Cận cảnh tàu metro đầu tiên của Việt Nam trước ngày mở cửa tham quan

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/03/2015

Vỏ tàu làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh, mỗi toa chứa 300 hành khách..., tàu điện ngầm số 1 của TP. HCM sẽ được vận hành dưới dạng tự động, không nhân viên phục vụ.

Mô hình đầu máy, toa tàu tuyến metro đang được đặt tại đường 11, phường Long Bình, quận 9  (gần depot Long Bình). Dự kiến, Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến các sở - ngành nhà khoa học và người dân trong vòng một tháng (15/3 - 15/4). Sau đó, Ban sẽ thống nhất phương án cuối cùng để đặt hàng nhà sản xuất.

Từ ngày 15/3, người dân sẽ được tham quan miễn phí để đóng góp ý kiến tuy nhiên phải đăng ký trước nhằm tạo thuận tiện cho việc quản lý, hướng dẫn tham quan.

Ông Đặng Hữu Hòa, Phó Giám đốc tuyến metro số 1, cho biết: "Đây là toa tàu đầu tiên được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam để tham khảo ý kiến, sau đó mới đi đến thống nhất và được sử dụng vào năm 2020. Để phục vụ cho toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chúng tôi đã đặt hàng 17 toa tàu tại nước bạn với kinh phí 8,6 tỷ yên. Tàu này được vận hành dưới dạng tự động, công nghệ tiên tiến hiện đại, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên tàu sẽ không có nhân viên phục vụ như tàu thông thường. Theo đó, phí lên tàu được thu ngay từ cửa kiểm soát của nhà ga cho thuận tiện trong việc quản lý".

Phần đầu máy được bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng 3D, đường cong lớn hơn được thêm vào phần đèn tạo ra một cái nhìn sắc nét về tính hài hòa và năng động của đoàn tàu.

Vỏ tàu được thiết kế bằng nhôm và thép không gỉ. Logo của tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được gắn ở phía trước đầu tàu và hai bên hông để hành khách dễ theo dõi và phân biệt với các tuyến khác sẽ được xây dựng trong tương lai.

Theo ông Hòa, kế hoạch lấy ý kiến chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/3 đến 15/4, thay vì 3 tháng như dự kiến trước đây. Hiện nay ban quản lý đã hoàn thành các khâu cần thiết tại khu vực depot (quận 9), nơi mô hình tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam được trưng bày. Ngoài ra, nhằm phục vụ tốt việc tham quan, Ban quản lý sẽ trang bị các thiết bị cần thiết như máy chiếu, thuyết trình.

Phần đèn tạo nên phong cách năng động và cá tính hơn.

Trong phần thiết kế đầu tiên của toa tàu được đưa về Việt Nam lần này, hình dáng của phần đầu máy được bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng 3D. Việc tạo thêm đường cong lớn hơn ở phần đèn giúp tạo ra một cái nhìn sắc nét về kiểu dáng mang phong cách cá tính của đoàn tàu. Màu xanh da trời được lựa chọn để thể hiện vẻ ngoài tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của Việt Nam. Điều đặc biệt khiến nhiều người có thể hài lòng ở toa tàu này là khu vực bên trong có hệ thống thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật đi lại được thuận tiện.

Màu trắng đục làm chủ đạo bên trong toa tàu. Có tất cả 8 cửa ra vào được bố trí đều ở 2 bên thành toa để hành khách lên, xuống. Giữa 2 toa xe có cửa thông.

Được biết, theo thiết kế, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa. Mỗi toa có thể vận chuyển 382 hành khách. Trong đó, 2 toa có gắn động cơ, được vận hành khi nối với điện lưới quốc gia. Trong trường hợp có sự cố, máy phát điện đủ cung cấp năng lượng cho tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về ga an toàn. Dự kiến, thời gian vận hành của các đoàn tàu cách nhau khoảng 5 phút, trong giờ cao điểm thì 2 phút 10 giây; thời gian dừng tại ga khoảng 30 giây. Hành khách lên xuống tàu bằng hệ thống cửa tự động.

Toa xe có 127 móc nắm cùng tay vịn với hai mức cao thấp khác nhau cho khách đứng, đảm bảo an toàn khi di chuyển. Tàu còn có vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật.

Hệ thống cửa sẽ được thiết kế tự động khá hiện đại. 

Trong khi đó, Ban Quản lý cũng rất chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trên tàu khi có quy định hành khách không được ăn uống cũng như hút thuốc hay xả rác. Theo Ban Quản lý cần vận động người dân thực hiện nghiêm, bảo đảm văn minh, lịch sự khi lên xuống cũng như tham gia trên tàu. An toàn cho hành khách và người dân ở các khu vực có đoàn tàu đi qua cũng được đề cao.

Biết tin Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM mở cửa cho người dân tham quan tàu metro trong thời gian sắp tới, nhiều người tỏ ra thích thú. Anh Hoàng Văn Việt (nhà ở gần khu vực đặt tàu metro) chia sẻ: "Tôi rất hài lòng với việc Ban lãnh đạo Quản lý đường sắt quyết định cho người dân vào tham quan lấy ý kiến. Hy vọng hệ thống tàu metro này sớm đi vào hoạt động, như vậy sẽ thuận tiện hơn trong việc di chuyển trong tương lai. Người dân đang rất mong chờ được lần đầu tiên chiêm ngưỡng hệ thống tàu hiện đại tầm cỡ quốc tế này".

Video "đi thử" tuyến Metro số 1 Sài Gòn. Nguồn: Zing.

Tuyến metro số 1 ở TP. HCM (dài 20km, tổng vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ USD) được khởi công vào tháng 8/2012, đi qua các quận 1,2,9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Đoạn đi ngầm dài 2,6 km và đoạn đi trên cao dài 17,1km.

Đây là tuyến metro đầu tiên của TP. HCM và cả nước, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày