình là ai, tại sao mình không giống các chị, Cường lên mạng tìm hiểu về giới tính của mình, cậu nhận ra mình là người chuyển giới. Và ngoài kia có rất nhiều người như cậu, cậu cũng là một cá nhân của xã hội, cũng là một con người đúng nghĩa. Thế là cậu chuẩn bị cho mình một kế hoạch để tìm lại chính mình, mà điều đầu tiên là phải đi xa mảnh đất ngày ngày gặm nhấm tinh thần cậu. 


Đối với ba mẹ Cường, giới tính của cậu không quan trọng, quan trọng là Cường luôn biết sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài việc sống hạnh phúc, ông Vơ muốn con mình phải luôn làm việc tích cực để mọi người nhìn Cường với ánh mắt thân thiện thay vì thương hại.

Cường chia sẻ: “Vì giới tính của mình mà cả nhà mình cũng đều bị người ta soi mói, nhưng tất cả thành viên trong nhà đều cảm thông với mình. Tuy không ai nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu sự khát khao của mình, nên ngày mình vào Sài Gòn mọi người không ngăn cản dù các chị và mẹ gọi điện thoại khóc với mình trên suốt đường đến sân bay. Điều đó càng làm mình quyết tâm hơn rằng sẽ có một ngày thành công trở về”.

Vào Sài Gòn, Cường trải qua đủ thứ nghề vất vả từ phụ bán quán ăn, chạy bàn đám cưới, đến phục vụ ở nhà hàng, bán quần áo thuê… để có tiền đi học cắt tóc. Cường quan niệm khi người ta muốn làm đẹp, người ta sẽ quan tâm đến tay nghề của một người thợ nhiều hơn là giới tính của họ, và nghề cắt tóc sẽ giúp Cường hòa nhập với cộng đồng. Những tưởng đây sẽ là miền đất hứa với cậu, nhưng thời gian đầu xin việc Cường luôn bị từ chối ngay khi chủ chưa một lần đọc hồ sơ của cậu, hay khi làm việc được một thời gian Cường bị gọi lên đuổi việc với lý do… lừa đảo, hồ sơ giả vì rõ ràng cậu là con trai mà lại nộp hồ sơ của một cô gái. 

Khi làm việc cho công ty nước ngoài, cậu được đánh giá là nhân viên xuất sắc, và được giao cho những việc quan trọng. Những tưởng cuộc sống đã bớt khắt khe với chàng trai luôn biết vươn lên. Thế nhưng đã có một vị sếp người nước ngoài gọi cậu lên, nói rằng cậu thật... biến thái, bệnh hoạn và đuổi việc khi nhìn thấy cậu vào nhà vệ sinh nữ.

Mỗi lần bị từ chối, đuổi việc, là thêm một lần Cường phải phấn đấu lại từ đầu nhưng cậu chưa bao giờ cảm thấy buồn bực một ai, cậu cố gắng từng chút một. Cứ thế lặng lẽ 4 năm trời cậu miệt mài phấn đấu để giờ đã trở thành thợ cắt tóc chuyên nghiệp, mỗi mẫu tóc cậu sáng tạo khách hàng đều thích thú.

Tiết kiệm được một số vốn, năm 2014 Cường trở về quê tự mở tiệm riêng và ngày càng đắt khách. Cường cho biết: “Người ở quê rất thích làm đẹp và khi mình có những mẫu tóc mới, hiện đại thì họ rất thích đến tiệm làm. Còn mình, vì đam mê tạo mẫu tóc nên không để ý đến những lời nói trước đây của họ, chỉ thấy họ vui là mình vui, dần dần họ hiểu mình cũng như họ nên bớt kỳ thị. Mình cảm thấy họ dần chấp nhận mình nên đã tự tin hơn trước”.


Trải qua bao nhiêu khó khăn, giờ đây Cường đã tự tin khi có nghề nghiệp ổn định và đang dần nhận được những cái nhìn thiện cảm từ bà con ở quê nhà. Nếu ai có hoàn cảnh khó khăn muốn học nghề, Cường sẵn sàng dạy miễn phí cho họ.

Đã qua những ngày buồn tủi vì những lời cay nghiệt, Cường luôn đối xử tốt với mọi người , luôn tự nói với mình hãy cố gắng thành công để người ta nhìn mình bằng ánh mắt khác, để giờ đây mọi người đã có nhiều chia sẻ với cậu hơn, cậu tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, về lại bên cạnh gia đình trong sự ủng hộ của bà con, hàng xóm. Đó là một kết quả đẹp cho một con người luôn sống tích cực và biết vươn lên.

“Ban đầu tôi rất buồn khi phát hiện ra Cường là người chuyển giới. Tôi lo sợ con mình bị tổn thương. Với tôi, thì Cường như thế nào tôi cũng chấp nhận được, nhưng khi thấy những người xung quanh kỳ thị con mình, tôi đau lắm. Lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao con tôi lại bị như vậy. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy vui và tự hào vì con trai rất nghị lực và sống tốt. Nếu sau này nó có lấy vợ, tôi cũng sẽ ủng hộ, và hạnh phúc cùng với nó”, bà Trần Thị Liên (mẹ của Cường) chia sẻ.

Trải qua bao nhiêu nỗi vất vả, Cường đang từng ngày làm việc chăm chỉ để có tiền phẫu thuật chuyển đổi giới tính, với Cường sự đau đớn về thể xác không làm cậu sợ hãi bằng không được là chính mình. Cậu đọc nhiều tài liệu về phẫu thuật chuyển giới, biết được những ngày phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nếu phẫu thuật cậu phải chấp nhận sự sa sút về sức khỏe cũng như tuổi thọ của bản thân. Thế nhưng với Cường điều đó rất đáng để cậu đánh đổi, cho dù được làm con trai một ngày rồi phải chết, cậu cũng chấp nhận tìm lại chính mình.

Đón xem chương trình "Điều ước thứ 7" vào lúc 13h thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Trong mỗi số phát sóng, chương trình sẽ biến ước mơ của một nhân vật thành hiện thực.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày