Bị ghép ảnh để quảng cáo phim "nóng" ở Nhật, hoa hậu Kỳ Duyên nên xử trí thế nào?

Luật gia Trung Tín, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 11/03/2016

Theo Luật gia Nguyễn Trung Tín (Công ty Luật Thiên An), Hoa hậu Kỳ Duyên rất khó có thể đòi lại công bằng bởi vụ việc xảy ra ở Nhật Bản sẽ không dễ để xác minh và thu thập chứng cứ.

Thời gian qua, trên diễn đàn mạng xuất hiện thông tin Hoa hậu Kỳ Duyên bị ghép hình để quảng bá cho các phòng khám nam ở Nhật Bản và các sản phẩm băng đĩa, web đồi trụy. Trang web này chọn những tấm ảnh gợi cảm của người đẹp kèm dòng chữ: "Kỳ Duyên là diễn viên nổi tiếng, một ngày có thể ngủ với 50 người đàn ông". 

Trong poster, những tấm hình Hoa hậu Kỳ Duyên bị cắt ghép để quảng cáo cho những sản phẩm có nội dung không tốt đa phần là ảnh lấy từ internet. Một số là từ những bộ ảnh thời trang, ảnh quảng cáo cho các sản phẩm và cả những khoảnh khắc cô tham dự sự kiện. Đáng chú ý, khoảnh khắc cô được giáo sư Vũ Khiêu hôn má lại bị "xuyên tạc" với nội dung quảng cáo cho mục đích xấu.

Đây rõ ràng là một thông tin không hay cho chính bản thân hoa hậu, cũng như những người hâm mộ cô. 

Pháp luật Việt Nam quy định thế nào?

Pháp luật luôn bảo vệ cho người bị thiệt hại và trừng phạt những hành vi vi phạm. Cụ thể tại khoản 3 Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 của Việt Nam nghiêm cấm việc sử dụng hành ảnh của người khác mà xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín người đó.

Luật hình sự Việt Nam, cũng quy định mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm và cao nhất ba năm tù giam, đối với Tội làm nhục người khác, gây ảnh hưởng, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm.

Bị ghép ảnh để quảng cáo phim nóng ở Nhật, hoa hậu Kỳ Duyên nên xử trí thế nào? - Ảnh 1.

  Hoa hậu Kỳ Duyên bị sử dụng hình ảnh trái phép, ghép trên sản phẩm có nội dung đồi trụy.

Kỳ Duyên cũng là một công dân Việt Nam, vì vậy sẽ được pháp luật, Nhà nước ta bảo hộ. Nếu như cá nhân, tổ chức thực hiện những hành vi cắt ghép hình ảnh, nhằm mục đích xấu, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.

Giả sử, người nào tạo ra, chia sẻ hình ảnh cắt ghép của Kỳ Duyên lên các trang web đen hoạt động tại Việt Nam, thì việc trước tiên, Kỳ Duyên bằng mọi biện pháp phải tiến hành thu thập chứng cứ để chứng minh mình là người bị hại; sau đó gửi đến cơ quan công an, kèm theo Đơn yêu cầu để nhờ xác minh và điều tra. Bởi nếu không chứng minh được các hình ảnh của mình bị cắt ghép cho mục đích xấu, thì sẽ rất khó cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh.

Mức phạt trong trường hợp này, người vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có điều khoản liên quan tới hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác: cụ thể tại điểm g, khoản 2, điều 66, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Còn theo điểm đ, Khoản 33 Điều 64, hành vi "giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác" sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Hành vi xảy ra ở Nhật Bản, phải xử lý thế nào?

Theo thông tin báo chí và người trong cuộc, thì tấm poster quảng cáo xuất hiện tại Nhật Bản, do đó không loại trừ khả năng hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của Kỳ Duyên được thực hiện ở Nhật Bản. Trong trường hợp này, thủ tục pháp lý dĩ nhiên sẽ khác so với hành vi vi phạm ở trong nước, vì xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Việc cần làm của Kỳ Duyên là phải liên hệ với các Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Nhật Bản, cũng như Cơ quan ngoại giao như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để hỗ trợ trong việc xác minh hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nào.

Bị ghép ảnh để quảng cáo phim nóng ở Nhật, hoa hậu Kỳ Duyên nên xử trí thế nào? - Ảnh 2.

 Luật gia Nguyễn Trung Tín.

Đồng thời theo tôi, Kỳ Duyên nên gửi Đơn yêu cầu đến Bộ Công An để can thiệp, vì đây là vấn đề dính đến yếu tố nước ngoài.

Hiện nay, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa ký kết Hiệp định tương trợ Tư pháp, do đó cả 2 nước sẽ áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan giữa 2 quốc gia.

Luật sư Việt Nam và cả Luật sư Nhật Bản sẽ là những người hỗ trợ đắc lực cho Kỳ Duyên trong việc truy tìm nơi phát tán web đen và poster quảng cáo. Nhưng theo tôi nghĩ, hoa hậu nên cân nhắc trong cái "được và mất". Bởi, vụ việc xảy ra ở Nhật Bản sẽ không dễ để xác minh và thu thập chứng cứ, kéo theo đó là chi phí nhờ hỗ trợ rất cao và câu hỏi lớn nhất mà tôi băn khoăn: "Liệu có đòi lại được gì không, cả tinh thần lẫn tiền bạc? Nếu hành vi vi phạm do kẻ không có tiền? Họ bồi thường như thế nào? Hoặc đó chỉ là một trang web ảo…".

Việc tìm ra tung tích của các trang web đen không hề dễ dàng, nếu trụ sở của trang web ấy đặt tại một quốc gia khác, sẽ khiến sự việc thêm khó cho Kỳ Duyên. Điển hình như việc Diễn viên Lâm Tâm Như – Trung Quốc, cũng bị ghép hình ảnh trên các trang web đen vào năm 2015, mặc dù người đẹp này đã đệ đơn kiện nhưng vẫn chưa có kết quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày